Tự hào Chữ thập đỏ Việt Nam

Nguyễn Diệp Linh
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền còn non trẻ và đứng trước tình thế hiểm nghèo. Đế quốc, thực dân lại rắp tâm gây chiến hòng bắt dân ta trở lại cuộc đời nô lệ. Chính trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đứng ra vận động và xin phép thành lập Ban Hồng thập tự Việt Nam - tổ chức tiền thân của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam ngày nay.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh giúp hộ nghèo huyện Kiến Xương xây nhà tình thương.

Ngay sau khi thành lập, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hầu hết các hội viên Hồng thập tự đã tích cực tham gia phục vụ tại các mặt trận, tổ chức các trạm cấp cứu, bệnh viện dã chiến, bệnh viện hậu phương. Cũng trong thời gian này, Hội Hồng thập tự Việt Nam phối hợp với Ủy ban CTĐ quốc tế tiến hành các hoạt động trao trả tù binh chiến tranh theo đúng tinh thần Luật Nhân đạo quốc tế, góp phần thực hiện chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ năm 1955 - 1975, Hội hoạt động trong bối cảnh cả nước tập trung cho hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đại thắng mùa xuân năm 1975, Bắc - Nam thống nhất một nhà, đồng hành cùng đất nước trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng xã hội mới, Hội CTĐ Việt Nam đã tích cực phát triển tổ chức, đẩy mạnh mọi mặt hoạt động, tham gia trợ giúp những người khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Bước vào thời kỳ đổi mới của đất nước, hoạt động ứng phó thảm họa của Hội bước đầu chuyển từ cứu trợ thụ động mang tính chất từ thiện, đơn thuần cung cấp các nhu yếu phẩm sau khi bị thiên tai sang chủ động phòng tránh, cứu trợ phát triển.

Hiện nay, toàn Hội có hơn 7 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên CTĐ hoạt động trên phạm vi toàn quốc, mỗi năm trợ giúp khoảng 18,3 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương trong xã hội.

Cùng với sự hình thành, phát triển của Hội CTĐ Việt Nam, Hội CTĐ tỉnh Thái Bình được thành lập ngày 8/5/1967. Đến nay, Hội đã phát triển không ngừng, phát huy vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Toàn tỉnh hiện có 8 huyện, thành hội với 260 hội cơ sở ở tất cả các xã, phường, thị trấn.

Thời gian qua, Hội CTĐ tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các giá trị nhân đạo, khơi dậy lòng nhân ái trong nhân dân, qua đó giúp các cấp hội huy động tốt hơn nguồn lực, khẳng định vị thế của Hội, xây dựng được chỗ đứng trong lòng nhân dân Thái Bình. Công tác hiến máu tình nguyện có nhiều đổi mới và vượt chỉ tiêu đề ra. Hoạt động công tác xã hội được triển khai có chiều sâu, tính lan tỏa ngày càng sâu rộng, thu hút ngày càng nhiều các cơ quan, tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân tham gia và được các cấp hội triển khai với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả thông qua các cuộc vận động, các phong trào “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Ngân hàng bò”... Hoạt động công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa, chăm sóc sức khỏe nhân dân dựa vào cộng đồng có nhiều cách làm sáng tạo, thu hút được nhiều nguồn lực tổng hợp. Kết quả hoạt động nhân đạo đã hỗ trợ thiết thực cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng dễ bị tổn thương tại cộng đồng, góp phần tích cực vào việc bảo đảm an sinh xã hội và hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Hội CTĐ Việt Nam (23/11/1946 - 23/11/2022) là dịp để mỗi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên CTĐ cả nước đoàn kết, đồng lòng, cùng chung tay thực hiện nhiệm vụ nhân đạo. Từ đó, để mỗi người dân, mỗi hoàn cảnh, mỗi vụ thiên tai, thảm họa xảy ra ở địa bàn đều có sự có mặt sớm nhất, kịp thời nhất của những “chiến sĩ áo đỏ”, xứng đáng với sứ mệnh cống hiến không mệt mỏi vì hạnh phúc của nhân dân, sự tiến bộ, công bằng của xã hội cũng như để mỗi người dân Việt Nam “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Tình nguyện viên Chữ thập đỏ huyện Vũ Thư trao quà bảo trợ cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Theo báo Thái Bình