Từ tuổi thơ không “Bình An” hướng về tương lai tươi sáng

Đặng Thu Hằng
"Những thứ mẹ con em nhặt được chủ yếu là rau và trái cây, những loại rau quả này bị dập, bị đen không bán được nên người ta bỏ. Nhặt đồ đem về tới nhà cũng đã 1-2 giờ sáng, em chỉ tắm rửa sơ là đi ngủ để còn đi học sớm, còn mẹ thì phải thức tiếp để gọt đi mấy chỗ đen, thâm, rồi ngâm nước muối sạch sẽ, để sáng sớm hôm sau sử dụng làm sinh tố cho cả nhà ăn sáng. Suốt những năm tháng ấy, cốc sinh tố trái cây buổi sáng đã góp phần nuôi dưỡng em và em gái lớn khôn”, Đặng Nguyễn Bình An - cô sinh viên với tuổi thơ vô cùng vất vả kể lại.

Lớn lên từ những cốc sinh tố trái cây nhặt ngoài chợ

Mới đây, tại vòng chung kết Cuộc thi “Sinh viên thế hệ mới” do Đài truyền hình Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp tổ chức, Đội tuyển Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh đã xuất sắc giành giải quán quân. Chiến thắng này có sự đóng góp công sức, trí tuệ và phần kêu gọi đầu tư cho dự án xuất sắc (nhận được 12/12 bình chọn ủng hộ từ Ban Giám khảo) của Đặng Nguyễn Bình An, sinh viên lớp D20, khoa Dược, Trưởng Ban đối ngoại của Dự án "VỰC"- một dự án phổ cập kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu với mục tiêu chính là tăng cường nhận thức về sơ cấp cứu trong cuộc sống hàng ngày.

Từ một cô bé được sống đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần, bỗng dưng biến cố gia đình khiến Bình An (khi ấy mới 6 tuổi và em gái 4 tuổi) phải cùng mẹ bắt đầu một cuộc sống thiếu thốn, khổ cực. Không có nơi ở, 3 mẹ con phải đi thuê trọ nay đây, mai đó.

11-1702611710.jpg
Nhìn những hình ảnh Bình An tự tin dự thi và rạng rỡ khi nhận các giải thưởng, ít ai biết rằng để có được những kết quả này, Bình An đã phải trải qua một tuổi thơ đầy khó khăn, vất vả.

“Năm đó, khi em mới chỉ vào học lớp 1, ba mẹ con phải lếch thếch kiếm nhà thuê, còn đồng nào mẹ dồn hết để đóng tiền học cho hai chị em. Cuộc sống lúc nào cũng thiếu thốn. Suốt những năm dài gian khó ấy, nhiều lần đến hạn nộp học phí, mẹ phải chạy vạy vay mượn khắp nơi. Lớn hơn một chút, thương mẹ vất vả, đôi khi em muốn nghỉ học đi làm để phụ mẹ nuôi em gái ăn học nhưng mẹ không đồng ý. Mẹ nói, chỉ có học mới khiến cho cuộc đời con thay đổi. Chỉ có học mới đem lại tương lai tươi sáng cho con. Mẹ còn dặn dò nếu mẹ có gì bất trắc mà ra đi thì chị em con không được từ bỏ việc học…”, Bình An rơm rớm nước mắt nhớ lại.

Bình An cho biết, giai đoạn từ năm lớp Ba đến lớp Sáu là quãng thời gian khó khăn nhất mà em không bao giờ quên. Thời điểm đó, vì hoàn cảnh quá khó khăn thiếu thốn, nên buổi sáng Bình An đi học, rồi cứ đến buổi tối khuya lại cùng mẹ đem bao tay, bịch ni lông đi khắp chợ đầu mối, điểm tập kết rác để nhặt đồ người ta bán ế bỏ đi, đem về dùng. Ngày may mắn thì nhặt được nhiều đồ ăn, ngày không may thì đi cả đêm không thấy gì để nhặt.

“Thương con, mẹ không cho Bình An bới trong đống đồ bỏ vì sợ không may bị kim tiêm, mảnh chai vỡ đâm trúng. Những thứ mẹ con em nhặt được chủ yếu là rau và trái cây, những loại rau quả này bị dập, bị đen không bán được nên người ta bỏ. Nhặt đồ đem về tới nhà cũng đã 1-2 giờ sáng, em chỉ tắm rửa sơ là đi ngủ để còn đi học sớm, còn mẹ thì phải thức tiếp để gọt đi mấy chỗ đen, thâm, rồi ngâm nước muối sạch sẽ, để sáng sớm hôm sau sử dụng làm sinh tố cho cả nhà ăn sáng. Suốt những năm tháng ấy, cốc sinh tố trái cây buổi sáng đã góp phần nuôi dưỡng em và em gái lớn khôn”, Bình An kể.

