Tiến sĩ Bùi Thị Hoà - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: Tết Nhân ái - lan tỏa thông điệp về tình đoàn kết, lòng yêu thương và sự sẻ chia trong cộng đồng

Đặng Thu Hằng
Năm 2024 là năm thứ hai triển khai Phong trào “Tết Nhân ái” - kế thừa Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động từ năm 1999. Phong trào nhằm huy động và kết nối rộng rãi sự tham gia, đóng góp của cộng đồng để tổ chức các mô hình “Hội chợ - Tặng quà - Vui Tết”, trợ giúp về vật chất, tinh thần đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương được vui Xuân, đón Tết. Nhân dịp năm mới Giáp Thìn- 2024, phóng viên Tạp chí Nhân đạo có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Bùi Thị Hoà- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về Phong trào “Tết Nhân ái” năm 2024.
tien-si-bui-thi-hoa-chu-tich-hoi-chu-thap-do-viet-nam-1707624666.JPG
Tiến sĩ Bùi Thị Hoà- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

PV: Thưa Chủ tịch, năm 2024, Phong trào “Tết Nhân ái” bước sang năm thứ hai triển khai. Chủ tịch có thể cho biết về mục tiêu và ý nghĩa của Phong trào “Tết Nhân ái” 2024?

Chủ tịch Bùi Thị Hoà: Năm 2023, năm đầu tiên triển khai thực hiện Phong trào “Tết Nhân ái” đã tạo được dấu ấn riêng, góp phần lan tỏa rộng khắp tinh thần nhân ái, tạo không khí phấn khởi, vui tươi không chỉ cho người hưởng lợi mà còn truyền cảm hứng cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ nói riêng và người tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện nói chung. Phong trào “Tết Nhân ái” Xuân Quý Mão 2023 trong toàn hệ thống Hội đã vận động nguồn lực đạt được những kết quả, thành tích vượt trội là 1.175,545 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và hiện vật quy thành tiền), đạt 196% chỉ tiêu (vượt 565,545 tỷ đồng so với chỉ tiêu), đã hỗ trợ 2.619.927 lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, gấp 2,62 lần chỉ tiêu, với giá trị hỗ trợ bình quân đạt 449.000 đồng/người.

Phát huy kết quả đạt được từ Phong trào “Tết Nhân ái” Xuân Quý Mão 2023, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục triển khai Phong trào “Tết Nhân ái” Xuân Giáp Thìn 2024 với mục tiêu phấn đấu chăm lo, hỗ trợ cho 1,2 triệu người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương với tổng giá trị hoạt động đạt 700 tỷ đồng; tiếp tục nhân rộng và làm phong phú hơn nữa mô hình “Tết Nhân ái: Hội chợ - Tặng quà – Vui Tết” với 18 chương trình do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đầu mối chủ trì và 200 chương trình do các tỉnh, thành Hội vận động tổ chức.

Phong trào mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm tạo ra một môi trường đoàn kết, yêu thương và sẻ chia trong xã hội, khơi dậy lòng nhân ái và sự đồng hành của mọi người trong việc xây dựng một cộng đồng văn minh, hạnh phúc và bình đẳng. Phong trào cũng nhằm góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc trong ngày Tết, đồng thời khuyến khích mọi người thực hiện những hành động nhân ái và giúp đỡ những người khó khăn trong xã hội, từ đó góp phần xây dựng xã hội công bằng nhân ái hơn.

PV: Thưa Chủ tịch, trong quá trình triển khai và thực hiện “Tết Nhân ái”, Chủ tịch có thể cho biết những thuận lợi và thách thức gặp phải?

trao-qua-tet-nhan-ai-tai-huyen-yen-minh-tinh-ha-giang-xuan-giap-thin-2024-1707624666.jpg
Trao quà “Tết Nhân ái” tại huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang Xuân Giáp Thìn -2024.

