Thanh Hóa: Đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu

Đặng Thu Hằng
Lễ hội đền Bà Triệu (nơi thờ tự vị nữ anh hùng dân tộc Việt tên là Triệu Thị Trinh, người đã có công đánh đuổi quân xâm lược Đông Ngô vào giữa thế kỷ thứ 3) đền nằm trên núi Gai, thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc đã được đón nhận danh hiệu di sản phi vật thể quốc gia.

Sáng 11/3/2023 (tức ngày 20/2 âm lịch Quý mão), tại Khu di tích đền Bà Triệu (ở xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã diễn ra trọng thể lễ kỷ niệm 1.775 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (ngày 22/2/248, Mậu Thìn - 22-2/2023, Quý Mão) và lễ đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội đền Bà Triệu.Theo sử sách, Bà Triệu sinh năm 226, được nhân dân gọi bằng nhiều tên khác nhau như: Triệu Ấu, Triệu Thị Trinh, Triệu Trinh Nương, Lệ Hải Bà VươngBà mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ở với anh là Triệu Quốc Đạt, một hào trưởng ở Quan Yên. Năm 20 tuổi, Triệu Thị Trinh cùng anh trai chiêu mộ tráng sĩ dấy binh khởi nghĩa. Sức mạnh của nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, khiến quân giặc khiếp sợ. Sau khi anh trai Triệu Quốc Đạt lâm bệnh qua đời, Triệu Thị Trinh được tôn làm chủ tướng.

z4174561525607-ddc3a0faf462e93ff414ed9d4e730d9a-1678673540.jpg
Thanh Hoá tổ chức lễ kỷ niệm 1.775 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh.

Thấy vậy, giặc Ngô cử 8.000 quân hùng mạnh cùng nhiều viên tướng giàu kinh nghiệm trận mạc sang đàn áp nghĩa quân. Do lực lượng quá chênh lệch, nghĩa quân của nữ tướng Triệu Thị Trinh thất bại nhưng đã tạo nên mốc son sáng chói trong lịch sử, thể hiện tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường với câu nói bất hủ: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta", Bà tuẫn tiết tại núi Tùng (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn (248). Để tưởng nhớ công lao của bà, nhân dân địa phương đã lập đền thờ bà trên núi Gai.

Tại buổi lễ, ông Nông Quốc Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản, thay mặt lãnh đạo Bộ VH-TT-DL đã trao chứng nhận danh hiệu di sản phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu cho đại diện tỉnh Thanh Hóa.

z4174561509818-4677303fbe03da8a727bb5333525c559-1678673540.jpg
Lễ hội đền Bà Triệu đón nhận di sản văn hóa phi vật thể. 

Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra nhiều nghi lễ, hoạt động văn hóa đặc sắc gồm: Lễ trình cáo, tế lễ, lễ yên vị và dâng hương tại đền Bà Triệu, lăng mộ Bà Triệu trên núi Tùng, lăng mộ ba ông tướng họ Lý dưới chân núi Tùng, đền Đệ Tứ, miếu Bàn thề, đình làng Phú Điền (xã Triệu Lộc, Hậu Lộc); rước kiệu Bà, trình tấu Chúc văn trên đền Bà; các tiết mục nghệ thuật tái hiện cuộc khởi nghĩa Bà Triệu.

Trước đó, vào năm 1979, đền thờ và lăng mộ Bà Triệu (xã Triệu Lộc) được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2014, di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu được Thủ tướng quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.

Tại buổi lễ, trong phần hội có nghi thức rước kiệu thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Trong nghi thức này, ban tổ chức sẽ huy động hàng trăm trai tráng, đàn ông, phụ nữ có sức khỏe tốt để tiến hành rước 5 chiếc kiệu gồm: Kiệu Bà Triệu, kiệu Song Loan, kiệu Long Đình, kiệu Hương Án và kiệu Võng. Đáng chú ý, những người tham gia nghi thức rước kiệu được lựa chọn rất kỹ càng, theo phong tục thì những người tham gia nghi lễ rước kiệu phải có chế độ ăn uống tốt để đảm bảo sức khỏe, lối sống văn hóa lành mạnh, kiêng kị những gia đình đang chịu tang.

z4174561502461-3e57f3c1b49ac67976813b98927aa582-1678673540.jpg
Phần nghi thức rước kiệu thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.

Theo Ban Tổ chức cho biết: đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá về vẻ đẹp vùng đất con người xứ Thanh cũng như tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế du lịch đến với du khách bạn bè trong và ngoài nước. Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Lễ hội đền Bà Triệu năm 2023 diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 11 đến ngày 13/3).

Thanh Huyền