Hôm nay Đà Nẵng trời hửng nắng. Lối vào nhà anh Trung ở con hẻm nhỏ đường Hoàng Văn Thái, quận Liên Chiểu, lót tạm vài ván gỗ, phía dưới bùn non đỏ quánh còn ngập đến gần đầu gối. Trong khi vợ ra ngõ dọn bùn cùng hàng xóm, anh Trung cứ bần thần đứng giữa đống đổ nát.
Ngoài phòng khách, tường gạch đổ sập còn níu lại bằng một thanh sắt nhỏ, tivi treo tường bị lũ cuốn phăng, chỉ còn trơ lại giá sắt trên mảng tường xanh còn ngấn vạch nước chưa khô hết. Bộ bàn ghế gỗ chỉ còn lộ ra phần vai, còn lại chìm trong bùn đất đang dần khô lại. Sách vở của hai con lớp 2 và 5 chỉ còn vài cuốn trên kệ nhưng cũng nhuộm màu bùn.
Trong phòng ngủ và dưới nhà bếp, mọi vật dụng đổ nghiêng ngả, bám đầy bùn, chỉ còn chiếc quạt và chiếc loa treo tường tương đối nguyên vẹn. "Tôi không biết bắt đầu dọn dẹp từ đâu, giờ nhà chẳng còn thứ gì. Tiền thì có đâu hơn 2 triệu đồng bỏ trong túi quần ở phòng ngủ, giờ không biết trôi đi mô", anh Trung nói.
Anh kể, khoảng 20h30 ngày 14/10, cả khu phố bị cúp điện. Vợ chồng anh và hai con đang ăn cơm bằng ánh sáng từ chiếc đèn sạc ở phòng khách thì nghe tiếng ầm ầm từ phía sau nhà. Trong tích tắc, tường nhà giáp với tường rào trường Tiểu học Hồng Quang đổ sập. Anh Trung bị mảnh tường vỡ đập trúng hông bên phải. Nước lũ "như cơn sóng khổng lồ" ào ào tràn vào nhà.
Hai chiếc xe máy, phương tiện để anh đi làm thợ cơ khí, vợ đi bán thuê cho cửa hàng tạp hóa và đưa đón hai con, bị lũ cuốn. Anh Trung cõng con sang đập cửa nhà hàng xóm gửi tạm, rồi quay về xem có vớt vát được gì, nhưng dòng lũ dữ đã nhận chìm tất cả. Hai vợ chồng cả đêm không thể chợp mắt.
Tờ mờ hôm sau, anh lội bùn non khi nước rút về nhà thì trước mắt là cảnh tan hoang. Hai xe máy may mắn được nhóm thanh niên tình nguyện bới đất tìm thấy cách nhà gần một km. Vợ chồng nhìn nhau khóc, không biết ở đâu khi căn nhà xây gần 300 triệu đồng 6 năm qua đến nay vẫn còn nợ gần 70 triệu, đã đổ sập.
Anh Trung về đường Hoàng Văn Thái mua mảnh đất 80 m2 ở cuối hẻm nhỏ. Phía sau nhà là tường rào trường tiểu học, một bên hông giáp lô đất trống. "Có thể do nước tràn từ đường Hoàng Văn Thái vào, xô đổ tường rào của trường học rồi đổ đè lên tường nhà tôi, gây sập", anh nhận định và cho biết gần 40 năm ở Đà Nẵng chưa từng gặp trận lũ nào kinh hoàng như vậy.
Cơn mưa với lưu lượng 300-500 mm, một số nơi 600-700 mm, tập trung 6 tiếng chiều tối 14/10 đã nhấn chìm hơn 3.900 nhà dân ở Đà Nẵng. Khi nước rút, nhiều người lâm cảnh trắng tay vì mọi tài sản trong nhà nếu không bị lũ cuốn thì cũng hư hỏng hoàn toàn. Trên nhiều tuyến phố, không chỉ ôtô xếp hàng dài chờ cứu hộ cẩu đi mà còn chất đầy rác - đều là những vật dụng, đồ dùng bị hư hỏng.
Hơn 70 hộ dân ở Khe Cạn, quận Thanh Khê, ba ngày qua dọn dẹp nhưng nhiều nhà giờ trống hoác, chỉ còn bộ bàn ghế gỗ phơi cho ráo rồi đưa vào kê tạm. Hàng chục xe máy dù đã dắt lên những nhà cao nhất để tạm cũng bị ngập. Bà Nguyễn Thị Êm, 51 tuổi, sắp được ít sách vở của con đưa ra phơi, còn tivi, tủ lạnh đành bỏ mặc vì không có tiền sửa.
