Thay đổi ứng xử với rác thải trên biển và đại dương

Nguyễn Thị Hải Hà
Dọc các tỉnh miền Trung, ở khu vực cửa sông tiếp giáp với biển, cảng cá, đầm vịnh, đâu đâu cũng thấy rác thải nhựa tràn lan. Nhiều nơi, rác thải nhựa quá nhiều, người dân không thể dọn hết nên chờ thủy triều rút xuống rồi thu gom đi đốt...

Ngăn chặn, giảm thiểu rác thải đại dương, mỗi địa phương có những cách làm khác nhau. Nhiều nơi phát động ngư dân chung tay “thu gom rác thải trên biển” rất hiệu quả. Nhưng cũng có nơi thực hiện công việc này mang tính phong trào, chỉ giải quyết phần ngọn là thu gom mà chưa có biện pháp ngăn chặn xả thải hoặc phân loại rác tái chế. Đã đến lúc cần thay đổi ứng xử với rác thải trên biển và đại dương.

Ngư dân Lê Ngọc Tình ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình là chủ tàu QB 93561TS. Ông Tình là một trong những người đầu tiên ở xã Cảnh Dương thực hiện thu gom rác thải trên tàu cá trong suốt thời gian đánh bắt trên biển. Mỗi ngày, các thuyền viên trên tàu cá này bỏ rác thải, chai nhựa, túi nilon vào 2 túi đựng rác rồi đưa về bờ xử lý.

Ông Lê Ngọc Tình kể, mỗi chuyến biển khoảng 20 ngày, 1 tàu cá xả ra khoảng 10kg rác thải. Không chỉ gom rác thải trên tàu của mình, các thuyền viên tàu này mỗi khi thấy rác trôi nổi trên biển cũng vớt lên cho vào túi đựng rác trên tàu: “Anh em nhắc nhở nhau trên các đoàn tàu cùng nhau để bảo vệ môi trường bến bãi và biển được sạch. Sau khi sử dụng rác thải thì mình không vứt ra biển”.

Xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có hơn 300 chiếc tàu cá công suất lớn, mỗi chuyến đi biển kéo dài gần 1 tháng. Xã biển này được chọn làm đơn vị triển khai điểm về mô hình “Thu gom rác thải, rác thải nhựa trên tàu cá xa bờ” đầu tiên tại tỉnh Quảng Bình.

Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, ngư dân được hướng dẫn cách làm túi thu gom đựng rác thải với vật liệu tận dụng từ lưới đánh cá đã hỏng.

“Sau khi phát động thực hiện mô hình thu gom rác thải trên tàu thuyền này thì ý thức của người dân ngày càng cao so với khi chưa phát động”, ông Quang nói.

Tỉnh Quảng Bình có hơn 1.500 tàu khai thác xa bờ. Từ năm 2017, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình phát động xây dựng mô hình “Khu dân cư bảo vệ tài nguyên, môi trường biển” tại các xã ven biển. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi hành vi, thói quen về việc vứt rác tại bờ biển.

Các địa phương cũng xây dựng mô hình thu gom và xử lý rác thải nhựa dựa vào cộng đồng. Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình cũng phát động các phong trào “Chống rác thải nhựa”, phối hợp với ban ngành, đoàn thể tổ chức “Chương trình Ngày Chủ Nhật xanh”, thực hiện chiến dịch “Hãy làm sạch biển - Tử tế với đại dương”…

Ông Hoàng Viết Thông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình kêu gọi ngư dân triển khai mô hình “Thu gom rác thải trên tàu”, hạn chế lượng rác thải ra biển. Mô hình “Thu gom rác thải trên tàu” đã lan tỏa đến các ngư dân, bà con ký cam kết chung tay bảo vệ môi trường biển và hệ sinh thái biển.

“Khi nào ngư dân thành thói quen thì khi đó mới yên tâm. Ngay bây giờ và lâu dài, phải thường xuyên nhắc nhở đến khi ngư dân có ý thức về thu gom rác thải nhựa để góp phần nào đó trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản”, ông Thông nói.

Tại tỉnh Phú Yên, dự án thí điểm “Thu gom rác thải bằng tàu cá” được triển khai đầu năm 2020 nằm trong dự án lớn “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do Liên minh châu Âu và Chính phủ Đức tài trợ.

Từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, 37 tàu đánh cá đã tham gia thu gom và mang hơn 6 tấn rác thải về cảng Dân Phước, thị xã Sông Cầu. Thế nhưng, khi dự án này kết thúc, việc thu gom rác thải trên biển cũng không còn triển khai do thiếu nguồn kinh phí thực hiện.

Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên cho biết, ngành đã tham mưu UBND tỉnh Phú Yên ban hành kế hoạch hành động về quản lý và kiểm soát chất thải nhựa đại dương, tiếp tục thay đổi từ nhận thức đến hành động và cách ứng xử đối với sản phẩm nhựa.

“Chúng tôi đưa ra các chỉ tiêu rất cụ thể như trong ngành nông nghiệp chỉ tiêu đến năm 2025 giảm 50% sản phẩm ngư lưới cụ phát sinh ra môi trường. Hoặc là hạn chế sử dụng chất thải nhựa một lần đặc biệt vật liệu nhựa không cần thiết tại các khu dân cư, điểm du lịch. Xây dựng các chương trình quan trắc môi trường định kỳ để đánh giá, xác minh nguồn rác thải nhựa, từ đó đưa ra các biện pháp, giải pháp xử lý tại nguồn”, ông Hòa cho biết.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định thừa nhận, mọi biện pháp mới dừng ở việc khuyến cáo, vận động ngư dân mang rác thải thải về bờ nhưng rất khó để thay đổi thói quen của người dân:

“Hiện nay về mặt tính pháp lý đã có rồi. Nhưng để triển khai thực thi rất khó đối với ngư dân. Thời gian sắp đến qua các chương trình, dự án các khuyến cáo của cơ quan chức năng làm thế nào để người dân tạo thành tập quán, thói quen để không đưa rác thải nhựa từ tàu cá xuống đại dương", ông Phúc cho hay.

Hiện nay, việc thu gom rác thải mỗi nơi mỗi kiểu, chưa có giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, giải quyết vấn đề rác thải nhựa cần tập trung vào 3 nhóm chính. Trước hết là làm sao giảm sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhựa và sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Thứ hai là giảm thiểu bằng cách thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý được rác thải nhựa, tập trung xử lý rác thải nhựa trôi nổi trong môi trường trên sông, biển và đại dương. Thứ ba là thúc đẩy nghiên cứu sản xuất và sử dụng sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng 1 lần.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài, để bảo vệ môi trường biển rất cần sự chung tay của toàn xã hội. “Cần tăng cường trách nhiệm của địa phương, trách nhiệm của từng cá nhân, quản lý những vùng nước. Quan trọng là cách thức chúng ta tổ chức thu gom, có thể mô hình nhiều sáng kiến. Mô hình ở địa phương đã tổ chức việc thu gom thông qua các thuyền, cách thức để mà thu gom phù hợp với điều kiện của địa phương với đặc thù môi trường nơi có rác thải nhựa để thu gom hiệu quả và thuận lợi”.

Có nhiều nguyên nhân làm cho biển Việt Nam đứng trước nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó, nguồn gây ô nhiễm chính là nguồn thải trên đất liền và nguồn thải trên biển như hoạt động vận tải trên biển, đánh bắt hải sản, sự cố thiên nhiên, chất thải trôi nổi trên biển và các hoạt động khác…

Cùng với đó là các quy định pháp lý, công tác giám sát thực thi các quy định về bảo vệ môi trường hiện nay còn nhiều bất cập; sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương trong ứng phó với sự cố môi trường biển thiếu chặt chẽ; ý thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường biển của người dân còn nhiều hạn chế…

Phong trào chống rác thải nhựa được Thủ tướng Chính phủ kêu gọi, vận động và triển khai trong nhiều năm nay. Các ngành, địa phương cần tập trung nguồn lực để hiện thực hóa chủ trương này; nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung và xây dựng các chính sách, cơ chế quản lý phù hợp với Luật Bảo vệ Môi trường.

Đồng hành với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang quyết tâm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, những vấn nạn về rác thải nhựa đối với môi trường hiện nay không phải lỗi của các sản phẩm nhựa. Lỗi thuộc về cách thức chúng ta sử dụng, thải bỏ sản phẩm nhựa không đúng cách. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc quản lý một cách khoa học, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa…

Thực hiện tốt những giải pháp vừa nêu mới hy vọng trả lại sự trong lành cho môi trường biển và đại dương./.