Hội nghị triển khai Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” tại 23 tỉnh, thành

Tuấn Tài
Nhằm cải thiện điều kiện lao động, an toàn và sinh kế cho ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, góp phần khích lệ ngư dân vươn khơi bám biển, sát cánh cùng lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự an toàn, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” tại 23 tỉnh, thành.

Chiều 26/5, tại thành phố Đà Nẵng Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” giai đoạn 2022-2027 với nhiều hoạt động hỗ trợ cho các đối tượng là ngư dân nghèo, khó khăn.

Tham dự Hội nghị có ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, cùng đại diện Hội Chữ thập đỏ các tỉnh miền Trung, lực lượng kiểm ngư, Bội đội Biên phòng, Ban Công tác xã hội - Quản lý thảm họa Trung ương Hội.

Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” với mục tiêu nhằm cải thiện điều kiện lao động, an toàn và sinh kế cho ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, góp phần khích lệ ngư dân vươn khơi bám biển, sát cánh cùng lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự an toàn, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, tăng cường truyền thông và vận động các nguồn lực xã hội cấp Trung ương và các cấp địa phương, đặc biệt phát huy tính chủ động của địa phương được triển khai chương trình.

Theo đó, với chương trình này sẽ có 300.000 ngư dân nghèo được tiếp cận và truyền thông kiến tức về pháp luật và sơ cấp cứu; 50.000 hộ ngư dân nghèo được hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững; 1.244 hộ ngư dân nghèo, đang sống ở ghe thuyền không đủ điều kiện về cấu tạo ngôi nhà được hỗ trợ sửa chữa, xây nhà an toàn; 50.000 ngư dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn được tặng áo phao cứu sinh đa năng; 90.600 tàu thuyền đánh cá được trang bị túi sơ cấp cứu và cờ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, Trung ương Hội tiếp tục tăng cường truyền thông chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng, đẩy mạnh tương tác trên các kênh, mạng xã hội hàng năm. Đồng thời, vận động các đối tác trong và ngoài phong trào, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia ủng hộ nguồn lực triển khai chương trình.

Chương trình phối hợp với các đơn vị gồm: Bộ đội biên phòng, Tổng cục phòng chống thiên tai, Cục kiểm ngư, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện triển khai trên địa bàn 291 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển hải đảo thuộc 23/28 tỉnh thành phố có biển theo quyết định số 1313/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, ưu tiên triển khai chương trình tại 14 tỉnh thành thuộc các tỉnh miền Trung thực hiện chương trình cấp áo phao của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong năm 2022.

z3444211698784-d68a3ce64554ffbb5ba64eb1383b8f10-1653613510.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu trực tuyến Hội nghị, bà Bùi Thị Hòa - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chia sẻ, dù gặp nhiều khó khăn nhưng Hội nghị lần này được triển khai nhanh chóng nhằm hỗ trợ tốt nhất cho ngư dân, nhất là ngư dân nghèo, khó khăn.

"Sẽ cân nhắc các yếu tố để ưu tiên các địa bàn, đối tượng hưởng lợi được thụ hưởng từ chương trình, bởi khu vực triển khai chương trình khá rộng, dàn trải ở nhiều địa phương. Nếu có điều kiện sẽ thực hiện chương trình tại 28 tỉnh, thành. Nếu không có đủ điều kiện sẽ thực hiện tại 23 địa phương, nhất là các địa phương có vùng bãi ngang. Chúng ta cần phải đẩy mạnh truyền thông, để nhiều người biết đến chương trình, kêu gọi các nguồn hỗ trợ cho ngư dân”, bà Bùi Thị Hòa nhấn mạnh.

Đình Duy