"Chúng tôi ở vùng dự án treo nhiều năm qua, nhiều lần xin chính quyền cho nâng nhà lên cao nhưng không được, giờ cứ mưa lớn là ngập, đồ đạc không còn gì", bà Êm nói.
Ở vùng ngoại ô, chị Thảo, 33 tuổi, trú xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, nói đồ đạc trong nhà chỉ còn tận dụng được 20%. Laptop chứa dữ liệu công việc, nệm, áo quần cho con gái chưa tròn tuổi, tivi, tủ lạnh, xe máy đều ngâm nước hết. Hôm qua, một số đồng nghiệp biết chuyện, mua vài bộ áo quần lên cho, cháu bé mới có được giấc ngủ ngon.
Nhà chị Thảo giáp sông Túy Loan, chập tối khi lũ lên, gia đình đã kê giàn giáo cao gần 2 m để đưa các vật dụng lên. Cả nhà lên gác giáp mái, nơi cất thóc giống, để trú tránh nhưng không thể cầm cự được lâu. Ít giờ sau, lũ cách gác lúa 30 cm, chị Thảo cùng con nhỏ được công an huyện đưa đi sơ tán.
Trưa hôm sau, chị về nhà khi lũ đã rút, chứng kiến toàn bộ đồ đạc ngâm trong dòng nước bạc, đàn gà gần 50 con chết sạch, lúa giống bị ngâm nước, nhiều tài sản khác bị lũ cuốn trôi. Chị Thảo nói không muốn kể khổ vì rất nhiều người cùng cảnh ngộ, nhưng những ngày tới chưa biết phải bắt đầu lại như thế nào.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, nói thiệt hại trong đợt mưa lũ này đang được thống kê, nhưng có thể thấy người dân mất nhiều tài sản nhất. Hàng nghìn ôtô, nhà cửa, vật dụng cần thiết cho sinh hoạt đều bị hư hại và chưa biết đến khi nào người nghèo mới có thể ổn định lại cuộc sống.
Cơn mưa chiều tối 14/10 đã làm 6 người ở Đà Nẵng tử vong, trong đó có 2 học sinh. Một trong số đó là nữ sinh 16 tuổi, con chị Huỳnh Thị Nguyên Hương, 38 tuổi. Hai ngày qua, căn nhà cấp 4 của chị trong con hẻm ở phường Hòa Khánh Nam bị bùn non bủa vây tứ bề, tài sản không còn thứ gì đáng giá.
Chị Hương kể, vợ chồng từ Quảng Nam ra Đà Nẵng lập nghiệp. Sau dịch COVID-19, chồng ra Quảng Bình làm công nhân, còn chị đi theo công trình nấu ăn thuê để có tiền trang trải và nuôi 4 con ăn học. Khi nghe mưa lớn tối 14/10, chị dặn con kê đồ đạc lên cao rồi tìm nhà nghỉ chờ bố mẹ về.
Khi nước dâng cao trong nhà, bốn chị em nghe tiếng lực lượng cứu hộ đến bên ngoài, nhưng không đủ sức gỡ mái tôn kêu cứu. Chị cả sau đó lội xuống nước, cõng theo em ra mở cửa. Cửa vừa mở thì nước ào vào nhà, đẩy bốn chị em dội vào trong. Hai em nhỏ vướng vào mái tôn nhà hàng xóm, em kế bám được vào cửa kêu cứu. Chị gái lớn bị lũ cuốn phăng đi.
Đến chiều 17/10, nhịp sống Đà Nẵng dần được khôi phục. Phố xá đã thông thoáng khi xe cẩu được huy động xúc rác, chủ yếu là các vật dụng của người dân bị ẩm, hư hỏng bỏ ra đường, đưa đi xử lý. Hàng nghìn ôtô, xe máy - tài sản của người dân bị ngập - đã được đưa đi sửa chữa.
Tuy nhiên, nhiều tòa nhà cao tầng bị ngập nước tầng hầm, trong đó có trung tâm hành chính Đà Nẵng 36 tầng, hệ thống điện chưa khôi phục hoàn toàn, mọi người đi làm phải leo thang bộ. Tuyến đường Hoàng Sa ven biển bị đứt lìa và nhiều điểm sạt lở trên bán đảo Sơn Trà chưa thể khắc phục.
Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão Sơn Ca, từ tối 13/10 đến sáng 15/10, các tỉnh thành từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi mưa lớn, trong đó Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng là tâm mưa. Toàn khu vực ghi nhận 10 người chết, trong đó Đà Nẵng 6 người, Quảng Nam 2 người và Thừa Thiên Huế 2 người. Thiệt hại vật chất vẫn đang được thống kê.