Tấm gương dũng cảm trong kháng chiến
Bà Liên là tấm gương dũng cảm trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ 3 cấp”. Năm 1972 bà được ưu tiên về công tác phục vụ tại cơ quan Văn phòng Chính phủ. Nghỉ hưu bà tham gia nhiều hoạt động xã hội, đảm nhiệm 15-16 chức danh, đầu việc trong các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở, năm nào cũng đạt thành tích xuất sắc. Năm 2017, nhân kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) bà được Lãnh đạo Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người thương binh xuất sắc của Thủ đô”. Tổ ấm của bà được tặng bằng chứng nhận “Mười năm gia đình Chữ thập đỏ cấp thành phố” và nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước, của các tổ chức, cơ quan trong những năm qua.
Năm 1965, vừa 17 tuổi cô bé Bích Liên xinh xắn, nhỏ nhắn nặng chưa đầy 40kg dám “trốn” gia đình gia nhập TNXP, được biên chế vào Đội 89 thuộc Ban 67, (Bộ Giao thông vận tải), làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn mạch máu giao thông chiến lược là tuyến đường sắt từ Ninh Bình đến Quảng Bình. Những năm đó, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc vô cùng khốc liệt, đặc biệt dọc Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt vận chuyển người, bộ đội, hàng hoá chi viện cho miền Nam. Bà cùng anh chị em ngày đêm lăn lộn dưới mưa bom, bão đạn vừa dũng cảm bảo đảm giao thông vừa sẵn sàng chiến đấu. Từ tháng 7/1969 đến năm 1972, đơn vị của bà hoạt động trên đất Quảng Bình khói lửa.
Những năm bom đạn đầy gian khổ, một số đồng đội hi sinh, trong đó có người bạn thân nhất của bà cùng quê Thái Bình là Phạm Thị Quế. Bà cùng mọi người trực tiếp 9 lần niệm xác, chôn cất đồng đội của mình, trong đó có bạn Quế. Sau 30 năm, bà Bích Liên mới tìm được gia đình liệt sĩ Phạm Thị Quế, về thăm và ra nghĩa trang viếng bạn (hài cốt đã được gia đình chuyển về quê). Bà cũng tìm được một đồng đội thân thiết là Đàm Thị Phương, năm xưa cùng nhau tiễn biệt, chôn cất Phạm Thị Quế ở mặt trận. Bây giờ, người bạn này là sự thầy Thích Đàm Phương tại ngôi chùa Cao Để, huyện Vũ Thư cổ kính, linh thiêng ở Thái Bình.
Do đạt nhiều thành tích xuất sắc, bà Bích Liên được kết nạp vào Đảng ở tuổi 20 ngay trên tuyến lửa Quảng Bình. Bà mải mê làm nhiệm vụ, suốt 5 năm gia đình không nhận tin tức. Nghe phong thanh có một liệt sĩ tên là Liên khiến bà mẹ ngỡ là con gái mình, khóc sướt mướt, hai lần làm giỗ “đứa con gái bé bỏng của mẹ”. Thế rồi năm 1970, sau thời gian Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, bà được ra Hà Nội dự hội nghị “Dũng sĩ diệt Mỹ lần thứ 2”, sung sướng nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện, được tranh thủ về thăm mẹ. Bước chân vào nhà, mẹ già và mọi người thân, dân làng vỡ òa mừng rỡ, biết bà còn sống.
Năm 1972, do vết thương tái phát và Nhà nước có chính sách ưu tiên một số nữ TNXP ở chiến trường được về công tác tại mấy cơ quan Trung ương, bà Nguyễn Thị Bích Liên được ra Thủ đô làm việc ở Văn phòng Chính phủ, sau đó nghỉ hưu.
Hoạt động trong những năm gian khổ, không chỉ là một chiến sĩ xuất sắc, bà Nguyễn Thị Bích Liên còn thể hiện năng khiếu là “một cây văn nghệ” đáng yêu. Ở đơn vị TNXP Đ 89, bà có mặt tại các trọng điểm ác liệt 448 đường 15 A, Cổng Trời, Km 39,...vô cùng ác liệt nhưng “cô gái đất chèo” rất có duyên với phong trào văn nghệ quần chúng. Bà sáng tác thơ ca, bài chèo, bản độc tấu rồi tự biểu diễn, hát các bài ca của nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp cho mọi người thưởng thức ngay trên trận tuyến. Thấy được năng khiếu của bà, năm 1969 lãnh đạo Ban Xây dựng 67 quyết định đưa bà về làm Phó đoàn trưởng Đoàn văn công “Tiếng hát át tiếng bom” của lực lượng TNXP cả nước. Bà cùng tập thể diễn viên đem lời ca tiếng hát rong ruổi phục vụ các đơn vị trên mọi cung đường, phục vụ bộ đội hành quân vào Nam tạm dừng chân, các trạm cứu thương, giao liên. Tiếng hát Bích Liên ngân vang giữa Trường Sơn hùng vĩ, khích lệ chiến sĩ xông ra chiến trường, đồng đội bám đường bảo đảm giao thông, làm vơi bớt nỗi đau của những vết thương.
