Tình nguyện viên, thanh niên Chữ thập đỏ ứng phó với biến đổi khí hậu

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Các tình nguyện viên, thanh niên Chữ thập đỏ được giao lưu, học hỏi, nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, thảm họa và các tình huống khẩn cấp để có những hành động trợ giúp thiết thực, hiệu quả hơn đối với cộng đồng.

Chiều 3/8, tại TP Cần Thơ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Khí thượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo chuyên đề “Tình nguyện viên, thanh niên Chữ thập đỏ tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu".

Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội trại Tình nguyện viên, thanh niên Chữ thập đỏ toàn quốc lần thứ V.

COW_2929
Các tình nguyện viên, thanh niên Chữ thập đỏ tham dự hội thảo. Ảnh: Bùi Hiếu.

Tại hội thảo, hàng trăm tình nguyện viên, thanh niên Chữ thập đỏ đến từ các địa phương trên toàn quốc và một số đại biểu quốc tế đã cùng các chuyên gia về biến đổi khí hậu trao đổi, chia sẻ kiến thức và kỹ năng ứng phó trước những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nội dung thảo luận xoay quanh các vấn đề như: Tổng quan về biến đổi khí hậu và kịch bản tại Việt Nam; Các mô hình, giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và vai trò của tình nguyện viên, thanh niên Chữ thập đỏ trong việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu… Qua đó, người nghe đã được cập nhật thông tin mới, hữu ích về tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa trong nước và thế giới; từ đó, nâng cao nhận thức và hiểu biết về hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong các lĩnh vực phòng ngừa, ứng phó thảm họa.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS Bảo Thạnh  - nguyên Phân viện trưởng Phân viện Khoa học KTTV&BĐKH, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết, BĐKH đang là thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH do có bờ biển dài.

hoi-thao-tinh-nguyen-vien-1
 TS Bảo Thạnh.

TS Thạnh thông tin, Việt Nam được dự đoán bị tác động nặng nề nếu khí hậu tăng lên 1oC và nước biển dâng cao 1m. Theo các kịch bản BĐKH của Việt Nam, đến cuối thế kỷ XXI, sẽ có 40% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 11% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương ven biển khác sẽ bị ngập nước. Khi đó sẽ có 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất 10% GDP. Đặc biệt, 20% diện tích TP.HCM sẽ bị ngập.

Chuyên gia về biến đổi khí hậu PGS. TS Vũ Văn Nghị - Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam nằm trong 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH 20 năm qua vì bão, lũ và sạt lở đất (chuồi), theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu do tổ chức Germanwatch (Đức) công bố tháng 12/2015. Trong đó, ĐBSCL là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, bên cạnh đồng bằng sông Nile (Ai Cập) và đồng bằng sông Ganges (Bangladesh).

Tác động của BĐKH đến Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xoá đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững.

Theo Ủy ban liên chính phủ về BĐKH, khi nước biển dâng cao 1m, ước chừng 5,3% diện tích tự nhiên, 10,8% dân số, 10,2% GDP, 10,9% vùng đô thị, 7,2% diện tích nông nghiệp và 28,9% vùng đất thấp sẽ bị ảnh hưởng.

hoi-thao-tinh-nguyen-vien-2
Chuyên gia về biến đổi khí hậu PGS. TS Vũ Văn Nghị.

BĐKH tại Việt Nam còn đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp: Mực nước biển dâng làm tăng diện tích bị xâm nhập mặn, mất đất canh tác nông nghiệp, gia tăng xói lở bờ biển, ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, đô thị, khu dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đời sống...; Nhiệt độ tăng ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm tăng rủi ro an ninh lương thực. Nhiệt độ tăng, độ ẩm cao còn làm các loài vi khuẩn phát triển mạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, chất lượng các công trình, chi phí bảo quản...; Gia tăng tính cực đoan của thời tiết, làm cho thiên tai nguy hiểm hơn: Hạn hán, thiếu nước ở nhiều nơi hơn. Đất hoang mạc hóa mở rộng, thậm chí bị sa mạc hóa. Nguy cơ mất an ninh về nước sẽ sớm hơn dự báo. Lũ lụt cũng nặng nề hơn…

Dưới tác động của BĐKH, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn... đã gây thiệt hại đáng kể, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP/năm.

Để thích ứng với BĐKH, Việt Nam đã triển khai rất nhiều mô hình nhà đa năng tránh bão, lũ; kè, kênh thủy lợi kết hợp đường giao thông nông thôn; xử lý nước mặn thành nước ngọt; trồng rừng ngập mặn ven biển, trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai… kết hợp giải pháp sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó, tăng cường nâng cao nhận thức cho cộng đồng bằng các hoạt động bảo vệ môi trường; tuyên truyền kiến thức về BĐKH đến rộng rãi nhân dân, giúp họ hiểu đúng bản chất của BĐKH để thích nghi, chủ động điều chỉnh hành vi, tiến tới sống chung với BĐKH.

Nhận thức được nguy cơ, thách thức từ BĐKH, đòi hỏi một tầm nhìn, định hướng chiến lược với các giải pháp toàn diện, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực để ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững ĐBSCL, ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản, 70% trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% lượng cá xuất khẩu của cả nước. Theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu mực nước biển dâng thêm 1m, ĐBSCL sẽ ngập chìm từ 19-38%, riêng Bến Tre sẽ ngập tới 50,1% diện tích...

Bùi Hiếu