Đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tổ chức các hoạt động phạm tội là người nước ngoài và thuê rất nhiều người các nước khác, trong đó có người Việt Nam. Trụ sở, địa điểm tổ chức hành vi phạm tội ở nước ngoài. Công cụ, phương tiện, thiết bị phạm tội ở nước ngoài. Phương thức, thủ đoạn rất tinh vị.
Cụ thể sau khi nhận được tiền của người bị hại, chúng chia sẻ nhỏ gửi qua rất nhiều lần, nhiều tài khoản, sau đó chụm về một tài khoản. Từ tài khoản đó quy đổi thành tiền ảo và đổi thành tiền mặt.
Nêu trường hợp cụ thể trên, ông Nguyễn Hải Trung nêu lên 4 vấn đề: Thứ nhất cần phải đảm bảo tính chính danh khi đăng ký mở, sử dụng tài khoản. Qua thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng chống rửa tiền nói riêng, Công an Hà Nội thấy thời gian qua nổi lên qua là hoạt động liên quan đến thông tin, giấy tờ giả để mở tài khoản hay thuê người khác mở tài khoản, sau đó bán lại cho đối tượng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Mục đích là nhằm che giấu thông tin về tài sản của cá nhân, tổ chức quản lý sở hữu tài sản, gây khó khăn, tránh né công tác khám nghiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy đây là vấn đề rất quan trọng, nếu nhận diện, xác định rõ đối tượng quản lý sử dụng tài khoản sẽ triệt tiêu được giả mạo tài khoản.
Theo ông Trung cần có cơ chế phối hợp đối chiếu thông tin tài khoản ngân hàng, tài khoản trung gian thanh toán khi đăng ký mở tài khoản với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phòng tránh các trường hợp sử dụng tài khoản giả.
Hai là, tổ chức cung cấp tài khoản dịch vụ ngân hàng điện tử giao dịch điện tử phải có đầy đủ đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện nhận diện và xác thực thông tin người dùng.
Ba là, đưa hành vi mua bán tài khoản, sử dụng thông tin hoặc giấy tờ giả để mở tài khoản vào diện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại để tạo cơ sở, căn cứ pháp lý, chế tài xử lý đối với hoạt động trên, từ đó tạo sự răn đe với các cá nhân và tổ chức khác.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hải Trung cũng đề nghị cần bổ sung thêm một điều luật quy định riêng về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác phòng, chống rửa tiền. Cụ thể cần có quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ trong công tác quản lý, ban hành văn bản quy định, hướng dẫn như trách nhiệm của các Văn phòng quản lý đất đai để phát hiện giao dịch đáng ngờ liên quan đến nhiều cá nhân sở hữu nhiều bất động sản lớn không phù hợp với thu nhập.
Ông cũng cho rằng cần có quy định về quản lý tài sản ảo, tiền ảo, dịch vụ công nghệ tài sản. “Mình không thừa nhận tiền ảo, tiền điện tử, kỹ thuật số nhưng thực tế hiện nay đang có thị trường ngầm, hoạt động rất sôi động, rất mạnh. Qua phương thức hoạt động của các đối tượng lừa đảo thông qua tiền ảo để rửa tiền” – ông nói.
Dẫn giải thích từ ngữ “Giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo” là giao dịch bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một ngày, có tổng giá trị bằng hoặc vượt mức do Thủ tướng Chính phủ quy định, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng hiện nay còn có tiền ảo giao dịch trên nền tảng onlline đang rất phổ biến nhưng chưa được kểm soát.
Trong khi đó, loại tài sản này sẽ ngày càng phát triển trong quá trình hội nhập và có thể là điều kiện thuận tiện cho rửa tiền mà ta chưa lường hết được. Do đó, ông đề nghị bổ sung thêm cụm từ “và các giao dịch khác” vào giải thích nêu trên.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cũng cho rằng nếu không có chế tài với tiền ảo thì có thể tạo kẽ hở cho rửa tiền”
Giao Chính phủ quy định
Giải trình vấn đề đại biểu nêu ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, quá trình xây dựng luật để đáp ứng khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính và đánh giá của Nhóm đánh giá châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền tại báo cáo đánh giá đa phương, đồng thời từ thực tiễn nhu cầu quản lý nhà nước về phòng chống rửa tiền, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất bổ sung đối tượng báo cáo mới là tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản ảo, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và cho vay dựa trên nền tảng công nghệ…
Tuy nhiên, sau khi tổng hợp ý kiến các cơ quan, tổ chức và đánh giá tính khả thi trong điều kiện chưa có quy định pháp luật điều chỉnh các hoạt động này, đồng thời để đảm bảo quy định luật có tính bao quát các hoạt động phát sinh trong tương lai, dự thảo luật được điều chỉnh lại theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo ngoài các hoạt động cụ thể được nêu trong luật.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, dự thảo luật quy định Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo sau khi được sự đồng ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Cũng theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, năm 2017, Thủ tướng ban hành Quyết định 1255 phê duyệt đề án “Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”. Bộ Tư pháp được giao chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng về tiền ảo và lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tiền ảo, tài sản ảo.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính làm đầu mối triển khai nhiệm vụ “xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tiền ảo, tài sản ảo” và tiền khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn giao dịch của các sàn giao dịch tài sản ảo, tiền ảo./.