Đất thiêng, đất lên hương
Núi Yên Tử thuộc cánh cung Đông Triều, "ôm" gọn vùng Đông Bắc, sườn Đông thuộc tỉnh Quảng Ninh, sườn Tây gồm các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động (Bắc Giang). Từ trước đến nay, mọi người chủ yếu biết đến phía Đông, còn phía Tây Yên Tử với vị thế là vùng địa – văn hóa thì mới được đánh thức, khám phá, tìm đến trong khoảng mười năm gần đây, đặc biệt từ khi hoàn thành tỉnh lộ 293 từ TP Bắc Giang đến Đồng Thông (Sơn Động).
Tỉnh lộ 293 xứng danh là “con đường tâm linh” bởi kết nối nhiều đền, chùa, di tích lịch sử văn hóa trong quá khứ và hiện tại. Khởi đầu là chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), cách TP Bắc Giang gần 20km. Chùa Vĩnh Nghiêm là điểm nối của ba trung tâm Phật giáo Thăng Long – Vĩnh Nghiêm - Yên Tử, theo hai ngã rẽ: Vĩnh Nghiêm – Đông Yên Tử và Vĩnh Nghiêm - Tây Yên Tử. Tại ngôi chùa này, đệ nhất tổ Trần Nhân Tông cùng đệ nhị tổ Pháp Loa và đệ tam tổ Huyền Quang đều từng đến thụ giới, giảng kinh, hoằng dương Phật pháp.
Đoạn giữa “con đường tâm linh” là quần thể di tích đền Suối Mỡ, thờ công chúa Quế Mỵ Nương, sau tích hợp với tín ngưỡng thờ mẫu và hiển linh thành Mẫu Thượng Ngàn.
Và chặng cuối là cụm chùa Trình, chùa Hạ, chùa Thượng – Kim Quy thuộc xã Tuấn Mậu (Sơn Động). Từ chùa Trình đã thấy thấp thoáng chùa Đồng – Yên Tử trong mây. Từ mồng 2 Tết Kỷ Hợi 2019, tuyến cáp treo Tây Yên Tử chính thức đưa vào hoạt động. Như vậy từ chùa Hạ lên chùa Thượng đi cáp treo chỉ mất 7 phút và bộ hành khoảng gần 1km là đến chùa Đồng.
Con đường 293 còn kết nối với nhiều điểm đến văn hóa tâm linh của vùng đất cổ Lục Ngạn như đền thờ Trần Hưng Đạo, đền thờ Thân Cảnh Phúc, chùa Am Vãi… và nhiều thắng cảnh đẹp như núi cỏ Đồng Cao, rừng nguyên sinh Khe Rỗ, hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn, suối Nước Vàng, thác Ba Tia…
Vùng đất linh thiêng xưa và bây giờ là vùng “đất lên hương” với nhiều loại hình kinh tế đang phát triển mạnh mẽ. Nếu như Yên Dũng đang khai thác lợi thế để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch thì Lục Ngạn, Lục Nam đã trở thành vùng trọng điểm cây ăn quả của tỉnh, còn Sơn Động thì phát triển kinh tế rừng và chăn nuôi gia súc.
Có thể thấy, “con đường tâm linh” đã đánh thức cả vùng đất linh thiêng rộng lớn, kích hoạt các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; kết nối miền núi với miền xuôi, đô thị; thúc đẩy du lịch của Bắc Giang phát triển để hòa quyện vào du lịch vùng Yên Tử.
Giải pháp kết nối du lịch vùng
Không gian Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm xưa trải rộng ra hai bên sườn Đông và Tây núi Yên Tử. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Anh Dương, sở dĩ lâu nay nhiều người chỉ biết tới Yên Tử của Quảng Ninh là nơi khai sinh ra Thiền phái Trúc Lâm của Phật hoàng Trần Nhân Tông bởi vì Quảng Ninh và cả Hải Dương, do điều kiện kinh tế và giao thông tốt hơn Bắc Giang, đã sớm có ý thức bảo tồn phát huy giá trị văn hóa lịch sử nên sớm khai thác di tích Yên Tử và rất thành công.
Từ kinh nghiệm của Quảng Ninh và Hải Dương khai thác rất tốt các di tích thắng cảnh Yên Tử gắn với tên tuổi của Phật hoàng Trần Nhân Tông, do vậy Bắc Giang cũng đang đầu tư mạnh cho khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử. Cùng với xây dựng “con đường tâm linh”, hàng loạt các điểm di tích, đền, chùa được khôi phục lại. Trong đó điểm nhấn là Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử rộng 13,8 ha đã được đầu tư hơn 300 tỷ đồng.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương, tỉnh Bắc Giang hướng tới việc xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh là phục dựng con đường bộ hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông lên non thiêng Yên Tử xuất phát từ chốn tổ Phật giáo là chùa Vĩnh Nghiêm để phục vụ Phật tử và du khách. Con đường bộ hành này sẽ đi theo sườn Tây Yên Tử với những cánh rừng cổ thụ bạt ngàn còn được bảo tồn nguyên vẹn và các ngôi chùa được phục dựng suốt chặng hành trình.
Để kết nối được với du lịch của Quảng Ninh và Hải Dương là các địa phương đang phát triển du lịch rất mạnh, góp phần phát triển du lịch của tỉnh và của cả vùng Yên Tử, tỉnh Bắc Giang đề ra nhiều giải pháp được thể hiện trong Nghị quyết số 44-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020 và được cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh, các ngành, địa phương trong tỉnh.
Theo đó, tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Năm 2018, lần đầu tiên tỉnh tổ chức hội nghị thu hút đầu tư phát triển du lịch đã thu hút số vốn đăng ký hơn 35 nghìn tỷ đồng. Tỉnh đã tập trung xây dựng ba sản phẩm du lịch, đó là: Văn hóa - tâm linh; lịch sử - văn hóa; sinh thái - nghỉ dưỡng, đây được coi là “chìa khóa” quan trọng nhằm đưa ngành du lịch của tỉnh bứt phá.
Việc tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử” 2019 chính là hoạt động mở đầu cho việc quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch văn hóa – tâm linh; lịch sử - văn hóa. Đến nay, công tác chuẩn bị cho sự kiện này đã sẵn sàng. Chuỗi các hoạt động trong Lễ hội như: Lễ rước tượng Phật; Khai mạc triển lãm trưng bày giới thiệu không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Tây Yên Tử; Khai mạc Hội trại văn hóa du lịch; Cuộc thi ảnh 7 ngày khám phá Tây Yên Tử; Hội hát Soonghao; Liên hoan hát Văn; Giải việt dã leo núi chinh phục đỉnh Non Vua; Ngày thơ Việt Nam và nhiều nội dung hấp dẫn khác. Qua đây khẳng định vị thế du lịch Bắc Giang là điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, mến khách, đóng góp vào sự phát triển chung của du lịch vùng Yên Tử.