Những bữa ăn 0 đồng từ đại dịch COVID-19
Trong thời điểm đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm, đặc biệt trong làn sóng dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam điễn ra vô cùng khốc liệt với biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm. Đây là biến chủng đã làm đảo ngược các thành quả phòng chống dịch trên thế giới và làm thay đổi mọi thứ trong công tác phòng chống dịch ở Việt Nam...
Tại Thanh Hóa, dịch cũng đã tấn công vào các bệnh viện, khu vực có mật độ dân cư cao làm số ca nhiễm tăng rất nhanh trong thời gian ngắn, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế trong bối cảnh năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở còn nhiều hạn chế, nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng cơ sở còn nhiều khó khăn.
Đứng trước tình hình đó UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu tất cả các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương thực hiện phương châm ''khóa chặt nguy cơ bên trong, chặn đứng sự xâm nhập từ bên ngoài'', đồng thời thành lập 18 chốt liên ngành trên địa bàn toàn tỉnh.
Nhận thấy được sự khó khăn vất vả của các lực lượng liên ngành nơi tuyến đầu chống dịch, cũng như đội ngũ y, bác sĩ tại các bệnh viện tuyến đầu của tỉnh lúc bấy giờ thiếu thốn đủ thứ từ trang thiết bị dụng cụ y tế, khẩu trang, nước khử khuẩn, nhu yếu phẩm... đến bữa ăn không no (trong khi dịch bùng không có bất cứ hoạt động kinh doanh buôn bán, do vậy việc có nguồn cung cấp thực phẩm là cả một vấn đề), văn phòng đại diện khu vực Bắc miền Trung Tạp chí Nhân đạo đóng trên địa bàn Thanh Hóa đã có mặt kịp thời đúng lúc đặc biệt những điểm bị phong tỏa, với phương châm: ở đâu có phong tỏa ở đó có phóng viên của Tạp chí Nhân đạo văn phòng Bắc miền Trung, không quản ngại khó khăn nguy hiểm, được sự tin yêu của các MTQ, từ miền núi xa xôi như huyện Mường Lát đến đồng bằng ven biển như Nga Sơn, Bỉm Sơn... mang những mặt hàng nhu yếu phẩm thiết thực đến với bà con vùng bị phong tỏa... cũng như phối hợp với câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện bếp ăn Phúc Lâm ngay lập tức kêu gọi các mạnh thường quân đang sinh sống trên địa bàn thành phố Thanh Hóa thành lập bếp ăn 0 đồng với điều kiện: thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng nhằm bảo vệ tối đa cho sức khỏe của mọi người.
Trong suốt mùa dịch bếp đã duy trì 3 bữa trên ngày cho tất cả các chốt liên ngành trong bán kính khoảng 50km quanh thành phố và các bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cùng đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế nhằm chia sẻ động viên cùng với các chiến sĩ nơi tuyến đầu. Cũng từ đó những bữa cơm "0 đồng” được duy trì đều đặn vào trưa thứ tư hàng tuần, với hơn 200 suất cơm miễn phí trao tặng cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Để duy trì hoạt động đều đặn và dài hơi của bếp ăn "0 đồng”, văn phòng Tạp chí Nhân đạo khu vực BMT, CLB thiện nguyện Phúc Lâm đã nhận được sự hỗ trợ đồng hành của các MTQ và anh chị em trong nhóm, người ủng hộ gạo, người ủng hộ rau củ quả… Có người mang từng chai dầu ăn nhỏ, gói muối, mì chính, người thì góp công tham gia các công đoạn từ lựa chọn thực phẩm đến sơ chế, nấu nướng, vận chuyển và cấp phát tận tay người bệnh.
Tất cả các suất ăn được thành viên CLB trân trọng và dồn hết tâm huyết để chuẩn bị, nên dù bận, vất vả, nhưng vẫn thấy vui vì làm được một việc có ý nghĩa cho bệnh nhân nghèo, giúp họ vơi đi phần nào nỗi lo về kinh tế, yên tâm điều trị bệnh.
Cầm suất cơm trên tay, bệnh nhân Phạm Văn Dần (xã Thành Yên, huyện Thạch Thành) xúc động: “Ở quê, vợ chồng bám vào ruộng lúa, nương ngô nên điều kiện kinh tế rất khó khăn, tôi bị suy thận đang điều trị tại Khoa Nội thận - Tiết niệu. Bao nhiêu tiền bạc đều dồn vào chi phí chữa bệnh nên khi nhận phiếu ăn miễn phí mà ngon, chất lượng hơn cơm nhà tôi ăn ngon miệng lắm, bữa ăn 0 đồng đã giúp tôi cũng như những bệnh nhân khác tiết kiệm được một khoản tiền để dành mua thuốc men. Tôi cảm ơn các tấm lòng thiện nguyện và bệnh viện đã tổ chức chương trình ý nghĩa này”.
