Theo đó, Tổ công tác gồm 10 thành viên. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành làm Tổ trưởng; Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Quốc Việt là Tổ phó thường trực; Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà là Tổ phó.
Cụ thể, tổ công tác sẽ tiếp nhận hồ sơ, trả lời bằng văn bản đối với đề nghị công nhận đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; đăng tải công khai tên doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng. Cấp, thu hồi Giấy phép phân loại phim đối với phim của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chưa đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng. Xây dựng và quản lý Hệ thống dữ liệu về phân loại phim trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, Tổ công tác còn có trách nhiệm kiểm tra nội dung phim, phân loại phim, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng. Tiếp nhận thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim trên không gian mạng. Tiếp nhận đầu mối, thông tin liên hệ của các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng.
Yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm; Yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn việc truy cập phim vi phạm; Các nhiệm vụ khác theo phân công của Lãnh đạo Bộ.
Trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, Tổ công tác có trách nhiệm báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Bộ đối với các vấn đề nảy sinh ngoài thẩm quyền.
Theo ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh , Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng có trách nhiệm yêu cầu chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng dừng, gỡ bỏ phim vi phạm; yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm. Đồng thời, Tổ yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn việc truy cập phim vi phạm...
Thời gian qua, với sự phát triển của công nghệ hàng loạt việc trình chiếu các bộ phim trên không gian mạng đã xảy ra hàng loạt sai phạm. Thậm chí, vì sự thiếu kiểm soát nhiều bộ phim đã vi phạm vào chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Trước đó, liên quan đến việc quản lý nội dung trực tuyến, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các cơ quan liên quan cũng sẽ kiểm tra toàn diện TikTok tại Việt Nam và xử lý nghiêm sai phạm. Đây là động thái mới nhất từ phía cơ quan quản lý nhà nước đối với các vi phạm liên quan đến sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa, hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các nội dung vi phạm bản quyền... Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tất cả các nền tảng xuyên biên giới không tuân thủ pháp luật sẽ không được chào đón, tạo điều kiện hoạt động tại Việt Nam. Hiện đã có quy định buộc phải gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm trong vòng 24 giờ sau khi nhận được thông báo từ cơ quan chức năng.