'Từ mẫu' giữa biển khơi

Nguyễn Diệp Linh
Để bộ đội có đủ sức khỏe bám biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, những chiến sĩ áo trắng làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa phải vất vả gấp bội phần so với đất liền. Không chỉ chăm sóc tốt sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, họ sẵn sàng cứu chữa cho những ngư dân gặp nạn.

Giữa sóng biển mênh mông, thời tiết khắc nghiệt nên dù thường xuyên rèn luyện thể lực, bộ đội trên các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa vẫn không tránh khỏi những lúc mỏi mệt, đau ốm. Khi đó việc khám, chữa bệnh ban đầu có vai trò rất quan trọng, được chữa trị kịp thời sẽ hạn chế diễn biến xấu, chỉ những ca bệnh nặng mới cần chuyển vào đất liền bằng tàu thuyền hoặc máy bay.

 Thượng úy, bác sĩ Hoàng Xuân Bảo thăm khám cho ngư dân. Thượng úy, bác sĩ Hoàng Xuân Bảo thăm khám cho ngư dân.

Hôm chúng tôi đến Bệnh xá khu vực đảo Sinh Tồn, gặp chiến sĩ Trần Văn Ngọc đang điều trị. Ngọc cho biết, từ đêm hôm trước đã có hiện tượng đau bụng, anh đến Bệnh xá để các y, bác sĩ thăm khám. Sau gần một ngày điều trị, Ngọc đã đỡ nhiều, có thể trở về làm nhiệm vụ. Cùng nằm ở Bệnh xá còn có ngư dân Trần Văn Thuận, ở tỉnh Thanh Hóa bị cao huyết áp, đang đánh bắt cá ngoài khơi thì bị choáng. Anh được các bác sĩ ở đảo Sinh Tồn cấp cứu ngay trong đêm, khám và cho uống thuốc, sức khỏe dần ổn định.

Người trực tiếp chữa trị các ca bệnh này là Thượng úy, bác sĩ Hoàng Xuân Bảo (SN 1994) từng công tác tại Khoa Ngoại chung - sản, Viện Y học Hải quân, hiện là Bệnh xá trưởng đảo Sinh Tồn. Bác sĩ Bảo cho biết: “Tôi ra đảo công tác từ tháng 7/2022. Khi nhận lệnh, tôi rất vinh dự và tự hào. Từ lâu tôi đã mong muốn được đóng góp một phần công sức cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo”.

Với Thiếu tá, bác sĩ Trần Hồng Đức, Bệnh xá trưởng đảo Sinh Tồn Đông, khoảng thời gian làm việc trên các đảo mang đến cho anh nhiều kỷ niệm, trải nghiệm và cũng là cách rèn luyện chuyên môn. Anh nhớ mãi lần cấp cứu cho một ngư dân tỉnh Phú Yên đi lặn bắt hải sản ngoi lên đột ngột, gặp hiện tượng giảm áp gây nguy hiểm đến tính mạng, nếu không cũng để lại di chứng nặng nề, có thể liệt chân, tay.

Đặc thù nghề lặn biển hoạt động từ khoảng 21 giờ hôm trước đến 2-3 sáng hôm sau, khi tiếp nhận bệnh nhân là rạng sáng, người ngư dân đó suy hô hấp, tình trạng nguy kịch. Không có thiết bị chuyên dụng hỗ trợ cấp cứu, bác sĩ Đức lập tức gọi điện thoại đề nghị hỗ trợ từ các đảo khác và đất liền. Qua kết nối, anh được các đồng nghiệp có kinh nghiệm hướng dẫn xử trí ca bệnh bằng những loại thuốc và dụng cụ có sẵn. Chỉ 3 ngày sau, ngư dân đã khỏe lại và được đưa vào đất liền tiếp tục điều trị.

Trên quần đảo Trường Sa hiện có 10 bệnh xá với hơn 100 y, bác sĩ quân y. Những năm gần đây, cùng với sự đầu tư về cơ sở hạ tầng nói chung, cơ sở hạ tầng y tế, chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân được nâng lên rõ rệt. Các xã đảo được cấp những cơ số thuốc thiết yếu phục vụ khám, điều trị; được kết nối với các bệnh viện lớn trong đất liền như: Quân y 175, Quân y 103, Viện Y học Hải quân… để các chuyên gia có thể phối hợp kịp thời can thiệp những ca khó.

Công sức của đội ngũ chiến sĩ - bác sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa để bộ đội có sức khỏe tốt, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc dường như không thể đong đếm được. Nhờ có họ mà cán bộ, chiến sĩ trên các đảo yên tâm kiên cường bám biển, bám đảo, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, khai thác hải sản và chung tay bảo vệ vùng trời, vùng biển đảo thiêng liêng.

Quốc Phương