Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ và Gặp mặt đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022 dâng hương tưởng niệm tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, đường Bắc Sơn, Hà Nội, tháng 7/2022. (Ảnh: Đăng Khoa) |
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023).
Mục đích, yêu cầu của Kế hoạch là nhằm tuyên truyền, tổ chức thực hiện đồng bộ chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực trong xã hội góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác ưu đãi người có công với cách mạng.
Các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế; phân công rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị trong tổ chức, triển khai thực hiện.
Kế hoạch đề cập tới nhiều hoạt động trọng tâm, cụ thể như sau:
Tổ chức dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 27/7/2023 tại Hà Nội.
Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023 từ ngày 21-22/7/2023 tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các đơn vị như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tổng số đại biểu người có công với cách mạng là 300 người. Trong đó, ưu tiên mời khoảng 60 đại biểu là cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến.
Tổ chức lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc vào 20 giờ ngày 26/7/2023. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì. Các đơn vị phối hợp gồm: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương.
Tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có công, thân nhân người có công với cách mạng tại các địa phương và các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng trong tháng 7/2023. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, các địa phương phối hợp.
Vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương trong tháng 6/2023 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì. Đơn vị phối hợp là Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Về tổ chức thực hiện, căn cứ điều kiện cụ thể, các hoạt động tổ chức kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ bảo đảm trang trọng, ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tế.
Tại Trung ương, căn cứ Kế hoạch này, các bộ, ngành, cơ quan liên quan chủ động, tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch theo các nhiệm vụ được phân công, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp các đơn vị, xây dựng Kế hoạch mời các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm hỏi, tặng quà gia đình người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.
Cơ quan này cũng theo dõi, đôn đốc, phối hợp các bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan và địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Tại địa phương, chỉ đạo tổ chức việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ ưu đãi; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi người có công để trục lợi.
Các địa phương cũng xây dựng kế hoạch và biện pháp cụ thể, thiết thực để gia đình có công với cách mạng có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; hỗ trợ người có công có khó khăn về nhà ở; xóa hộ nghèo có thành viên là người có công. Cùng với đó, tập trung tu bổ, sửa chữa, nâng cấp, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ (nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ) và mộ liệt sĩ.
Căn cứ điều kiện cụ thể, tổ chức các hoạt động phù hợp để tri ân người có công với cách mạng và gia đình liệt sĩ. Tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng trước kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ theo đúng kế hoạch. Sau đó, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Trước đó, năm 2020, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.
Pháp lệnh có nhiều điểm mới, hướng tới nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng số người hưởng ưu đãi cho người có công với cách mạng đã tạo điều kiện để người có công nỗ lực vượt lên khó khăn, ổn định cuộc sống, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia tích cực vào công tác "Đền ơn đáp nghĩa".
Sau 76 năm thực hiện chính sách ưu đãi người có công, các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng đã được nghiên cứu, bổ sung và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
Theo đó, các chế độ ưu đãi được thực hiện đa dạng gồm trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác như: hỗ trợ y tế, giáo dục, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, tạo việc làm, hỗ trợ, cải thiện nhà ở, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, vay vốn kinh doanh và miễn hoặc giảm thuế. Tùy từng đối tượng người có công, có các chính sách chăm sóc đặc thù như: Chính sách trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình…
Họ cũng được chăm sóc với nhiều hình thức đa dạng như tại gia đình, cộng đồng, các cơ sở y tế và các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.
Hiện nay có gần 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng.
Tính đến tháng 7/2022, toàn quốc đã xác nhận được hơn 9,2 triệu người có công.
Hơn 9,2 triệu người có công trên cả nước gồm:
+ Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945: gần 9.000 người.
+ Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945: 16.500 người.
+ Liệt sĩ: gần 1,2 triệu người; thân nhân liệt sĩ gần 500.000 người.
+ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng: hơn 139.000 người.
+ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động: gần 1.300 người.
+ Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh: gần 600.000 người.
+ Bệnh binh: gần 185.000 người.
+ Người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học: gần 320.000 người.
+ Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: gần 111.000 người.
+ Người có công giúp đỡ cách mạng: 1.897.000 người.
+ Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế: gần 4,1 triệu người.
(Nguồn: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)