Thái Lan dự kiến đánh thuế carbon từ năm 2023

Đặng Thu Hằng
Thái Lan đang nghiên cứu các phương pháp đánh thuế Carbon để sớm đạt được mức trung hoà khí carbon và không phát thải ròng.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết Chính phủ Thái Lan đang nỗ lực đẩy nhanh các biện pháp cần thiết nhằm đạt được mục tiêu môi trường mà nước này đã đề ra, cụ thể sẽ đạt mức trung hòa khí carbon vào năm 2050 và không phát thải ròng vào năm 2065. Để đạt được mục tiêu này, Thái Lan sẽ đưa ra các chính sách để đưa hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp và dịch vụ theo hướng thân thiện với môi trường và phát triển bền vững hơn.

Ông Anucha cũng cho biết Bộ Tài chính Thái Lan đang nghiên cứu các hướng dẫn về thuế carbon đối với các loại hàng hóa và dịch vụ có phát thải khí nhà kính, hoặc tạo lượng khí carbon dioxide cao. Dự kiến, Bộ này sẽ hoàn thành việc khảo sát và đưa ra hướng dẫn cụ thể cũng như mức thu thuế vào năm tới.

pollution-power-plant-520-1663521375.jpeg
Thái Lan sẽ đánh thuế carbon từ năm 2023. (Ảnh minh hoạ)

Theo đó, Cục Thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc Bộ Tài chính Thái Lan được giao nhiệm vụ nghiên cứu đưa ra hướng dẫn thu thuế khí carbon một cách rõ ràng, phù hợp với thông lệ quốc tế ngay từ ban đầu. Cục cũng khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sử dụng nhiên liệu Ethanol nhằm đạt mục tiêu trung hòa khí carbon và giảm mức phát thải khí carbon dioxide ngay trong quá trình sản xuất cũng như tăng cường sử dụng nguyên liệu thô có nguồn gốc từ nông nghiệp.

Tờ Bangkok Post viết, Cục trưởng Cục Thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Ekniti Nitithanprapas nhấn mạnh, Thái Lan chắc chắn sẽ áp dụng thuế carbon để phù hợp với xu hướng chung của toàn cầu. Cục Thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc Bộ Tài chính Thái Lan được giao nhiệm vụ nghiên cứu và đưa ra hướng dẫn thu thuế khí carbon một cách rõ ràng, phù hợp với thông lệ quốc tế. 2 phương án thu thuế được đưa ra là thu trên hàng hóa hoặc thu thuế quá trình sản xuất tại các nhà máy.

Đối với phương án thứ nhất, thuế sẽ thay đổi tùy theo lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất hàng hóa.

Đối với phương án thứ hai, Cục Thuế sẽ thu thuế carbon trong chu trình sản xuất từ giai đoạn bắt đầu cho đến khi kết thúc, nhưng sẽ phải tham khảo ý kiến của Tổ chức Quản lý khí thải gây hiệu ứng nhà kính Thái Lan về phương thức thu và mức thuế.

s-5824858-1663521189.jpeg
Ông Ekniti Nitithanprapas - Cục trưởng Cục Thuế tiêu thụ đặc biệt Thái Lan.  (Ảnh: BangKok Post)

Ông Ekniti cũng thông tin thêm rằng, nếu áp dụng thuế carbon, nước này có thể thương lượng với các thị trường xuất khẩu chính của mình để miễn thuế đối với các sản phẩm mà Thái Lan sản xuất.

Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), Thái Lan cam kết sẽ nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng mọi biện pháp có thể, nhằm đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050 và giảm phát thải khí nhà kính về mức 0 trước năm 2065.

Thuế Carbon là một loại thuế đánh vào hàm lượng carbon của nhiên liệu (ngành vận tải, năng lương) và tương tự như kinh doanh khí thải carbon - một hình thức định giá carbon. Mục đích chính của loại thuế này là giảm lượng khí thải carbon ra môi trường bằng các tăng giá các nhiên liệu carbon. Đồng thời khuyến khích các ngành sản xuất và dịch vụ ít sử dụng nhiên liệu carbon hơn.

Tính đến năm 2018, ít nhất 27 quốc gia và địa phương đã thực hiện thuế carbon. Nghiên cứu cho thấy: Thuế carbon có hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính (GHG). Còn các nhà kinh tế cho rằng: Thuế carbon là giải pháp hiệu nghiệm, hiệu quả nhất để kiềm chế biến đổi khí hậu, với những tác động ít ảnh hưởng nhất đến nền kinh tế.

Thu Hằng