Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tuần này, thời tiết miền Bắc thay đổi đột ngột, từ nắng sang mưa, từ nóng sang lạnh. Cụ thể, trong 2 ngày đầu tuần, người dân miền Bắc và Bắc Trung Bộ cảm nhận được tiết trời mùa xuân với hình thái mưa phùn, nồm ẩm, độ ẩm không khí tương đối cao, Hà Nội có thời điểm lên tới gần 95%.
Tuy nhiên, ngày 22-24/3, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và các tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế lại chuyển sang thời tiết oi nóng khi đón đợt nắng nóng đầu tiên trong năm 2023.
Đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất 35-50%. Thanh Hóa đến Quảng Ngãi nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất 35-50%.
Các nơi khác ở Bắc Bộ, khu vực từ Bình Định đến Phú Yên và Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất 45-55%.
Đợt nắng nóng trên dự báo chỉ déo dài khoảng 3 ngày. Đến đêm 24/3, một đợt không khí lạnh sẽ tràn về nước ta khiến nhiệt độ ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ giảm mạnh kèm theo mưa rào và dông rải rác.
Như vậy, chỉ trong một tuần, người dân ở các khu vực trên có thể cảm nhận được kiểu thời tiết của 4 mùa: nồm ẩm của mùa xuân, nắng nóng của mùa hè, se lạnh của mùa thu và rét của mùa đông.
Thời tiết thất thường
Trả lời PV VTC News, TS Nguyễn Ngọc Huy (chuyên gia cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan) cho biết, trong đợt nắng nóng này, nền nhiệt tại Bắc Bộ, Trung Bộ cao nhất có nơi trên 37 độ C, đặc biệt, Hà Tĩnh, Nghệ An có thể lên tới 38-39 độ C vào buổi trưa. Tuy nhiên, chỉ sau một đêm, khi không khí lạnh tràn về, nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ xuống mức 17-18 độ C.
Biên độ nhiệt dao động khá đột ngột, người dân vừa cảm nhận được cái nóng của mùa hè, ngay sau đó lại chịu cái lạnh của mùa đông.
“Rất khó để quy kiểu thời tiết này vào một dạng hình thái nào. Đây chỉ là một sự thất thường. Có chế độ “bật tắt, tắt bật” của nóng và lạnh vì hiện tại đang là giai đoạn ENSO (trung tính) để chuẩn bị chuyển sang giai đoạn khô nóng của El-Nino”, TS Nguyễn Ngọc Huy phân tích.
Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột, theo TS Huy sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe vì thông thường con người chỉ có thể thích ứng được sự chuyển dịch nhiệt độ từ từ. Nhiệt độ chênh lệch 10 độ C, chúng ta đã cảm thấy khó chịu.
Tuy nhiên trong đợt này, Trung Bộ và Tây Nguyên có nơi nắng nóng đặc biệt gay gắt, biên độ nhiệt độ giữa ngày lạnh, ngày nóng có nơi dao động lên tới 20 độ C. Miền Bắc có nóng nhưng giai đoạn này mây mù nhiều nên không quá cực đoan.
Chuyên gia khuyến cáo sự chênh lệch biên độ nhiệt khá rộng và đột ngột có thể gây sốc nhiệt, các triệu chứng cảm, cúm.
Theo ông Lưu Minh Hải, nguyên Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, trong thời kỳ giao mùa, các hình thái thời tiết mùa đông và mùa hè thường “tranh chấp nhau”.
“Thời tiết đang nắng nóng gặp không khí lạnh cần đề phòng hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh trong dông”, ông Hải nói.
Nắng nóng gay gắt hơn năm ngoái
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ qua, một số nơi ở Tây Bắc Bộ, vùng núi phía Tây của Bắc và Trung Trung Bộ nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C như Mường La (Sơn La) 38,4 độ C; Tây Hiếu (Nghệ An) 38,3 độ C; Tương Dương (Nghệ An) 39,3 độ C; Hương Khê (Hà Tĩnh) 38,4 độ C; Hương Sơn (Hà Tĩnh) 39 độ C...
Một số nơi ở Tây Nguyên và ở khu vực miền Đông Nam Bộ nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C như Đồng Phú (Bình Phước ) 37,5 độ C…
Sau đợt nắng nóng, hình thái thời tiết này tạm thời gián đoạn và tiếp tục có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Trung Bộ trong tháng 4/2023. Từ nay tới 20/4, Nam Bộ xuất hiện nhiều ngày nắng nóng, tập trung ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Từ nay tới 20/4, so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Quảng Ngãi phổ biến ở mức cao hơn 1-2 độ C, đồng bằng và Bắc Trung Bộ có nơi cao trên 2 độ C, từ Bình Định đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức cao hơn 0,5-1 độ C, trong đó Tây Nam Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ.
Tháng 7-8/2023, nắng nóng tiếp tục xảy ra chủ yếu ở Bắc Bộ và Trung Bộ, cường độ có thể gay gắt hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Từ nay đến tháng 5/2023, bão và áp thấp nhiệt đới ít khả năng xuất hiện trên Biển Đông, khoảng từ nửa cuối tháng 6 có thể xuất hiện và phù hợp với quy luật khí hậu.
Từ tháng 7-9/2023, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng tương đương với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (khoảng 4-5 cơn bão/áp thấp nhiệt đới), có thể tác động đến các khu vực Bắc Bộ và phía Bắc Trung Bộ.
Nguyễn Huệ