Khán giả chuộng các show truyền hình Hàn?
Có thể nói, văn hóa Hàn Quốc ảnh hưởng tới các quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam không chỉ dừng lại ở âm nhạc và phim ảnh nữa. Để thúc đẩy du lịch và các ngành công nghiệp giải trí, thời trang, Hàn Quốc đang tạo đà để các show truyền hình của mình có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nữa. Có một thực tế là khán giả Việt đến thời điểm này đang có xu hướng chuộng các show thực tế của Hàn Quốc, thậm chí hơn cả các phiên bản truyền hình ăn khách của các quốc gia Âu - Mỹ. Dù truyền hình thực tế của Hàn ít được mua bản quyền phát sóng ở Việt Nam, nhưng khán giả Việt Nam vẫn có nhiều cách để xem qua các trang phim ảnh. Running man – là chương trình thực tế ăn khách khắp châu Á suốt 6 năm qua của Hàn Quốc, ê kip sản xuất của họ thậm chí còn tổ chức quay ở rất nhiều quốc gia châu Á trong đó có Trung Quốc, Dubai, Thái Lan, và cả Việt Nam. Tập Running man quay ở Việt Nam đến thời điểm này đạt chỉ số rating cao nhất của chương trình.
Không chỉ riêng Running man, khán giả Việt rất thích chương trình Bố ơi, mình đi đâu thế? của Hàn. – Đây là phiên bản truyền hình ăn khách và đã được Việt Nam mua bản quyền, sản xuất 3 mùa, phiên bản ở Việt Nam cũng rất được yêu thích. Nhưng nếu những khán giả Việt có sự quan sát đồng thời hai phiên bản sẽ có sự ưu ái hơn cho bản gốc, vì sự chuyên nghiệp và cách dựng các tình tiết hay.
Không những thế, các show truyền hình thực tế có tiếng vang tại Hàn qua nhiều năm như: Thử thách cực đại, Ngày ba bữa, Hai ngày, một đêm, Cụ ông đi phượt… đang được khán giả trong nước săn lùng nhiều hơn. Thậm chí, những “sao” Hàn của các chương trình này rất được yêu thích ở Việt Nam, dù họ có thể không phải là diễn viên hay ca sĩ có ngoại hình long lanh. Truyền hình thực tế Hàn góp phần không nhỏ trong việc quảng bá văn hóa Hàn khắp châu Á và nhiều khu vực khác trên thế giới.
Việc SBS đặt chân vào sản xuất các chương trình ở Việt Nam không quá bất ngờ, bởi gần đây, HTV2 đang mua rất nhiều bản quyền phim của SBS – một việc báo hiệu sự hợp tác song phương. Được Việt hóa từ Oh my baby - chương trình giải trí về gia đình được phát sóng liên tục trong 10 năm trên SBS, Con đến từ hành tinh nào? thể hiện những hình ảnh sinh hoạt đời thường, cách chăm sóc con nhỏ của ba gia đình nghệ sĩ gồm: Gia đình diễn viên Huy Khánh - Mạc Anh Thư và con gái Cát Cát (4 tuổi), gia đình siêu mẫu Xuân Lan và con gái Thiên Ân (3 tuổi), gia đình ca sĩ Đăng Khôi - Thùy Anh và hai con trai Đăng Khang (4 tuổi) và Đăng Anh (10 tháng tuổi) sẽ ra mắt tại Việt Nam.
Trong buổi ra mắt, đại diện hãng SBS cho biết: “Hiện có 5 đạo diễn Hàn Quốc đến Việt Nam để thực hiện việc ghi hình. Mỗi gia đình làm việc với một đội sản xuất riêng suốt quá trình sản xuất và phát sóng. Con đến từ hành tinh nào? là dự án đầu tiên chúng tôi sản xuất ở Việt Nam. Về lý do chọn dự án này, tôi nghĩ rằng gia đình Hàn Quốc và Việt Nam khá giống nhau về cách dạy con nên sẽ không gặp nhiều khó khăn"...
SBS cũng cho biết sắp tới hãng này sẽ tiếp tục hợp tác sản xuất gameshow, phim truyền hình và sitcom...
SBS tham gia sản xuất chương trình Con đến từ hành tinh nào? ở Việt Nam.
Truyền hình thực tế Việt, cách nào giữ bản sắc?
SBS tham gia truyền hình thực tế trong nước đem đến sự vừa mừng, vừa lo đối với khán giả quan tâm đến truyền hình Việt. Vì sao?
Bởi trước nay, ngoài các kênh truyền hình, hai Cty tư nhân là Cát tiên sa và BHD là hai đơn vị mạnh nhất khi bỏ tiền mua bản quyền và sản xuất các show truyền hình ăn khách thế giới tại Việt Nam. Các show ăn khách như: Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Việt nam Idol, Thử thách cùng bước nhảy, Người mẫu Việt Nam, Gương mặt thương hiệu, Tìm kiếm tài năng… hầu hết là mua bản quyền của Mỹ - Anh và do hai Cty này sản xuất. Việc Việt hóa thời gian đầu tất nhiên tạo được sự thu hút nhất định nhưng sau đó, sức nóng của các chương trình cũng giảm dần, chưa kể chất lượng của phiên bản Việt của những show thực tế này cũng có nhiều điều phải bàn, dễ bị so sánh so với bản gốc.
Việc SBS mang cả các đạo diễn sang Việt Nam sản xuất chương trình được xem là lời “bảo chứng” cho chất lượng chương trình tại Việt Nam, đồng thời phá vỡ sự “độc quyền” của hai đơn vị Cát tiên sa và BHD. Nhưng điều đó có nghĩa là sự cạnh tranh cũng ngày càng lớn hơn trong thị phần show truyền hình thực tế.
Nếu tính ra, các chương trình truyền hình thực tế thuần Việt rất ít. Những chương trình truyền hình đã cũ như: Ở nhà chủ nhật, Đồ rê mí, Hãy chọn giá đúng, Lục lạc vàng… thường có đối tượng khán giả khá “chuyên biệt” và khó cạnh tranh tỷ suất người xem cũng như quảng cáo đối với các show giải trí đang ăn khách. Như vậy, các show truyền hình thực tế “thuần Việt” sẽ ngày càng ít, càng khó cạnh tranh đối với các phiên bản Việt hóa của các show nước ngoài.
Không so sánh quá xa các nước Âu – Mỹ, nhìn riêng Hàn Quốc mới thấy rằng: Sức mạnh của truyền hình và phim ảnh đem đến quá nhiều hiệu quả cho việc quảng bá văn hóa và du lịch. Điều này nhiều năm qua chúng ta có học hỏi nhưng chưa thể làm cho ra tấm ra món được. Trong thời buổi hợp tác giao lưu quốc tế, sự “xâm lấn” văn hóa khó tránh khỏi nếu tiềm lực văn hóa nội địa không đủ mạnh trước làn sóng ngoại. Lĩnh vực nào cũng vậy, kể cả phim ảnh và truyền hình.
Sau SBS có thể còn có nhiều kênh truyền hình ngoại quốc nữa đặt chân vào Việt Nam với nhiều dự án, dự định. Hợp tác để phát triển là tốt. Nhưng trong hội nhập phải giữ được bản sắc riêng là bài toán không dễ dàng chút nào đối với văn hóa Việt nói chung, phim ảnh, âm nhạc, truyền hình giải trí Việt nói riêng.