Chị Hoàng Thị N., ở huyện Lục Yên (Yên Bái) cần một khoản tiền khoảng 200 triệu để giải quyết khó khăn đột xuất. Do muốn thuận tiện và nhanh gọn thủ tục, chị đã tìm đến vay qua app (ứng dụng trực tuyến). Qua tìm hiểu trên không gian số, chị N. được giới thiệu đến với cái tên “Sàn giao dịch quốc tế” hoạt động dưới sự giám sát của “Tập đoàn Á châu” và từ đây chị N. đã sập bẫy bọn lừa đảo.
Cụ thể, để được giải ngân, chị N. đã được yêu cầu cài đặt app theo yêu cầu của chúng và cung cấp các thông tin cá nhân; sau đó chúng chuyển cho chị con số ảo vào app vừa cài và đăng ký số tiền 400 triệu đồng; tiếp đó sửa bản yêu cầu vay của chị từ 200 triệu thành 400 triệu đồng và chụp gửi chị. Khi thắc mắc thì chúng yêu cầu chị phải nộp 200 triệu tiền thật, nộp tiền bảo lưu vào tài khoản chỉ định để giảm lãi...
Chị N. thực hiện theo các lệnh yêu cầu của chúng và mất số tiền thật gần đến 1 tỷ mà không rút được 1 đồng nào với lý do lỗi hệ thống, thao tác sai, thời gian thực hiện nhiệm vụ kết thúc, số tiền vượt hạn mức… chị cầu cứu và ở đầu kia xuất hiện nhóm xưng là người có trách nhiệm của “Tập đoàn” hỗ trợ khách hàng giải quyết vướng mắc. Nhóm này yêu cầu chị phải thực hiện nộp thêm tiền để nâng cấp hệ thống app, chứ không còn cách nào khác.
Nhằm cố lấy lại số tiền đã mất, chị N. đã bán nhà và vay mượn của hàng xóm, anh em để nộp vào số tài khoản của chúng nhằm “nâng cấp hệ thống”. Đến khi nhà đã bán, không còn vay mượn ở đâu để thực hiện theo các yêu cầu của chúng, thì cũng là lúc chị N. đã mất hơn 2 tỷ đồng trong một thời gian ngắn và sau cùng thì không còn liên hệ được với nhân viên “Tập đoàn” nào nữa.
Bà Vũ Thị X., một cán bộ hưu trí ở phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) cũng là 1 nạn nhân bị lừa đảo. Bà cho biết cách đây ít lâu, bà nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng ở Bộ Thông tin và Truyền thông, nói số căn cước công dân của bà được dùng đăng kí cho một thuê bao di động đang đi lừa đảo rất nhiều người. Tiếp đó, ở đầu dây bên kia nói sẽ kết nối với cơ quan Công an cho bà X. trình báo. Sau khi kết nối, bà X được hướng dẫn đi vào phòng kín và không được cho ai biết, để khai báo thông tin và làm các thủ tục theo hướng dẫn. Rất may con gái bà X. xuất hiện kịp thời.
Bà Vũ Thị X. chia sẻ: "Họ nói với tôi là có người mang giấy tờ tôi đi lừa đảo khắp nơi, phải kê khai thông tin với Công an mới có kết quả tốt được. Đang gọi điện và kê khai thông tin thì con gái về nói là lừa đảo. Con gái nói mãi tôi mới tin là lừa đảo và mới dừng lại".
Chị N. và bà X. mới chỉ là 2 trong số nhiều người ở Yên Bái bị các đối tượng lừa đảo qua không gian số trong thời gian qua.
Tính từ năm 2022 đến nay, Yên Bái đã ghi nhận có 21 vụ phạm tội lừa đảo sử dụng công nghệ cao, số tiền các nạn nhân bị mất là hơn 2,6 tỷ đồng. Tuy nhiên đây mới chỉ là con số của những người có đơn thư gửi đến Cơ quan Công an, còn thực tế sẽ cao hơn nhiều lần do nhiều người bị lừa, nhưng vì các lý do khác nhau mà không trình báo.
Theo cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái, các đối tượng thường thông qua hình thức như: kết bạn, nhắn tin, giới thiệu là người nước ngoài, có điều kiện về kinh tế muốn gửi tiền nhờ giữ hộ, hoặc làm từ thiện; giả danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... thông báo đến bị hại liên quan đến vụ án hình sự; Quảng cáo cho vay với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, “việc nhẹ lương cao”, tải app nạp tiền vào làm cộng tác viên, tham gia đầu tư…
Thượng tá Hoàng Văn Tuân, Phó trưởng phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao – Công an tỉnh Yên Bái cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân dễ bị lừa là do một bộ phận người dân chưa tiếp cận được, hoặc chưa thực sự quan tâm đến cảnh báo, khuyến cáo của lực lượng chức năng; hám lời; một bộ phận người dân mới tham gia mạng xã hội, không gian số còn nhẹ dạ cả tin…
Bên cạnh đó, việc đấu tranh với loại tội phạm này cũng còn gặp nhiều khó khăn do các đối tượng hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia; sử dụng sim điện thoại, tài khoản ngân hàng “rác”; có máy chủ ở nước ngoài… để phạm tội.
Thượng tá Tuân khuyến cáo người dân phải thường xuyên theo dõi nội dung tuyên truyền về thủ đoạn của các loại tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang tin chính thống, các nhóm zalo an ninh, các trang Fanpege của lực lượng Công an để nắm được, cùng cảnh giác với các thủ đoạn của tội phạm.
Không tin vào những người mà quen biết trên không gian mạng hoặc những thông tin mà người đó giới thiệu mà không có căn cứ xác thực. Không cung cấp cho người không có trách nhiệm về thông tin cá nhân của mình; không mua bán, cho tặng tài khoản ngân hàng trong bất cứ trường hợp nào.
Hiện nay, người dân Yên Bái tham gia môi trường số đã trở nên phổ biến. Qua đó, càng có nhiều người sử dụng các nền tảng số như: sàn thương mại điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt; ứng dụng Công dân số YenBai-S…
Tuy thế, nhiều người còn chủ quan, không tìm hiểu kiến thức an toàn thông tin, nên dễ lộ lọt thông tin cá nhân, dễ bị lừa đảo trực tuyến....
Ông Nguyễn Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực thiết lập “Vaccine số” để những “công dân số” biết tự bảo vệ mình tốt hơn.
"Vaccine số" bao gồm các tiêu chí: Kiến thức, kỹ năng, nhận biết của người dân sử dụng các nền tảng, phần mềm trên Internet. Thông qua “Vaccine số” mỗi người dân sẽ hình thành một bộ lọc nên đọc những gì, nghe những thông tin gì, click vào những gì và không nghe, không đọc, không click vào những thông tin gì. Người dân yên tâm sử dụng công nghệ để phục vụ đời sống" - ông Khiêm cho biết.
Theo ông Khiêm, ngoài nỗ lực của ngành chức năng, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác để không bị lừa đảo dưới bất kỳ hình thức nào./.