Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, cơn bão số 4 (bão Noru) và các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây ảnh hưởng đến nhiều địa phương ở khu vực miền Trung. Cơn bão được dự đoán là mạnh nhất trong vòng 20 năm qua đã khiến vùng biển ven bờ và ngoài khơi Trung bộ có gió cấp 14-15, có khi giật trên cấp 17, khi vào đất liền bão vẫn còn rất mạnh, đạt cấp 12-14, giật cấp 15. Tâm bão đi thẳng vào các tỉnh thành như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi,…
Trong hoàn cảnh cấp bách ấy, toàn bộ hệ thống chính trị các cấp cũng như người dân đều đồng lòng theo dõi từng đường đi nước bước của cơn bão. Công tác chuẩn bị, di dời người dân đến khu vực an toàn cũng được lực lượng chức năng thực hiện với phương châm “gõ cửa” từng nhà dân. Đồng thời kêu gọi các tàu thuyền đánh bắt xa bờ vào nơi tránh trú an toàn, gia cố lại nhà cửa,…
Không những vậy, với tinh thần “tương thân, tương ái”, người dân đã xích lại gần nhau hơn bằng những lời nói, hành động ấm áp. Trong thời điểm chuẩn bị ứng phó với bão số 4, hàng loạt khách sạn, nhà hàng, cửa hàng ăn uống ở quận Ngũ Hành Sơn, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) đã dành toàn bộ phòng ở để du khách bị mắc kẹt tại Đà Nẵng và người nghèo, trẻ em lang thang, đến cư trú; những khách đặt phòng khách sạn nhưng không may gặp ngày bão đổ bộ sẽ được miễn phí toàn bộ. Nhiều người dân cũng tự nguyện đăng thông tin lên mạng xã hội để đón những người xa quê đang mưu sinh bằng nghề vé số, ve chai, những người khó khăn có thể đến tránh bão an toàn. Đặc biệt, không chỉ cung cấp phòng ở, chủ nhân các nhà hàng, khách sạn còn chuẩn bị lương thực, thực phẩm, đồ ăn, nước lọc… để hỗ trợ miễn phí cho người đăng ký đến tránh trú bão.
Dành gần hết ngôi nhà 4 tầng của gia đình để hỗ trợ hơn 30 người tránh bão, ông Phạm Thế Phương ở số 57 Ngũ Hành Sơn, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho biết: “Khi hoạn nạn là lúc chúng ta cần sự hỗ trợ của những người xung quanh nhất. Nhà tôi rộng và cũng khá chắc chắn, nên tôi đã đăng thông tin lên mạng xã hội, đề nghị hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho ai cần chỗ tránh bão”.
Nhờ những việc làm khẩn trương, tích cực, những sự giúp đỡ, sự chung tay của cả cộng đồng, chúng ta đã mạnh mẽ vượt qua bão số 4 và hạn chế tối đa những thiệt hại do bão gây ra.
Thế nhưng khó khăn lại nối tiếp khó khăn, thời tiết cực đoan lại tiếp tục diễn ra. Bà con miền Trung còn chưa khắc phục xong hậu quả bão số 4 thì lại phải tiếp tục oằn mình chống chọi với lũ ống, lũ quét. Trận lũ quét kinh hoàng vào rạng sáng ngày 02/10 đổ về đã khiến mọi người chẳng kịp trở tay. Nước, nước, trắng trời nước, đâu đâu cũng mênh mang nước. Nước dâng lên tận mái nhà, nước biến đường thành sông, nước quét đi tất cả của cải, hoa màu, trâu, bò, lợn, gà của người dân.
Chấp chới những cánh tay kêu cứu trên các nóc nhà, những thân người nửa chìm nửa nổi trong dòng nước xiết, những gương mặt hoảng sợ, thất thần của các gia đình khi thấy tài sản tích góp bao năm đã chẳng còn, những tiếng khóc xé ruột của các em bé khát sữa, đói ăn, những tiếng gào khóc ai oán của những gia đình mất đi người thân do bị nước lũ cuốn trôi.
Trước tình cảnh đau muốn “xé ruột” ấy của bà con miền Trung, người dân trên cả nước đã thực sự thấu hiểu và cảm nhận được hết những khó khăn, vất vả, cực nhọc của đồng bào mình nơi “rốn lũ”. Từ đó, tinh thần đoàn kết cộng đồng, tình nghĩa quân dân lại tỏa sáng, tạo lên sức mạnh để mọi người lại kiên cường đứng lên, thu dọn lại những tàn tích do thiên tai để lại.
