Tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng để Cảnh sát biển Việt Nam nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế

Nguyễn Hồng Hạnh
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, một mặt Cảnh sát biển Việt Nam cần phải tăng cường hợp tác quốc tế với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của quốc gia khác trong đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm trên biển; hợp tác thực hiện quyền truy đuổi; tiến hành tuần tra chung; diễn tập an ninh hàng hải; chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền; mặt khác, cần mở rộng hợp tác quốc tế với những quốc gia có lực lượng thực thi pháp luật trên biển mạnh; có kinh nghiệm tổ chức, xây dựng lực lượng; có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Qua đó, nâng cao được năng lực thực thi pháp luật trên biển, đồng thời tranh thủ được sự hỗ trợ, ủng hộ về trang bị, phương tiện, đào tạo.
image003-1663905297.png
Cảnh sát biển Việt Nam tham gia Hội nghị Những người đứng đầu Cảnh sát biển các nước châu Á lần thứ 17

Hiện nay, đa số các quốc gia lớn trên thế giới như (Mỹ, Nhật, Thụy Điển, Ấn Độ…) đều quy định về lực lượng Cảnh sát biển - lực lượng thực thi pháp luật trên biển của quốc gia mình bằng văn bản luật. Trong khi đó, Cảnh sát biển Việt Nam đang hoạt động trên cơ sở pháp lý của Pháp lệnh, là văn bản dưới luật, chưa đảm bảo tính tương đồng với thực tiễn lập pháp các nước trên thế giới.
Nhiệm vụ hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam tại Pháp lệnh đang là các quy định mang tính viện dẫn, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động hợp tác quốc tế của lực lượng. Việc luật hóa hoạt động hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam bằng Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 đã bổ sung quy định cụ thể, sát thực tiễn sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi để Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc gia ven biển; xây dựng được các mối quan hệ hợp tác hiệu quả với các lực lượng trên biển của quốc gia khác; nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, bảo vệ vùng biển, đồng thời thiết thực hỗ trợ các hoạt động ngoại giao của Nhà nước trong giải quyết những vấn đề quốc tế liên quan đến chủ quyền, an ninh biển, đảo.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định về hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam tại một mục riêng, gồm 03 điều (Điều 19, 20, 21) về nguyên tắc, nội dung và hình thức hợp tác quốc tế tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi để Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc gia ven biển theo quy định của các Điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, bảo đảm tính thống nhất với Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Pháp lệnh về ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế năm 2009; xây dựng được các mối quan hệ hợp tác hiệu quả với các lực lượng trên biển của quốc gia khác; nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, bảo vệ vùng biển, đồng thời thiết thực hỗ trợ các hoạt động ngoại giao của Nhà nước trong giải quyết những vấn đề quốc tế liên quan đến chủ quyền, an ninh biển, đảo.
Thực hiện tốt các hoạt động hợp tác quốc tế là tiền đề quan trọng bảo đảm cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Trong thời gian tới, tình hình trên Biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, nhất là hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển, tội phạm xuyên quốc gia, ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn trên biển gia tăng. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia; đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển rất nặng nề. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, lực lượng Cảnh sát biển triển khai toàn diện các mặt công tác; trong đó, đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, nhằm đưa công tác quan trọng này ngày càng đi vào nền nếp, chính quy, thiết thực và hiệu quả.

image001-1663905284.jpg
Đoàn công tác JICA chào xã giao Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tại Hà Nội.

Để nâng cao khả năng giải quyết các vấn đề an ninh, môi trường biển. Cảnh sát biển Việt Nam đã chủ động, tích cực phát triển, mở rộng quan hệ với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trên tinh thần hợp tác, phát triển, hội nhập. Đến nay, Cảnh sát biển Việt Nam đã có quan hệ song phương, đa phương với lực lượng thực thi pháp luật của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, như: Campuchia, Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ….
Ngoài ra, Cảnh sát biển Việt Nam còn hoàn thành tốt vai trò là đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham gia Hiệp định liên chính phủ về chia sẻ thông tin chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á; là thành viên của hội nghị Những người đứng đầu lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước châu Á; đại diện cho Việt Nam tham gia Sáng kiến thực thi pháp luật trên vịnh Thái Lan…. Cảnh sát biển đã xây dựng một trung tâm trao đổi thông tin liên lạc, duy trì thường xuyên hoạt động chia sẻ thông tin về tình hình an ninh hàng hải, cướp biển, cướp có vũ trang, tìm kiếm cứu nạn với lực lượng thực thi pháp luật của 20 quốc gia và duy trì đường dây nóng với 7 quốc gia trong khu vực.
Những hoạt động thiết thực này đã góp phần làm phong phú hơn kiến thức và kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, quân đội với bạn bè quốc tế, tạo dựng niềm tin, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về biển, đảo; phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam và các thông lệ, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, là cơ sở pháp lý mới, cao hơn để Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ và đảm bảo tính tương đồng với thực tiễn lập pháp của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Nguyễn Tú