Gia đình anh Lý Long, ở xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang có một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, hai vợ chồng anh Long không nghề nghiệp, hai đứa con còn nhỏ, trong khi vợ anh mắc phải căn bệnh tâm thần. Anh Long tâm sự: “Nhà nghèo, suốt ngày tôi đi làm thuê, làm mướn để lo cuộc sống và lo cho con đi học nên không để ý những biểu hiện bệnh ban đầu của vợ. Đến sau này, khi vợ bệnh nhiều gia đình mới hay đưa đi điều trị, nhưng bệnh tình không thuyên giảm”.
Thấy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, Hội Chữ thập đỏ xã đã làm đề nghị gửi Hội Chữ thập đỏ tỉnh xem xét thực hiện chương trình “Cảm thông và chia sẻ” để giúp đỡ gia đình. Với số tiền được hỗ trợ thông qua chương trình trên 143 triệu đồng, anh Long đã có tiền để xây dựng lại căn nhà, có điều kiện điều trị bệnh cho vợ, ngoài ra còn gửi tiết kiệm 66 triệu đồng. “Gia đình tôi mang ơn mọi người nhiều lắm, nếu không có sự giúp đỡ của các cô, các chú trong hội chữ thập đỏ biết bao giờ vợ tôi mới có điều kiện chữa bệnh, rồi con tôi được tiếp tục đến trường”, anh Long bộc bạch.
Được phối hợp thực hiện từ năm 2012 đến nay, chương trình “Cảm thông và chia sẻ” được ví như chiếc phao góp phần tái sinh nhiều mảnh đời yếu thế. Thông qua chương trình, nhiều người được chữa bệnh, nhiều học sinh nghèo được tiếp sức đến trường. Từ đó, nhiều gia đình có cuộc sống ổn định.
Theo ông Đỗ Văn Điều, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Vị Thủy, với vai trò là tổ chức xã hội nhân đạo, trong 6 tháng của năm 2022 hội chữ thập đỏ các cấp trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo. Từ đó, giúp nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Từ đó trở đi, mỗi khi có ai gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn cần trợ giúp chúng tôi lại chung tay bàn cách giúp đỡ họ, ngày qua ngày người dân có cuộc sống ấm no, tình làng nghĩa xóm cùng vì thế mà trở nên bền chặt gắn kết hơn.
Còn tại huyện Phụng Hiệp, từ đầu năm đến nay, các cấp hội trên địa bàn huyện đã vận động trên 26 tỉ đồng để tương trợ, cứu trợ, chăm lo cho những người dễ bị tổn thương, neo đơn, nghèo khó... Trong đó, nổi bật đã vận động xây dựng 28 căn nhà tình thương, góp phần giúp hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn an cư lạc nghiệp. Không dấu nổi niềm vui khi có rất nhiều người khó khăn được trợ giúp, Ông Nguyễn Nhật Hoàng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Các hoạt động trợ giúp nhân đạo rất có ý nghĩa và cần thiết. Quan trọng hơn, thông qua sự hỗ trợ, giúp đỡ, người dân thấy được cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm chăm lo đến cuộc sống của mình. Từ đó, tiếp tục phấn đấu vươn lên để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Một điểm nhấn trong công tác hội chữ thập đỏ các cấp Hội của tỉnh Hậu Giang là thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Cuộc vận động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân cùng chăm lo cho người nghèo, những người yếu thế. Ông Nguyễn Chí Nghề, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh hậu Giang, cho biết: “Với tinh thần lá lành đùm lá rách, chúng tôi tích cực vận động các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhà hảo tâm cùng chăm lo, hỗ trợ hộ nghèo, nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam, người già neo đơn, trẻ mồ côi... Bên cạnh hỗ trợ tiền, các nhu yếu phẩm, các cấp hội còn vận động trao tặng nhà tình thương, hỗ trợ sinh kế nhằm giúp người dân có điều kiện vươn lên, cải thiện cuộc sống”. Với tinh thần tương thân, tương ái và trách nhiệm với cộng đồng, hoạt động của hội chữ thập đỏ trong tỉnh ngày một bền vững, huy động được sức mạnh nhân đạo của các cấp, các ngành, đoàn thể và thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Với cái tâm của cán bộ, hội viên chữ thập đỏ thì mỗi việc làm, mỗi hoạt động đều sẽ hướng về những hoàn cảnh khó khăn và cứ như thế sẽ chẳng còn có ai phải đi đến bước đường cùng, cuộc đời sẽ lại tốt đẹp nếu chúng ta biết giúp đỡ lẫn nhau.