Theo hãng tin Sputnik, là thành viên tích cực của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đã và đang tiên phong triển khai nhiều chương trình hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trong bối cảnh khu vực này nổi lên như một điểm nóng về ô nhiễm nhựa do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, cơ sở hạ tầng xử lý chất thải không đáp ứng kịp.
Cuộc khủng hoảng ô nhiễm rác thải nhựa đang đặt ra những yêu cầu cấp bách về những giải pháp xử lý bền vững. Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn tiên phong triển khai nhiều chương trình hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải loại này. Ngoài việc chuyển đổi hình thức sử dụng nhựa, nhiều sáng chế theo mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tìm cách thiết kế những sản phẩm không tạo ra chất thải hoặc có thể được tái sử dụng và tái chế đã được Việt Nam áp dụng.
Mới đây, trong chương trình Thử thách tái chế rác thải nhựa Đông Nam Á do Mạng lưới Vườn ươm Doanh nghiệp, kết hợp cùng Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Liên minh xử lý chất thải nhựa tổ chức, ngoài 3 nước trong khối ASEAN (Indonesia, Philippines, Thái Lan), với sáng kiến bền vững Plastic People, công ty Plastic People (Việt Nam) đã trở thành 1 trong 5 đơn vị đổi mới xuất sắc nhất được lựa chọn từ thử thách này.
Sáng kiến Plastic People đưa ra đã giải quyết được bài toán thu gom và xử lý rác thải nhựa bền vững. Qua đó, tạo dựng niềm tin cho mọi người, nâng cao nhận thức, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người thu gom nhựa và những đối tác cảm thấy nhựa là vật liệu tiềm năng. Tương tự như các nước ASEAN, bên cạnh những sáng kiến, giải pháp đổi mới tập trung sáng chế và thu gom nhựa, Việt Nam còn triển khai nhiều chương trình hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa. Trong đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với việc bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon.
Trong Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030. Một số biện pháp đã được đưa ra như lệnh cấm sẽ được áp dụng đối với việc sản xuất và nhập khẩu túi nilon sử dụng trong nước vào năm 2026 và hầu hết các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2031.
Tuy nhiên, để các nỗ lực hạn chế rác thải nhựa hiệu quả hơn, chắc chắn ASEAN cần có chiến lược chung xuyên quốc gia về rác thải nhựa với các mô hình kinh doanh sáng tạo hơn, cơ chế chính sách rõ ràng hơn để thực thi kinh tế tuần hoàn với khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ hơn, từ đó giảm thiểu rác thải nhựa một cách bền vững.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (EEF), ước tính, trung bình mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 400 triệu tấn chất thải nhựa và có từ 75-199 triệu tấn nhựa đang ở các đại dương. Nếu không hành động để giải quyết thực trạng trên, số rác thải nhiễm vào đại dương có thể sẽ tăng gấp 3, thậm chí nhiều hơn nữa trong vòng 2 thập niên tới.
Một nghiên cứu năm 2021 do EEF công bố cho thấy, trong số 10 quốc gia có vấn đề về ô nhiễm chất thải nhựa, có đến 5 quốc gia tại khu vực ASEAN. Đây cũng là những quốc gia đang bùng nổ nhu cầu về sản phẩm tiêu dùng nhưng thiếu cơ sở hạ tầng để xử lý rác thải, nhất là sự gia tăng của các loại túi nhựa.