Cùng chung tâm trạng bệnh nhân Mai Thị Hạnh (Thị xã Bỉm Sơn) chia sẻ: “Những suất cơm ở đây rất ngon, các món ăn đa dạng và thay đổi theo tuần, lại còn sạch sẽ, nóng sốt. Các cô tình nguyện viên rất chu đáo, nhiệt tình. Ăn cơm của các cô chú tôi cảm giác như ăn cơm do người thân của mình chuẩn bị nên tinh thần cũng thấy vui hơn, giúp tôi có thêm động lực để cố gắng chiến đấu với bệnh tật”.
Đem ánh sáng và Tết yêu thương đến bà con vùng cao
Theo đó, trong suốt những năm qua (từ 2017 đến nay) cứ mỗi độ xuân về, phóng viên Tạp chí Nhân đạo khu vực BMT lại mang sứ mệnh của một sứ giả lan tỏa yêu thương, chia sẻ tết ấm cùng bà con các dân tộc thiểu số vùng cao các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với suy nghĩ: Tết là phải vui, không được bỏ ai lại phía sau, và mong muốn được góp một phần nhỏ bé đến với người nghèo nơi đây có cái Tết đầy đủ, đầm ấm, động viên họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, phóng viên đã truyền tải những hình ảnh chân thực về cuộc sống của bà con nơi đây đến với các MTQ, từ những bản làng ba không (không điện, không Internet, không trạm y tế) đến cái ăn cái mặc cái học con chữ của các em học sinh và cuộc sống bám bản, bám trường của các thày cô giáo tại các điểm trường... từ đó các MTQ đã xem như đó là một hoạt động thường niên.
Năm 2020, tại các bản: Mùa xuân, Xía Nọi (xã Sơn Thủy), bản Xa mang (xã Sơn Điện) huyện Quan Sơn đều chưa được hòa điện lưới quốc gia, cuộc sống sinh hoạt của bà con nơi đây khá khó khăn tất cả đều tự cung tự cấp, phóng viên đã kêu gọi MTQ được hơn 200 bóng điện năng lượng mặt trời, 5 máy phát điện cho 3 điểm trường cùng hàng trăm phần quà có giá trị trong ngày khai giảng năm học...
Và Tết Nguyên đán 2023, trong cái lạnh rét đậm những ngày vừa qua, Công ty Cổ phần Cấp nước Thanh Hóa đã đồng hành cùng phóng viên Tạp chí Nhân đạo văn phòng BMT trao tận tay cho hơn 50 hộ nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa khi được đón nhận những phần quà có giá trị không lớn nhưng cũng cảm thấy ấm lòng của bà con nơi đây. Chị Vi Thị Dung (bản Come) chia sẻ: thay mặt bà con trong bản biết ơn nhà báo và các MTQ đã luôn quan tâm và nhớ đến bà con, nhất là bốn mẹ con cháu vui lắm à, tết này nhà nào cũng có cái bánh, có cái chai nước mắm, cân đường, dầu ăn, gạo... đầy đủ cả không phải lo rồi.
Còn 23 cô giáo tại điểm trường mầm non xã Phú Sơn khi nhận được những phần quà có giá trị như: màn hình tivi 43 inch, 01 bếp ga công nghiệp, 30 chăn lông cừu cùng 23 bộ áo dài đồng phục cho các cô từ phía phóng viên chia sẻ: vậy là từ nay cô trò sẽ được tiếp cận với thế giới bên ngoài, được đi ''du lịch qua màn ảnh nhỏ''... các cô trò vui và hạnh phúc lắm chị ạ.
Ông Ngô Sỹ Tâm, huyện ủy viên, Bí thư đảng ủy xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa không giấu được niềm vui chung: Trung Sơn là một xã có vị trí địa lý khá phức tạp, xa nhất huyện Quan Hóa, mùa mưa hay bị sạt lở, lũ quét, do vậy cuộc sống của bà con vô cùng khó khăn, đa phần tự cung tự cấp, số ít đi làm ăn xa, toàn xã có 6 bản, có 787 hộ hơn 3000 nghìn khẩu với 4 dân tộc chủ yếu dân tộc Thái, còn lại là Mường, Thổ và số ít người Kinh. Nay được đoàn quan tâm dành tình cảm cũng như động viên, chia sẻ cùng bà con, nhìn bà con nhận quà ai ai cũng hồ hởi tôi cũng thấy ấm lòng.
Mùa xuân mới lại về, mùa xuân sẽ ấm áp hơn, trọn vẹn hơn khi: những mảnh dời bất hạnh, những con người yếu thế, những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hay hộ nghèo... luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội, tạo niềm tin, động lực vươn lên trong cuộc sống, cùng vui xuân đón một cái tết an lành, hạnh phúc sum vầy./.