Chủ tịch Bùi Thị Hoà: Trong quá trình triển khai và thực hiện “Tết Nhân ái”, các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã kịp thời chỉ đạo các cấp Hội ở địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Hội cũng nhận được sự quan tâm và ủng hộ tích cực từ cộng đồng, các tổ chức và cá nhân, giúp Phong trào được lan tỏa rộng rãi và đạt được những kết quả hết sức tốt đẹp.

Ngoài ra, Hội cũng nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác, các nhà tài trợ hỗ trợ nguồn lực dưới nhiều hình thức, tạo ra một hiệu ứng xã hội rất tốt ngay trong năm đầu tiên thực hiện Phong trào “Tết Nhân ái”.

Tuy nhiên, Phong trào cũng gặp phải một số khó khăn và thách thức trong quá trình thực hiện. Trong bối cảnh kinh tế chưa hồi phục như hiện nay, việc huy động nguồn lực của các địa phương gặp nhiều khó khăn. Hội đã tiến hành tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, huy động tối đa và khả năng kết nối chia sẻ từ các cá nhân, tổ chức có chung mục đích, cùng với đó là việc quản lý và sử dụng nguồn lực trợ giúp một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, quy mô và phạm vi của “Tết Nhân ái” đòi hỏi sự phối hợp và tổ chức công phu, đặc biệt khi phải đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khó khăn. Để vượt qua thách thức này, Hội đã xây dựng một kế hoạch chi tiết, phân công công việc rõ ràng và tăng cường sự hợp tác với các tổ chức địa phương và các tình nguyện viên.

Thêm nữa là việc triển khai “Tết Nhân ái” tại nhiều địa điểm và trong một khoảng thời gian ngắn đòi hỏi sự điều phối và tổ chức kỹ lưỡng. Hội đã đặt ra các tiêu chí đối tượng hưởng lợi, nội dung hoạt động, chọn địa điểm và lên kế hoạch thời gian một cách chi tiết, cụ thể đồng thời tăng cường trao đổi và phối hợp với các bên liên quan để đảm bảo mọi hoạt động của “Tết Nhân ái” được diễn ra trên tinh thần hợp tác hiệu quả.

PV: Chủ tịch đánh giá như thế nào về những thành công và ảnh hưởng tích cực mà “Tết Nhân ái” đã mang lại cho cộng đồng sau một năm thực hiện ?

Chủ tịch Bùi Thị Hoà: Phong trào “Tết Nhân ái” năm 2023 đã đạt được những thành công nhất định. Một số kết quả nổi bật có thể kể tới như: Chương trình đã hỗ trợ và giúp đỡ hàng triệu lượt đối tượng khó khăn, mang lại niềm vui, sự ấm áp và hy vọng cho những người nghèo, người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật và các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chương trình đã trao tặng các suất quà Tết, đồng phục, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hỗ trợ tài chính, chăm sóc sức khỏe, chăm lo đời sống tinh thần cho những người cần giúp đỡ.

cho-tet-nhan-ai-to-chuc-tai-quan-hai-ba-trung-thanh-pho-ha-noi-xuan-giap-thin-2024-1707624666.jpg
Chợ "Tết Nhân ái" tổ chức tại quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội Xuân Giáp Thìn-2024.

“Tết Nhân ái” cũng đã tạo ra một môi trường đoàn kết và yêu thương. Chương trình đã tạo ra sự tương tác từ cộng đồng giúp đỡ những người gặp khó khăn, từ đó xây dựng một môi trường xã hội nhân ái hơn và giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Sự gắn kết và lòng yêu thương đã lan tỏa trong cộng đồng, tạo nên một tinh thần đoàn kết và sự chia sẻ trong xã hội.

Những hoạt động của “Tết Nhân ái” cũng đã góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc trong ngày Tết, khuyến khích mọi người thực hiện những hành động nhân ái và giúp đỡ những người khó khăn trong xã hội. Điều này giúp vun đắp và phát huy những giá trị văn hóa và tinh thần tốt đẹp của dân tộc.

