Trái đất sẽ hứng chịu một cơn bão Mặt trời vào ngày 19/7

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Tiến sĩ Tamitha Skov, được biết đến với biệt danh 'Người phụ nữ thời tiết không gian' nổi tiếng tại Mỹ, thông báo Trái đất sẽ bị 'cú đánh trực tiếp' từ một cơn bão mặt trời diễn ra vào ngày 19/7.
photo-1-1658132984331444655384-1658208230.jpg
Bão Mặt trời có thể làm hỏng GPS, điện và tín hiệu điện thoại - Ảnh: ISTOCK

Ngày 17/7 vừa qua, Tiến sĩ Tamitha Skov, Chuyên gia hàng đầu về khoa học vũ trụ, đang làm việc tại Tổ chức phi lợi nhuận hàng không vũ trụ Aerospace Corporation và là giảng viên tại Viện Hàng không và vũ trụ Mỹ đăng tải trên MXH Twitter về việc dự báo, ngày 19/7 một cơn bão Mặt trời cực mạnh sẽ “đổ bộ” lên Trái Đất và rất khó xác định được hướng đi của từ trường từ cơn bão.

"Đánh trực tiếp! Cơn bão lớn giống như con rắn quay vòng, phóng ra khỏi Mặt trời tấn công trực diện Trái đất. Từ trường của cơn bão Mặt trời hướng về Trái đất sẽ rất khó dự đoán. Chúng có thể mang xung lực cấp G2 hoặc G3 nếu từ trường của cơn bão này hướng về phía nam", bà Skov viết trên Twitter.

Theo các cơ quan thời tiết của chính phủ Mỹ và Anh, từ tháng 3-2022, Trái đất liên tục bị các cơn bão địa từ của Mặt trời tấn công. Mặc dù các cơn bão địa từ chưa gây ra tác hại lớn nào, nhưng chúng là dấu hiệu của các cơn bão mạnh hơn trong tương lai.

Gần đây nhất, vào đầu tháng 7, một cơn bão địa từ lớp G1 đã tấn công Trái đất, gây ra các cực quang sáng trên khắp Canada. Vấn đề duy nhất là không ai thấy cơn bão này, đến khi biết thì đã khá muộn.

Theo các chuyên gia vật lý thiên văn, cứ 11 năm sẽ đến thời kỳ mặt trời hoạt động mạnh, đỉnh của các chu kỳ bão Mặt Trời là các năm 2000, 2012 và đến nay là năm 2022. Theo chu kỳ này, từ nay đến đầu năm 2023 có thể sẽ có các trận bão Mặt Trời lớn.

Chuyên gia thiên văn học Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam cho biết, bão Mặt Trời trên thực tế là sự bùng nổ bất thường của các hạt mang điện phóng ra từ Mặt Trời, một hiện tượng được gọi chính xác là sự phun trào nhật hoa (CME). Những vụ bùng nổ hoạt động ở một số khu vực của Mặt Trời thường gây ra những hiệu ứng từ ảnh hưởng tới sinh hoạt của con người ở Trái Đất. Thường thì những vụ phun trào nhật hoa nhỏ, thường dẫn tới những hiệu ứng chúng ta gọi là bão từ hay bão Mặt Trời chỉ gây ảnh hưởng ở mức độ thấp, chẳng hạn như làm gián đoạn sóng truyền hình, radio, điện thoại… có ảnh hưởng tới sức khỏe của con người nhưng mức độ không đáng ngại.

Hoạt động của Mặt Trời cùng tác động của nó là không thể ngăn cản được. Tuy nhiên nếu dự báo sớm, các cơ quan chức năng có thể sớm có kế hoạch bảo trì và sẵn sàng sửa chữa những hư hại về kỹ thuật mà hiện tượng này gây ra. Mỗi đợt bão Mặt Trời diễn ra ngắn, vài giờ đến vài ngày.

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn khuyến cáo: trong những giai đoạn Mặt Trời đang hoạt động mạnh, người dân cũng nên hạn chế thời gian bị phơi quá lâu dưới ánh nắng để bảo vệ sức khỏe, và nếu có thể thì hạn chế việc di chuyển bằng máy bay. Tắt thiết bị điện ngay sau khi sử dụng, tắt định vị vệ tinh, sạc sẵn tất cả điện thoại, máy tính là một cách để bảo vệ đồ dùng khi có những hoạt động đặc biệt mạnh của Mặt Trời.

Bão Mặt trời hay còn gọi là các vụ phun trào nhật hoa (CME), nếu đủ mạnh có thể tàn phá các hệ thống điện trên Trái đất bằng cách tương tác với từ trường của hành tinh chúng ta.

CME xảy ra khi từ trường của Mặt trời bị xoắn lại bởi sự chuyển động ở bên trong. Cuối cùng thì năng lượng tích tụ này được giải phóng, từ trường nổ tung và phun một lượng lớn ra ngoài không gian.

Bão Mặt trời thường được xếp theo cấp từ G1 đến G5, trong đó: Bão G1 là loại bão địa từ ở mức nhỏ nhất - sự kiện thời tiết không gian xảy ra khi từ trường của Trái đất bị nhiễu loạn bởi năng lượng mặt trời. Cơn bão G1 có thể ảnh hưởng chút ít đến hoạt động của vệ tinh và làm hệ thống lưới điện biến động không đáng kể; bão G5 là loại nghiêm trọng nhất. Bão G5 có khả năng gây mất kiểm soát điện áp trên diện rộng, thậm chí hệ thống lưới điện có thể bị sập hoàn toàn. Các tàu vũ trụ sẽ gặp khó khăn trong việc định hướng và trao đổi dữ liệu. Việc truyền sóng vô tuyến tần số cao sẽ bị gián đoạn trong nhiều ngày.

PL