Phát huy vai trò của tình nguyện viên sơ cấp cứu Chữ thập đỏ

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Tình nguyện viên Chữ thập đỏ được xem là “cánh tay nối dài”, là nguồn lực “vô tận” trong các hoạt động nhân đạo, tình nguyện. Từ đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hậu Giang đã xây dựng nhiều mô hình hoạt động ý nghĩa nhằm thu hút những người tình nguyện tham gia. Trong đó, “Điểm sơ cấp cứu” là một trong những mô hình thiết thực được nhiều người biết đến.

Điểm sơ cấp cứu thị trấn Rạch Gòi (Châu Thành A, Hậu Giang) thành lập vào năm 2012 với 6 thành viên. Điểm nằm trên tuyến đường quốc lộ 61, xung quanh là chợ Rạch Gòi và trường tiểu học Him Lam, tiểu học Rạch Gòi 3, trường THPT Tầm Vu, tập trung dân cư đông đúc nên thường xuyên xảy ra tai nạn, nhất là tai nạn giao thông. Từ khi thành lập đến nay, điểm sơ cấp cứu thị trấn Rạch Gòi đã hỗ trợ sơ cấp cứu cho trên 50 trường hợp bị tai nạn giao thông.

1
Một đội tình nguyện viên sơ cấp cứu thực hành kỹ năng băng bó vết thương cho nạn nhân.

Tình nguyện viên hoạt động trong Điểm sơ cấp cứu thị trấn Rạch Gòi phần lớn là các tài xế hành nghề xe ôm. Trên mọi nẻo đường, tình nguyện viên chữ thập đỏ luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ ở mọi lúc mọi nơi. Hoàn cảnh của mỗi người rất khó khăn nhưng điều đó không làm ảnh hưởng đến tinh thần tình nguyện vì nhân đạo và đảm bảo an toàn của mọi người.

Ông Trần Văn Sáu, tình nguyện viên của Điểm sơ cấp cứu thị trấn Rạch Gòi chia sẻ: “Hàng ngày chạy xe ôm, thấy tai nạn xảy ra trên đường mà không ai dám đến giúp, được chữ thập đỏ tuyên truyền, vận động tham gia đội tình nguyện viên sơ cấp cứu, tôi thấy đây là hoạt động ý nghĩa giúp đỡ người bị nạn, giải quyết nỗi trăn trở bấy lâu nay nên tôi tham gia đội sơ cấp cứu để có cơ hội giúp đỡ người bị nạn”.

“Không dừng lại ở việc sơ cấp cứu tại hiện trường, chuyển nạn nhân đến trung tâm y tế, từ khi trở thành tình nguyện viên của Điểm SCC, tôi cũng như các tình nguyện viên khác đã làm tất cả những gì có thể để giảm bớt đau thương cho người bệnh. Chúng tôi hành động như thân nhân người bệnh, gọi điện thông báo người thân, làm các thủ tục cấp cứu, ở lại bệnh viện trực đến khi gia đình đến. Đối với những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi vận động mạnh thường quân giúp đỡ. Những nghĩa cử cao đẹp đó luôn thầm lặng và chúng tôi không mong nhận được sự đền đáp của bất cứ ai. Tất cả chúng tôi - những tình nguyện viên chữ thập đỏ đã hành động bằng tình yêu thương và một tinh thần trách nhiệm cao độ”, ông Sáu nói.

2
Thực hành phương pháp di chuyển nạn nhân tại Hội thi SCC tai nạn giao thông.

Ông Nguyễn Văn Vân, Đội trưởng Đội tình nguyện viên thị trấn Rạch Gòi cho biết: “Tinh thần tình nguyện của các đội viên rất cao, khi được người dân báo, dù 2 hay 3 giờ sáng, chỉ trong vòng 5 phút, tình nguyện viên đã có mặt tại hiện trường tai nạn, giữ gìn tài sản cho người bị nạn, kịp thời sơ cấp cứu và chuyển nạn nhân đến trung tâm y tế”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 15 điểm sơ cấp cứu đủ điều kiện hoạt động. Các điểm sơ cấp cứu được đặt tại những nơi trọng yếu, tập trung dân cư đông, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Tất cả tình nguyện viên chữ thập đỏ luôn trên tinh thần sẵn sàng ứng cứu khi có tai nạn xảy ra.

Với phương châm “Không để nạn nhân tử vong vì không được sơ cấp cứu kịp thời và đúng cách”, các điểm sơ cấp cứu trên toàn tỉnh đã thu hút đông đảo tình nguyện viên sơ cấp cứu tham gia. Mỗi điểm sơ cấp cứu được trang bị túi sơ cấp cứu, băng, nẹp và cán chuyển thương. Mỗi tình nguyện viên trong đội sơ cấp cứu được huấn luyện kỹ năng quan sát, đánh giá hiện trường tai nạn, băng bó vết thương, chuyển bệnh an toàn,….

Điểm sơ cấp cứu là một trong những mô hình mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giúp nhiều trường hợp được sơ cấp cứu kịp thời, đảm bảo tính mạng cho người bị nạn.

Thu Ba