Qua chương trình, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tìm kiếm và xây dựng quan hệ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, giúp Hội có thêm nguồn lực để thực hiện Phong trào một cách tốt nhất, tạo tiền đề để thời gian tới Hội mở rộng phạm vi và tăng cường hiệu quả của Phong trào “Tết Nhân ái”.

Có thể nói, những thành công và ảnh hưởng tích cực nêu trên đã tạo ra hiệu ứng tích cực và sự lan tỏa của lòng nhân ái trong cộng đồng, đồng thời khơi dậy tinh thần và ý thức trách nhiệm xã hội của mọi người. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hy vọng rằng Phong trào “Tết Nhân ái” sẽ tiếp tục phát triển và mang lại những kết quả tốt đẹp hơn trong tương lai.

PV: Thưa Chủ tịch, những kết quả của Phong trào “Tết Nhân ái” vừa qua có sự ủng hộ rất lớn của các đối tác, nhà tài trợ và các nhà hảo tâm. Vậy Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có những hành động cụ thể nào để sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ và nguồn lực của các nhà hảo tâm?

Chủ tịch Bùi Thị Hoà: Có thể thấy, vấn đề minh bạch trong hoạt động từ thiện ngày càng đang được xã hội quan tâm. Với Phong trào “Tết Nhân ái”, Hội cam kết đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả trong việc sử dụng tài trợ và nguồn lực của các nhà hảo tâm.

giao-luu-goi-banh-chung-tai-phien-cho-0-dong-do-hoi-chu-thap-do-tinh-lao-cai-to-chuc-tai-cho-van-hoa-ta-phoi-hop-thanh-thanh-pho-lao-cai-xuan-giap-thin-2024-1707624666.jpg
Giao lưu gói bánh chưng tại Phiên chợ 0 đồng do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai tổ chức tại chợ văn hóa Tả Phời – Hợp Thành, thành phố Lào Cai Xuân Giáp Thìn -2024.

Về báo cáo tài chính, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thường xuyên công bố báo cáo tài chính của chương trình, chi tiết về nguồn thu, chi phí và sử dụng tài trợ. Báo cáo này được công khai và cung cấp cho các nhà tài trợ và công chúng trên ứng dụng (app) Thiện nguyện của Ngân hàng Quân đội (MB) với các tính năng sao kê để đảm bảo sự minh bạch và trung thực, góp phần tạo cơ sở vững chắc để công tác thiện nguyện tiếp tục được lan tỏa và phát huy hiệu quả trong xã hội.

Trong quá trình thực hiện, Hội thiết lập hệ thống theo dõi và đánh giá để đảm bảo sự hiệu quả và công bằng trong việc sử dụng tài trợ và nguồn lực. Hội Chữ thập đỏ có bộ phận sẽ đánh giá kết quả và tiến độ của chương trình, từ đó đưa ra các biện pháp cải tiến và tối ưu hóa sự sử dụng tài trợ.

Hội cam kết sử dụng tài trợ và nguồn lực của các nhà hảo tâm một cách có mục đích và hiệu quả và đảm bảo rằng tiền và nguồn lực được sử dụng để đáp ứng nhu cầu thực tế của người cần giúp đỡ và mang lại lợi ích tối đa cho cộng đồng. Hội Chữ thập đỏ thực hiện quy trình phân phối các suất quà Tết và hỗ trợ tài chính có sự tham gia của bên thứ ba. Điều này đảm bảo rằng mọi người có cơ hội nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ một cách công bằng và không phân biệt đối xử.

Hội luôn mong muốn duy trì và đảm bảo một quan hệ giao tiếp chặt chẽ và tương tác thường xuyên với các nhà tài trợ và nhà hảo tâm. Hội sẽ cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động và sử dụng tài trợ, lắng nghe ý kiến đóng góp và phản hồi từ các nhà tài trợ để nâng cao sự minh bạch và hiệu quả của chương trình.

Chính những hành động này sẽ giúp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xây dựng niềm tin và sự tin tưởng từ các nhà tài trợ và nhà hảo tâm, đồng thời đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả trong việc sử dụng tài trợ và nguồn lực để mang lại lợi ích cho cộng đồng.

