Tham dự tập huấn có: Tập huấn viên của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, lãnh đạo và cán bộ Hội Chữ thập đỏ 18 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Năm 2021 được đánh giá là một năm “mưa thuận gió hòa” với mức thiệt hại ít hơn nhiều so với năm 2020 và gần như thấp nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, chỉ trong nửa đầu năm 2022, tình hình thời tiết đã có nhiều biến chuyển lớn với các loại hình thiên tai bất ngờ xảy ra... Từ thực tiễn trên yêu cầu Hội Chữ thập đỏ các cấp cần đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa thiên tai và ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn.
Đồng thời buổi tập huấn là dịp để các tập huấn viên và các đại biểu đánh giá, tổng kết, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, những chương trình, mô hình hay, công tác điều phối, phối hợp trong phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh.
Các học viên được tập huấn viên Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hướng dẫn các kiến thức như: Luật phòng, chống thiên tai; Đề án 553; các yêu cầu cơ bản về lập kế hoạch đánh giá thiệt hại và nhu cầu; xác định/xây dựng/tài liệu; phương pháp lựa chọn địa bàn đánh giá; đánh giá thiệt hại và nhu cầu tại hiện trường...
Bên cạnh đó, các học viên được tham gia thảo luận nhóm; chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình đánh giá thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; trình bày cách thức để xây dựng hiệu quả các kế hoạch tập huấn tại địa phương từ nay cho đến 2023.
Một số tỉnh Hội đã chia sẻ kinh nghiệm thành công trong quá trình thực hiện công tác phòng ngừa và ứng phó thảm họa.
Đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hoá cho biết: Trong việc xây dựng kinh phí đào tạo cho lực lượng phòng, chống thiên tai tại địa phương, nhất là địa bàn rộng như Thanh Hoá việc tập huấn cho các huyện được chú ý đặc biệt. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã chủ động bám sát Sở Tài chính và Văn phòng UBND để vận động chính sách. Năm 2019, đã có 22 lớp tập huấn được tổ chức. Dự kiến trong năm 2022, sẽ có 40 lớp tập huấn tổ chức ở 6 huyện khu vực ven biển và hướng tới 559 xã, phường của Thanh Hoá được tập huấn về phòng, chống thiên tai.
"Các Hội cần chú ý lồng ghép các chương trình trong kế hoạch của tỉnh, đặc biệt trong quá trình xây dựng kinh phí tập huấn cần bám sát với Sở Tài chính để đảm bảo chi phí đi lại, tổ chức lớp tập huấn...", đại diện Hội Chữ thập đỏ Thanh Hoá chia sẻ thêm.
Trong quá trình triển khai các hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai, dịch bệnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra. Đồng thời trong khuôn khổ buổi tập huấn, đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long cũng đề xuất: Do sự luân chuyển cán bộ các cấp Hội trong thời gian qua nên tỉnh Hội rất mong muốn Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức them các lớp tập huấn nâng cao, tập huấn hàng năm để tập huấn viên ở tỉnh được học hỏi.
Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực ứng phó thảm họa và sơ cấp cứu cộng đồng trong tình huống dịch bệnh” do Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc tài trợ.
Theo đó, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức tập huấn tại 6 tỉnh, thành trong cả nước gồm: Hà Giang, Lào Cai, Kiên Giang, Bến Tre, Bình Thuận, Lâm Đồng và Đà Nẵng. Thông qua lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ứng phó thảm họa cấp Trung ương và cấp tỉnh về kiến thức cơ bản và kỹ năng về đánh giá thiệt hại cũng như nhu cầu đối với thiên tai, dịch bệnh.