Cũng theo Bình An, ngoài trái cây, rau củ, em còn nhặt được quần áo, giày dép cũ người ta không sử dụng nữa. Hay thỉnh thoảng cũng được những người tốt bụng cho chút thịt cá, rau tươi. Có một kỉ niệm khiến Bình An nhớ mãi: “Đêm đó, khi mẹ con em đến chợ đầu mối, gặp trời mưa rất lớn xối xả vào mặt, chẳng thể dầm mưa mà bới tìm đồ ăn, hai mẹ con buồn bã dắt xe về, em tủi thân muốn khóc, thầm than vì sao mẹ con mình lại khổ đến vậy. Bỗng dưng đang đi thì tự nhiên có một bịch lớn trôi theo dòng nước mắc vào chân, em nhặt lên thấy trong bịch là hai con cá to. Hai mẹ con ôm nhau đứng giữa trời mưa, cười mà rơi nước mắt, mẹ nói dù sao cũng là may mắn con ạ. Trời thương nên mới gửi quà cho để động viên an ủi mẹ con mình. Lúc đó không hiểu sao em cũng tin là như vậy, tin rằng mình cứ cố gắng nỗ lực, chăm chỉ học hành thì nhất định sẽ được thương yêu, giúp đỡ”.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (mẹ của Bình An) xúc động khi nói về cô con gái đầu chăm ngoan của mình: “Thương nhất là lúc con còn tuổi ăn tuổi ngủ mà 3 giờ sáng phải lặn lội cùng mẹ đi từ Gò Vấp xuống tận Thủ Đức làm việc, rồi ngoài giờ học là đi làm gia sư, đi học Yoga với dự định vừa đi dạy kiếm thêm thu nhập vừa rèn luyện sức khỏe, rồi thay mẹ bảo ban, hướng dẫn em gái học hành, tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, các dự án… lúc nào Bình An cũng bận rộn, cũng nhanh như một cơn lốc”.

Hướng về phía mặt trời, phấn đấu vì một tương lai tươi sáng

Chắt chiu từng chút niềm vui, kiên cường vượt khó, chăm chỉ học hành để không phụ sự hy sinh vất vả của mẹ, Bình An và em gái nhiều năm liền là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến và đều trở thành sinh viên Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh trong niềm vui và nước mắt của Mẹ. Vui và tự hào về con, nhưng đồng nghĩa với gánh nặng trên vai mẹ cũng nhọc nhằn hơn. Nhiều lúc lo tiền học phí cho hai con gái mà chạy vạy, vay mượn khắp nơi nhưng mẹ của Bình An không nản lòng, luôn tin vào tương lai tươi sáng của các con.

31-1702611710.jpg
Bình An cũng từng tham gia chương trình “Hành trình Thủ lĩnh Sinh viên YDS” (Y Dược Sài Gòn) mùa 4 năm 2020 và đã xuất sắc trở thành quán quân của chương trình.

Cũng may cả hai chị em Bình An đều nỗ lực và đều được nhận học bổng nên cũng đỡ khó khăn cho mẹ được rất nhiều. Riêng Bình An được Học bổng Xèo Chu tài trợ toàn bộ học phí (từ 50 đến 60,5 triệu đồng mỗi năm) cho đến khi ra trường. Cũng nhờ có nguồn học phí lớn mà Học bổng Xèo Chu trao tặng từ năm học 2022- 2023 nên Bình An đỡ phải cực nhọc đi làm thêm mà dành nhiều thời gian hơn để học tập và tham gia các hoạt động của trường, của Đoàn- Hội, các hoạt động cộng đồng.

Nói về Học bổng Xèo Chu, Bình An xúc động: “Em rất cảm động khi được Học bổng Xèo Chu tài trợ 100% học phí cho đến khi tốt nghiệp Đại học. Đây là số tiền rất lớn đối với hoàn cảnh gia đình em và khiến cuộc sống của em hoàn toàn thay đổi. Em càng cảm động hơn khi biết Học bổng Xèo Chu được thành lập từ nguồn tài chính của gia đình họa sĩ Xèo Chu và tiền bán tranh của họa sĩ Xèo Chu đóng góp. Em rất ngưỡng mộ họa sĩ Xèo Chu về tài năng, lối sống giản dị, khiêm nhường và đặc biệt là tấm lòng quảng đại giúp đỡ, sẻ chia với gần 500 bạn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như em. Không chỉ tài trợ học phí, Học bổng Xèo Chu còn quan tâm đến cuộc sống tinh thần của học sinh - sinh viên trong quỹ".

Quỹ thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, gặp mặt với những khách mời diễn giả thành đạt để giúp chúng em được học hỏi và chứng kiến những tấm gương vượt khó thành công, truyền cảm hứng cho chúng em nỗ lực vươn lên. Em nguyện sẽ cố gắng nhiều hơn nữa trong học tập, trong rèn luyện để xứng đáng với sự giúp đỡ của Quỹ. Mơ ước của em là có thể sớm thành đạt và có thể có một ngày em đủ điều kiện để quay lại đóng góp, đồng hành cùng quỹ để giúp các bạn nhỏ khó khăn tiếp tục đến trường.

Với những thành tích đã đạt được trong học tập, hoạt động, Bình An đã được tặng danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp khoa, cấp trường (năm học 2020 - 2021, 2022 - 2023), Blouse trắng làm theo lời Bác năm 2022, Học bổng khuyến khích học tập năm 2020, Giấy khen của Hội sinh viên…

Không chỉ là con ngoan, trò giỏi, Bình An còn có một tấm lòng thiện lương, luôn biết quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng: Chiến sĩ Xuân tình nguyện năm 2020, năm 2021, Chiến sĩ Mùa Hè Xanh Củ Chi 2023.

PV