Những ngày đầu tháng 3/2017 khi phát động chương trình “Vườn rau Trường Sa” các thành viên chính trong Ban tổ chức như: Hội CTĐ Việt Nam, Cổng thông thông tin nhân đạo quốc gia 1400, Quỹ tấm lòng Việt (Đài truyền hình Việt Nam) và Câu lạc bộ Vì biển đảo quê hương... đều cố gắng quyết tâm thực hiện một chương trình, một hành động cụ thể hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ở nơi đó, hàng ngày vẫn luôn có những người lính biển dù phía sau họ là muôn vàn khó khăn gian khổ trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Cuối tháng 4 Ban tổ chức chương trình “Vườn rau Trường Sa” đã lên đường mang tấm lòng của nhân dân cả nước hướng về biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. Trong các điểm đảo mà đoàn công tác đã đi qua, có đảo chìm Cô Lin, một trong những đảo có vị trí quan trọng, có lịch sử hào hùng nhưng cũng là một trong những đảo khó khăn bậc nhất trên quần đảo Trường Sa. Điều kiện sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo rất khắc nghiệt, nơi mà nắng nóng oi bức kéo dài từ 4h30 đến 19h hàng ngày, số ngày nắng nóng lên tới 300 ngày/năm, mưa giông ập đến bất cứ lúc nào... Cũng như nhiều điểm đảo trên quần đảo Trường Sa, khí hậu khắc nghiệt đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, đặc biệt là sản lượng rau xanh. Là đảo chìm, diện tích đảo Cô Lin khá hẹp, điều kiện chứa nước cũng hạn chế, trong khi nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt ở đây chủ yếu là nước mưa, nên công tác đảm bảo cho sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ cũng phải hết sức tiết kiệm, chưa nói đến nước dành cho tăng gia sản xuất như trồng rau xanh, chăn nuôi.
Hiện tại, để trồng được rau xanh, cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Lin phải vận chuyển từ đất liền ra từng bao đất nhỏ, tận dụng vật liệu xây dựng tạm có để bao che vườn rau khỏi nước mặn của những cơn sóng biển. Đặc biệt, để có nước tưới rau, anh em trên đảo đã sáng kiến, tự thiết kế hệ thống vòi hoa sen tự tạo, đi kèm hệ thống bể chứa nước thải sinh hoạt, để lấy nước tưới rau.
Trung úy Đặng Văn Kiên, cán bộ phụ trách công tác hậu cần đảo Cô Lin cho biết: Hiện tại nước sinh hoạt trên đảo phụ thuộc chính vào nguồn nước mưa, nên mỗi cán bộ, chiến sỹ đều rất ý thức trong việc tận dụng nước sinh hoạt để tăng gia, đảm bảo đời sống sinh hoạt. Mặc dù nguồn nước ngọt khan hiếm, nhưng nhờ sử dụng nước ngọt khoa học, tiết kiệm nên nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và đời sống của cán bộ, chiến sĩ vẫn được đảm bảo. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã chủ động tăng gia, tích cực sản xuất, gieo trồng nhiều loại rau... đảm bảo lượng rau xanh đầy đủ trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, có những năm lượng mưa ít, có nhiều cơn bão khiến cho những cây rau mới chỉ nhú khỏi đất đã bị bão đánh cho tan tác hoặc không thể nảy mầm vì quá nắng nóng.
Nói về nguyện vọng của anh em cán bộ, chiến sỹ trên đảo, trung úy Đặng Văn Kiên bộc bạch: “Mong muốn của tất cả anh em ngoài đảo là sớm có khu nhà khép kín trồng rau được bảo đảm bằng khung inox, bao quanh là vật liệu composit chịu được môi trường, thời tiết ở đảo, trên có lưới che, dưới là hệ thống chống thoát hơi nước, giữ ẩm. Nếu được như vậy, sản lượng rau xanh trên đảo được đảm bảo tốt hơn bởi có những tháng gió to, sóng lớn, cơ sở vật chất của vườn rau chưa đảm bảo khiến sản lượng rau xanh còn thất thường. Bên cạnh đó, nếu có những bể nước chứa nước bằng vật liệu mềm sẽ giúp anh em tận dụng nguồn nước mưa, có điều kiện tích trữ nước ngọt, vừa đảm bảo sinh hoạt, vừa giúp tăng gia phục vụ đời sống của anh em”.
Nhằm thiết thực động viên cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Lin, nhân chuyến công tác đi thăm, tặng quà động viên quân, dân Trường Sa, bà Phạm Thị Việt Hòa - cán bộ Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, đã trao tặng cán bộ, chiến sĩ trên đảo 1 vườn rau và 3 bể nước mềm trị giá 200 triệu đồng. Hoạt động này nằm trong chương trình vận động ủng hộ “Vườn rau Trường Sa” do T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Cổng 1400 chủ trì.
Đại diện đoàn công tác của T.Ư Hội CTĐ Việt Nam, ông Trần Quốc Hùng- Trưởng ban Phòng ngừa ứng phó thảm họa, Trưởng đoàn công tác, đã trao tặng bảng biểu trưng 10 nhà kính trồng rau và 10 bể nước mềm trị giá hỗ trợ là 1,4 tỉ đồng (giai đoạn 1 của chương trình) tới Chuẩn đô đốc Phạm Văn Sơn - Phó Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân.
Cảm xúc lần đầu đến với Trường Sa không chỉ trên cương vị công tác, mà còn đại diện một chương trình hết sức ý nghĩa hướng về biển đảo quê hương, ông Trần Quốc Hùng tâm sự: “Chuyến đi thăm, tặng quà quân, dân Trường Sa cùng với lãnh đạo Quân chủng Hải quân dịp này đã cho chúng tôi cơ hội hiểu hơn về cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên các điểm đảo, đặc biệt là ở các đảo chìm. Nhận thấy việc kêu gọi, vận động toàn thể xã hội chung tay tặng vườn rau, bể mềm chứa nước ngọt là một việc làm cần thiết, T.Ư Hội CTĐ Việt Nam và Cổng 1400 cùng các tổ chức, cá nhân đồng hành đã triển khai Chương trình “Vườn rau Trường Sa” với mong muốn sẻ chia, quan tâm đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Với nhiều hình thức gây quỹ cho chương trình đa dạng như chia sẻ tại các trường đại học, các tập đoàn và hệ thống 4 cấp của T.Ư Hội CTĐ Việt Nam”.
Đại tá Bùi Hải Phước – Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) cho biết, Lữ đoàn sẽ chọn Cô Lin là điểm đảo chìm đầu tiên triển khai chương trình “Vườn rau Trường Sa”.
Với mong muốn tới đây, cùng với sự quan tâm của đồng bào cả nước, không chỉ Cô Lin mà tất cả các đảo, điểm đảo chìm đều có được vườn rau xây dựng theo hướng chính quy, hiện đại, màu xanh của rau và hoa trái sẽ tô thắm trên các đảo, góp phần không ngừng nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa – những “cột mốc sống” kiên cường trên biển đang từng ngày, từng giờ gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.