Cấp cứu tai nạn, chuyện không thể làm ngơ
Theo lời kể của anh Lê Văn Tùng (trú tại xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) với các phóng viên báo chí, khi đang ngồi trong nhà cách hiện trường vụ tai nạn khoảng 200m, anh nghe thấy tiếng nổ lớn. Biết có tai nạn xảy ra, anh Tùng và người dân sinh sống quanh đó chạy ào ra đường để hỗ trợ nạn nhân. Thấy có nhiều người bị thương nặng, anh Tùng vội chạy về nhà lấy xe tải của gia đình để đưa nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu. Sau khi đưa đợt đầu 8 người bị thương nặng vào viện, vừa quay ra xe thì anh Tùng thấy người dân tiếp tục đưa các nạn nhân tiếp theo vào viện. Anh Tùng bèn hỗ trợ mọi người khiêng nạn nhân. Anh bị máu của nạn nhân có HIV dính vào vết xước trên người trong lần hỗ trợ khiêng nạn nhân này. Sau đó, biết mình có thể bị phơi nhiễm HIV, anh Tùng đã tới Trung tâm Y tế làm xét nghiệm và điều trị phơi nhiễm HIV. Mặc dù bị phơi nhiễm HIV, nhưng anh Tùng vẫn khẳng định, dù biết trước nạn nhân bị HIV, anh cũng sẽ không từ chối đưa nạn nhân đi cấp cứu, bởi “ai cũng vậy thôi, lúc này cứu người là quan trọng nhất”.
Hành động và suy nghĩ của anh Tùng đáng được tôn vinh, khen ngợi. Bất kỳ nạn nhân nào cũng cần được cấp cứu kịp thời. Nếu ai cũng sợ tham gia cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông có thể bị phơi nhiễm HIV, có lẽ, đó là lúc “bệnh vô cảm” đã trở thành trầm kha, đạo đức xã hội đã xuống cấp đến mức trầm trọng.
Tuy vậy, cũng phải nhấn mạnh rằng, vụ việc cho thấy, việc trang bị kiến thức sơ cấp cứu cho mọi người dân là rất cần thiết. Nếu có kiến thức sơ cấp cứu, những người tham gia sơ cấp cứu tai nạn giao thông sẽ biết cách để tự bảo vệ cho bản thân, đồng thời cũng bảo đảm được an toàn tốt nhất cho nạn nhân.
Thực tế, các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam từ lâu đã có chương trình tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông một cách thường xuyên, có hệ thống. Tuy vậy, không ít người dân vẫn chỉ tham gia tập huấn với tâm thế rất hình thức, vì thực tế “chẳng mấy khi có tai nạn” dẫn tới tâm lý chủ quan. Cùng với đó, do nguồn lực có hạn, việc tập huấn này chưa thực sự vươn tới được toàn bộ người dân sinh sống dọc những tuyến đường lớn, có thể xảy ra tai nạn giao thông. Bởi thế, phần lớn người dân vẫn còn thiếu kỹ năng sơ cấp cứu tai nạn giao thông.
Cần có chính sách hỗ trợ người không thực thi công vụ
Hiện tại, trên nhiều trang mạng xã hội, tài khoản facebook có tên "Le Tung" chia sẻ: "Tai nạn thương tâm xảy ra tại thôn 11, Đakring, Đak Hà, Kon Tum hôm qua. Tôi thấy vậ̣y nên đã chạy về nhà lấy xe tải chở 8 nạn nhân đi cấp cứu. Trong số này có 1 nạn nhân bị nhiễm HIV Aids đã tử vong và có chảy máu. Tôi có bế và máu của nạn nhân đó có dính vào vết thương trầy xước của tôi nên tôi được mọi người khuyên đi viện xin thuốc chống phơi nhiễm HIV. Khi xuống viện thì được bác sĩ nói là thuốc này chỉ được cấp cho những người làm nhiệm vụ, chứ không cấp cho dân thường. Còn tôi cứu người thì bác sĩ nói bán 5 triệu/liều".