PV: Chủ tịch có những mong muốn và kỳ vọng gì cho Phong trào “Tết Nhân ái” trong thời gian tới ?

Chủ tịch Bùi Thị Hoà: Trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mong muốn Phong trào “Tết Nhân ái” sẽ mở rộng phạm vi và tầm ảnh hưởng. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có kế hoạch phát triển và mở rộng phạm vi ra nhiều khu vực để “Tết Nhân ái” đến được với nhiều người hơn, đặc biệt là người dân ở các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Hội muốn tăng cường quy mô của chương trình bằng cách tăng số lượng suất quà Tết, tăng cường hỗ trợ tài chính và các hỗ trợ về sức khỏe, tinh thần, các cách làm mới, sáng tạo để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhiều người hơn cũng như mang lại niềm vui và sự ấm áp cho nhiều gia đình khó khăn hơn.

Hội mong muốn qua những thông điệp ý nghĩa của Phong trào sẽ nhận được sự ủng hộ và đóng góp từ cộng đồng, các doanh nghiệp và các cá nhân khác. Điều này giúp Hội Chữ thập đỏ có thêm nguồn lực và sự hỗ trợ để phát triển Phong trào và đáp ứng nhu cầu của nhiều người hơn.

Hội mong muốn xây dựng một mạng lưới đối tác đáng tin cậy và bền vững để tăng cường hiệu quả của Phong trào. Sự hợp tác và đối tác giúp Hội có thể mở rộng hoạt động và mang lại những kết quả tích cực hơn cho cộng đồng.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kỳ vọng Phong trào “Tết Nhân ái” sẽ tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc và lan tỏa trong cộng đồng. Đây chính là nhân tố khơi dậy tinh thần và ý thức trách nhiệm xã hội của mọi người, tạo ra một môi trường nhân ái và yêu thương cũng như góp phần vun đắp những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Chúng tôi luôn nghĩ rằng làm nhân đạo không thể đi một mình, làm nhân đạo nếu có nhiều người, nhiều tổ chức cùng đồng hành, cùng thực hiện mục tiêu đó thì chúng ta sẽ càng sớm về đích và khi chúng ta đi cùng nhau chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn. Sự ủng hộ Phong trào có thể đến từ mọi tầng lớp trong xã hội, những em học sinh nhỏ tuổi, các cô bác đã nghỉ hưu, những người công nhân trong các khu công nghiệp, nông dân, các tiểu thương đều có thể tham gia bằng khả năng của mình, lan toả Phong trào đến với mọi người và như thế chúng ta sẽ tạo ra một sự cộng hưởng của toàn xã hội để xây dựng xã hội giàu tình yêu thương, giàu lòng nhân ái.

Trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng sẽ liên tục cải tiến và phát triển các hoạt động của Phong trào để đáp ứng được nhu cầu và thách thức ngày càng lớn của cộng đồng. Hội sẽ lắng nghe ý kiến đóng góp và phản hồi từ mọi người để nâng cao chất lượng và hiệu quả của Phong trào.

Tôi nghĩ rằng, những mong muốn và kỳ vọng này sẽ là động lực để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam không ngừng nỗ lực phát triển Phong trào “Tết Nhân ái” đúng như kỳ vọng của Hội Chữ thập đỏ và của những người hưởng lợi từ Phong trào.
Nhân dịp năm mới xuân Giáp Thìn-2024 sắp đến, hy vọng một mùa xuân mới mỗi người trong chúng ta sẽ đạt được nhiều thành công, nhiều hy vọng và mỗi người khó khăn đều sẽ cảm thấy ấm áp, bình yên trong một xã hội giàu tình thương và những người có điều kiện hơn đều có thể gom góp, chia sẻ tình yêu thương của mình để mọi người đều cảm thấy hạnh phúc trong một xã hội tràn đầy tình yêu thương.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của Chủ tịch!

Trần Thu Hương