Tại thành phố Vĩnh Long, từ sáng sớm nước đã dâng cao khiến nhiều tuyến đường trong nội ô thành phố ngập sâu. Theo ghi nhận, nước dâng cao từ khoảng 5 - 8 giờ sáng. Nước dâng cao gây ngập nhiều tuyến đường và trường học trong khu vực nội ô như: đường Nguyễn Thị Minh Khai, đường 30 tháng 4, đường Trưng Nữ Vương, đường Hưng Đạo Vương, đường Hoàng Thái Hiếu… Đặc biệt, tại giao lộ giữa đường Hưng Đạo Vương và Hoàng Thái Hiếu là khu vực đông phương tiện qua lại, gần chợ và trường học, nước dâng cao suốt nhiều giờ liền khiến việc lưu thông bị ùn tắc cục bộ, nhiều xe bị chết máy.
Bà Nguyễn Thu Hồng, Phường 1, thành phố Vĩnh Long cho biết, nước dâng cao từ 2-3 ngày nay. Từ sáng sớm nay, nước đã dâng cao gấp đôi so với mấy ngày trước khiến nhà của bà bị ngập. Bà Hồng phải dùng vật dụng tấn ở cửa, đồng thời tát nước ra để hạn chế đồ đạc bị trôi.
Theo ghi nhận của Đài Khí tượng thủy văn Vĩnh Long, mực nước cao nhất tại 8 điểm đo thường xuyên trên địa bàn vào sáng 10/10 tăng từ 0,04 - 0,14 m so với ngày 9/10. Cụ thể tại các trạm: Mỹ Thuận 2,13m; Ba Càng 1,99m; Phú Đức 2,11m; Nhà Đài 1,41m; Tích Thiện 2,16m; Tân Thành 1,88m; Vũng Liêm 2,14m; Cần Thơ 2,21m. Dự báo, đỉnh triều cao nhất có khả năng tiếp tục xuất hiện vào các ngày 11 và 12/10, theo đó trên sông Tiền tại trạm Mỹ Thuận là 2,3m, tại Cần Thơ là 2,4m, trên báo động III từ 0,4 đến 0,5m, vượt đỉnh triều lịch sử năm 2019 ở mức cao từ 0,15-0,25.
Ngoài ra, theo dự báo trong 7 ngày tới thời tiết khu vực tỉnh Vĩnh Long phổ biến nhiều mây, chiều và tối có mưa, mưa rào nhiều nơi, rải rác mưa vừa và dông, có nơi mưa to. Với hiện trạng mực nước tại các vị trí như dự báo thì các hoạt động giao thông thủy, các công trình hạ tầng, đời sống dân sinh sẽ bị ảnh hưởng vào khung giờ từ 4-8 giờ và từ 16-20 giờ. Dự báo cấp độ rủi ro thiên tai do ngập lụt là Cấp độ 2.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long đã liên tục phát các bản tin về tình hình mực nước, mưa lũ và cảnh báo ngập lụt để các địa phương, các ngành và người dân nắm thông tin, chủ động ứng phó.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để thông tin đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là người dân vùng thấp, trũng, gần sông và chủ đầu tư các công trình ven sông rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh. Các địa phương tăng cường cảnh báo và di dời dân tại khu vực bờ sông kênh rạch có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở, chủ động phòng, chống ngập úng, vận hành các máy bơm thoát nước, nhất là ở khu dân cư, các điểm trường học, diện tích nuôi trồng thủy sản, vườn cây ăn trái cây hằng năm, hoa màu.
Đồng thời tổ chức tuần tra, bố trí lực lượng, phương tiện vật tư theo phương châm “bốn tại chỗ” để xử lý ngay các sự cố sạt lở, đảm bảo an toàn ứng cứu đối với khu vực ngập sâu, có nguy cơ vỡ đê bao gây ngập lụt trên diện rộng. Đồng thời, tích cực triển khai các giải pháp phòng tránh đuối nước, điện giật, nhất là đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh ở các khu vực ngập sâu, dòng chảy xiết, có kế hoạch cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Cùng với đó, các địa phương phối hợp các sở, ngành triển khai xử lý ngay những hư hỏng, sự cố hệ thống đê bao, bờ bao, đường giao thông và các công trình hạ tầng khác; triển khai các biện pháp bảo vệ các công trình đang thi công, đảm bảo sản xuất nông nghiệp, hoạt động nuôi trồng thủy sản; sẵn sàng kế hoạch điều động lực lượng hỗ trợ các địa phương phòng, chống lũ, chủ động xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.
Theo báo Tin tức