Thông tin của thành viên "Le Tung" nhận được sự ngợi khen của nhiều người vì đã có hành động dũng cảm cứu người gặp nạn. Tuy nhiên, dư luận cũng bày tỏ sự thiếu thiện cảm về cách đối xử của nhân viên y tế trong tình huống hỗ trợ người cứu nạn.
Ông Hoàng Đình Cảnh – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) sau khi nắm bắt được thông tin rất bức xúc và lấy làm tiếc về cách xử lý tình huống của nhân viên y tế: "Tôi cũng rất bức xúc về cách xử lý của nhân viên, quy định thì những người như vậy (người không thuộc lực lượng chức năng – PV) thì không được hưởng miễn phí. Tuy nhiên, trong tình huống như thế này phải xin ý kiến cấp trên xử lý cho hợp lý. Tôi đã gọi điện cho Giám đốc Sở Y tế Kon Tum, yêu cầu liên hệ với những người mà đã bị thu tiền thì trả lại cho họ”. Trong số 35 người bị nghi phơi nhiễm HIV trong quá trình tham gia cấp cứu nạn nhân vụ tai nạn giao thông ở xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, có 24 y, bác sĩ, 1 chiến sĩ công an và 10 người dân. Theo quy định, chỉ có 24 y, bác sĩ và 1 chiến sĩ công an được coi là bị phơi nhiễm HIV khi đang thực thi công vụ, nên được xét nghiệm sàng lọc, cấp thuốc điều trị phơi nhiễm HIV miễn phí. 10 người dân còn lại do không phải là người thực thi công vụ, nên không thuộc diện được xét nghiệm sàng lọc, cấp thuốc điều trị phơi nhiễm HIV miễn phí. Tuy nhiên, sau khi dư luận lên tiếng, các cơ quan chức năng của Kon Tum đã nhanh chóng vào cuộc, vì vậy, toàn bộ 10 người dân bị nghi phơi nhiễm HIV đã được xét nghiệm, cấp thuốc điều trị phơi nhiễm HIV miễn phí kịp thời.
Chia sẻ về vấn đề này, rất nhiều chuyên gia đề nghị cần xây dựng chính sách cụ thể, rõ ràng hơn về việc hỗ trợ người dân hay các tình nguyện viên của các câu lạc bộ, nhóm thiện nguyện, thành viên các tổ chức không may bị phơi nhiễm HIV khi tham gia ứng cứu các trường hợp khẩn cấp.
Việc hoàn thiện chính sách, pháp luật là hết sức cần thiết, bởi đó là hành lang pháp lý để bảo vệ và khuyến khích người dân, xã hội tham gia làm việc thiện, là nguyên tắc pháp định để bảo đảm an toàn cho người dân và các thành viên xã hội không phải là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước khi tham gia vào công tác ứng phó với các trường hợp khẩn cấp, nói cách khác là tham gia công việc nhân đạo-từ thiện. Chỉ khi đó, phong trào nhân đạo-từ thiện mới có tính lan tỏa cao. Cũng chỉ khi đó, chúng ta mới xây dựng được một xã hội nhân đạo thực sự.
Cùng với đó, thái độ của cán bộ y tế đối với người dân, tình nguyện viên các câu lạc bộ, nhóm thiện nguyện hay thành viên các tổ chức nhân đạo, từ thiện khi tới khám sàng lọc, điều trị phơi nhiễm HIV khi họ tham gia ứng phó trong các trường hợp khẩn cấp cũng cần hòa nhã, mang tính đồng cảm và phục vụ cao hơn, tuyệt đối tránh trường hợp phân biệt đối xử giữa những người thực thi công vụ với những người không thực thi công vụ để khích lệ toàn xã hội cùng nhau chung sức giữ gìn và phát huy truyền thống nhân văn, nhân ái của dân tộc.