Đặc biệt tại những địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lũ ống, lũ quét như huyện Thanh Chương hay Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An. UBND tỉnh Nghệ An đã huy động lực lượng, phương tiện xử lý các điểm giao thông bị sạt lở, vùi lấp; hỗ trợ người dân dọn dẹp, sửa chữa nhà bị sập đổ, hư hỏng; khắc phục các công trình công cộng bị đất đá vùi lấp. Ngay trong chiều tối 02/10, lực lượng công an, quân đội đã bỏ lại công việc và gia đình phía sau, họ chẳng ngại vất vả mang theo quần áo, thùng mì, bao gạo, chai nước sạch, suất cơm… lập tức lên đường tiếp tế cho các hộ dân bị cô lập của 2 bản Hòa Sơn và Sơn Hà của xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn.
Đối với đồng bào miền Trung, mỗi tấc đất là thiêng liêng, mỗi nương rẫy óng ánh lúa vàng, mỗi bờ cát, mỗi hạt sương long lanh trong những cánh rừng rậm rạp, mỗi bãi đất hoang và tiếng thì thầm của biển là những điều thiêng liêng trong kí ức và cuộc sống của đồng bào miền Trung. Những mảnh đất đầy nắng và gió, nơi nhiều anh hùng nằm xuống để đổi lại bình yên cho đất nước cũng in hằn sâu trong đó kí ức của con người nơi đây.
Họ hiếu rất rõ vì sao đất đai của tổ tiên lại thiêng liêng đến thế, bởi nó chính là cuộc sống của họ, là một phần trong máu thịt của họ. Mảnh đất này là nơi tổ tiên, cha, ông của chúng ta đã đến và định cư trên vùng đất mà họ đã đổ biết bao xương máu mới có được.
Có người đặt câu hỏi, sao người dân nơi đây không di cư đi nơi khác, vừa tránh được thiên tai, vừa đảm bảo tính mạng, tài sản mà còn có khả năng lập nghiệp ở nơi có tiềm năng hơn. Nhưng câu trả lời của họ rất giản đơn, dù có phải chịu hàng trăm mất mát, đau thương từ ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa nhưng cuối cùng người con miền Trung lam lũ vất vả nơi đây vẫn kiên cường bám trụ, giữ đất, giữ nhà, giữ lấy cái hồn quê hương thân yêu để gây dựng lại cuộc sống cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức nhân đạo với nhiều tấm lòng nhân ái. Đó là tinh thần “tương thân, tương ái” của đồng bào ta.
Chẳng đứng ngoài khi nhìn đồng bào mình khó khăn, người dân cả nước cùng đồng lòng hướng về miền Trung như Thanh Hóa đã gói hơn 2.400 chiếc bánh chưng, khoảng 350 thùng nước uống, hơn 300 phần quà, quần áo và gần 50 triệu đồng tiền mặt trao hỗ trợ nhân dân huyện Kỳ Sơn.
Bên cạnh những tấm lòng tốt thì còn đầy rẫy những thông tin tràn lan tiêu cực liên quan đến hàng loạt các vụ việc từ thiện quyên góp hỗ trợ đồng bào. Những hoài nghi về sự tử tế, về lòng tốt liệu có còn tồn tại hay đã bị đánh đồng với đâu đó những mưu toan lợi dụng hình ảnh người dân để trục lợi. Những tổ chức, những cá nhân vẫn sẵn sàng bất kể nguy hiểm lao vào tâm lũ hỗ trợ kịp thời các nhu yếu phẩm cho đồng bào bị thiên tai. Còn có không ít người là nghệ sỹ nổi tiếng, tạm xa hình ảnh lộng lẫy, hào nhoáng trên màn ảnh, các ca sỹ, diễn viên sẵn sàng xắn quần, lội bì bõm trong dòng nước đục ngầu, trèo đèo, lội suối đến các bản để trao quà, tiếp động lực cho bà con vượt qua gian khó.
Suy cho cùng, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan trong tương lai có thể sẽ ập đến bất cứ lúc nào, gây ảnh hưởng và cô lập nhiều bản làng, nhiều thôn xóm nhưng chẳng thể nào chia cắt được tình cảm mà người dân trên cả nước dành cho đồng bào miền Trung như lời bài hát “Tin ở hoa hồng”:
Hãy nói hoa ơi hãy đến người ơi
Và hãy hãy cho tôi cho tôi một niềm vui
Một niềm tin rằng hoa hồng không chết
Vì ta tin đời bao điều tốt đẹp
Như tin ở thời gian
Tin ở chính hoa hồng.
Thu Trang