Năng nổ trong mọi việc
Trở về hậu phương, sau khi được nghỉ chế độ, bà Nguyễn Thị Bích Liên vào cuộc ngay với những hoạt động xã hội giàu lòng nhân ái. Hội Chữ thập đỏ phường Cát linh ra đời, bà được bầu làm Phó Chủ tịch đã qua nhiều khoá. Khi Hội Cựu TNXP Việt Nam ra đời, bà đứng ra thành lập Hội phường Cát Linh và làm Chủ tịch nhiều năm nay, đồng thời là một nhân tố tiêu biểu trên các mặt hoạt động của Quận hội Chữ Thập đỏ, Hội Cựu TNXP quận Đống Đa và Thành phố. Bà năng nổ trong mọi việc, nhất là sốt sắng lo thủ tục để hàng chục cựu TNXP về hậu phương được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, được tặng Kỉ niệm chương. Bà cũng rốt ráo vận động tài trợ, góp phần chăm lo đời sống hội viên cô đơn, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, thương bệnh binh ở phường và quận. Trong các đợt hiến máu nhân đạo, bà tích cực cổ vũ mọi người, con cháu nên có hàng trăm đối tượng do bà vận động tình nguyện hiến máu. Bằng uy tín của mình, bà vận động Bệnh viện Tràng An giúp Hội Chữ thập quận tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho cán bộ, hội viên cựu TNXP 21 phường của quận Đống Đa. Bà tham gia tích cực Chương trình “Ngân hàng bò tặng cho gia đình nghèo” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động. Riêng cơ sở của bà đóng góp với giá trị mua được 4 con bò tặng cho hộ nghèo ở các tỉnh Nghệ An, Phú Thọ, Vĩnh Phúc,...
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Hà Nội đầu năm 2020, bà rà soát ngay đến những gia đình hội viên Hội Chữ thập đỏ, hội viên Cựu Thanh niên xung phong (TNXP), thương bệnh binh tuổi cao, sức yếu ở địa bàn đang gặp khó khăn. Nắm được cụ thể rồi, như nhiều lần trước, bà vận động trước hết người thân ủng hộ. Đợt này, bà kêu gọi con, cháu trong gia đình hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vào trao cho Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội 65 triệu đồng, Bệnh viện Nhi Trung ương 30 triệu đồng cùng 200 suất quà là bánh, sữa nhân ngày 1/6 giành cho các cháu đang điều trị. Ngoài ra, bà vận động một số tổ chức, cơ quan, quyên góp được 50 suất quà, riêng bà trích 5 triệu đồng tiết kiệm cùng nhiều hiện vật (khẩu trang, xà phòng, nước sát khuẩn,...) tặng các gia đình Cựu TNXP, hộ nghèo trong quận Đống Đa giảm bớt sự thiếu thốn những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Phát huy sở trường văn nghệ, bà tham gia thành lập và làm Trưởng đoàn nghệ thuật Cựu TNXP TP Hà Nội nhiều năm nay. Thời gian chưa xảy ra đại dịch COVID-19, Đoàn nghệ thuật hoạt động sôi nổi, dàn dựng nhiều tiết mục hấp dẫn, biểu diễn hàng trăm buổi khắp nơi, tham gia nhiều sự kiện của các cấp Hội. Thành công nhất là Đoàn thực hiện chương trình “Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền” do Trung ương Hội Cựu TNXP và Tỉnh đoàn Thái Nguyên phối hợp tổ chức tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và ATK huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đúng dịp kỉ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Trong các đợt hoạt động nhân Ngày lễ lớn của đất nước, Đoàn nghệ thuật Cựu TNXP làm nòng cốt thực hiện một số hoạt động của Hội, dàn dựng chương trình đi lưu diễn nhiều ngày
các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh,... để lại ấn tượng sâu sắc đối với đồng đội và nhân dân.
Mấy chục năm hoạt động phục vụ chiến đấu ở chiến trường cũng như về hậu phương, bà Nguyễn Thị Bích Liên còn lưu bút hàng trăm bài thơ được sáng tác bằng cảm xúc của trái tim bình dị, lắng đọng trữ tình. Năm 2020, được đồng đội động viên bà mạnh dạn xuất bản tập thơ “HOA LAN RỪNG TRƯỜNG SƠN” gây bất ngờ cho đồng đội và cả chính nhiều người trong giới văn nghệ sĩ. Trong 4 tháng đầu năm 2022, bà cùng các diễn viên tập luyện, dàn dựng chương trình để biểu diễn phục vụ Đại hội Cựu TNXP của Thủ đô và chào mừng 50 năm ngày giải phóng Quảng Trị (1972-2022).
Trong những ngày TP Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, suốt 2 năm (2020-2021) bà Nguyễn Thị Bích Liên xin Hội Chữ thập đỏ cấp cho Giấy đi đường để làm công việc vận động ủng hộ, giúp đỡ nhiều gia đình hội viên khó khăn. Trong mấy ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, bà đem những túi quà là mặt hàng thiết yếu (gạo, mì, dầu ăn, rau quả...) đến trao cho 21 gia đình thương binh, cựu TNXP của quận do chị vừa quyên góp được.
Đó là những việc làm cao đẹp của vị Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Cựu TNXP-Thương binh Nguyễn Thị Bích Liên, một phụ nữ đa tài có phong cách “trẻ xông pha, già gương mẫu”, tận tụy hết lòng vì mọi người với tấm lòng nhân ái và bản lĩnh dấn thân làm việc nghĩa.