Đợt mưa lũ khu vực miền Trung bắt đầu từ đêm 10/10 kéo dài đến nay với lượng mưa phân bố không đều. Khu vực Hà Tĩnh - Quảng Nam là 2 vùng có mưa lớn, trọng tâm mưa lớn của đợt này là khu vực Thừa Thiên - Huế đến Đà Nẵng và Quảng Nam; trong đó khu vực Thừa Thiên - Huế đến Đà Nẵng có lượng mưa phổ biến từ 400-800 mm, khu vực Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam và Đà Nẵng có những điểm mưa to trên 1000mm.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, mưa lớn ở miền Trung gây ngập úng, thiệt hại về tài sản và người tại các tỉnh, thành phố.
Cụ thể, tính đến 16 giờ ngày 14/102 người chết, trong đó 1 người chết tại Hà Tĩnh do nước cuốn trôi (Thái Phong V., SN 2010, trú tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên); 1 người chết tại Thừa Thiên Huế khi đi đánh cá chiều 13/10, hiện tỉnh đang xác minh nguyên nhân.
Về tài sản, 1.564 nhà bị ngập (Đà Nẵng 1.432 nhà, Huế 115 nhà, Quảng Trị 17 nhà). Bên cạnh đó, nhiều khu vực trũng thấp tại TP Đà Nẵng bị ngập lụt từ 0,3 - 0,5 m, một số nơi ngập sâu từ 1 - 1,5 m như phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), tuyến đường Thăng Long - Hoà Thọ Tây (quận Cẩm Lệ).
Mưa lũ cũng khiến 3.910 người (Huế 147 người, Đà Nẵng 3.763) phải sơ tán; học sinh toàn TP Đà Nẵng và một số địa phương vùng thấp trũng Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) phải nghỉ học.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn trong thời gian tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương chịu ảnh hưởng tiếp tục triển khai Công điện số 950/CĐ-TTg ngày 12/10/2023 của Thủ tướng chính phủ về việc chủ động ứng phó mưa lũ khu vực miền Trung; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, để chủ động, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó.
Các tỉnh, thành phố huy động lực lượng hỗ trợ người dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ; kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến vùng áp thấp và mưa dông, lốc xoáy, gió giật mạnh, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.