Táo cười, có gì vui?

Tạp Chí Nhân Đạo
TP - Táo quân của VTV đã “sống” hơn một thập kỷ, năm nay “dọa” có kịch bản “khủng”. “Khủng” có kèm theo thú vị hay không còn phải đợi ngày phát sóng. Trong khi chờ đến đêm 30 tết để “sốt” cùng Táo quân, ngay những ngày này khán giả đã có thể rả rích nếm trước “Táo cười” của Nhà hát Tuổi Trẻ.

Báo điện tử Tiền Phong

Tìm về dân gian: 2 ông, 1 bà

Trước khi Táo quân của VTV khuynh đảo, không ít khán giả đã biết đến Táo quân của HTV (Đài TH TPHCM). Táo quân của HTV làm như truyền thuyết gồm 2 ông, 1 bà. Họ lên chầu trời và báo cáo tình hình hạ giới. Táo quân của VTV phá bỏ truyền thuyết. Đó cũng là một sáng tạo.

Nhà biên kịch trẻ Huệ Ninh, tác giả của cuốn tiểu thuyết “Cây nước mắt”, dày 718 trang, đã được chuyển thể thành phim truyền hình dài 35 tập, từng được giải A của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2011, lần đầu tiên trổ tài với kịch bản sân khấu chuyên nghiệp, bằng chương trình hài về Táo.

Kịch bản “Táo cười đón xuân” của chị đã được Công ty nghe nhìn Hà Nội và Nhà hát Tuổi trẻ “đỡ đầu”. NSƯT Chí Trung, người có nhiều năm lăn lộn với Táo quân VTV, đã nói về Táo cười của Huệ Ninh trong buổi diễn đầu tiên: Chúng tôi làm vở này không phải vì tiền, càng không phải vì Táo, bởi chúng tôi đã làm Táo cho VTV 15 năm nay. Mòn lắm rồi. Chúng tôi làm Táo cười đơn giản vì kịch bản tốt.

Táo của VTV thường để các Táo, Táo y tế, Táo giao thông, Táo giáo dục… báo cáo các lĩnh vực cai quản của mình. Huệ Ninh không đi theo cách ấy. Nhà biên kịch sinh năm 1982 quyết định tìm về dân gian, chỉ cần đến một bộ vợ chồng Táo để chuyển tải nội dung: 2 ông, 1 bà.

“Táo cười đón xuân” bắt đầu bằng tình huống nhà Táo bị mất bản báo cáo trước buổi chầu trời nên phải triệu ba thổ thần cai quản 3 vùng Bắc, Trung, Nam lên làm lại. Quá trình góp ý để hoàn thiện lại bản báo cáo xảy ra nhiều chuyện bi hài. Chính các thổ thần trong quá trình góp ý để hoàn thiện báo cáo đã vẽ nên bức tranh đời sống xã hội của đất nước và con người Việt trong suốt năm Bính Thân một cách sinh động, hài hước. Táo cười của Huệ Ninh có thời lượng 90 phút, khán giả gặp lại hai gương mặt chuyên dòng Táo quân: NSUT Chí Trung, NS Vân Dung.

Nói không với hài tục

Là một chương trình hài tết nên “Táo cười” nhất định phải khiến người xem cười. Nhưng Huệ Ninh không dễ dãi gây cười bằng yếu tố tục. Cô nghiêm khắc với chính mình: “Hình thức gây cười của tôi là tình huống hài và ngôn ngữ hài, kết hợp hiệu ứng sân khấu, tài diễn xuất, tài đạo diễn của diễn viên, đồng thời “Táo cười” còn có một thứ mới, đó là hiệu ứng hình của công ty Nghe nhìn Hà Nội xen vào một số đoạn”.

Kịch bản này được nhà biên kịch viết trong một tháng, “chính xác là hai tuần” ở một điều kiện sức khỏe không tốt: “Tôi viết kịch bản trong lúc ốm nghén”. Nhưng cô cam kết: Không vì hoàn cảnh mà sản sinh những “đứa con” thiếu sức sống. Động chạm một số vấn đề về chính trị xã hội, biến những vấn đề đó thành hài hước là thách thức đối với những người viết Táo. Nhưng với Huệ Ninh khó nhất với người sáng tác vẫn là việc xây dựng tình huống: “Với tôi cái khó nhất khi sáng tác kịch bản dù là sân khấu hay điện ảnh đều là ở tình huống. Khi chọn được một tình huống tốt mọi thứ sẽ tự nhiên đến và hoàn thiện”.

Không chỉ nhìn vào những mặt tiêu cực của đời sống xã hội, “Táo cười” ghi nhận cả những mặt tích cực, hướng khán giả tới cái nhìn lạc quan: “Ngay vụ Tổng thống Obama sang mình, đội ngũ mật vụ cũng rỗi việc đấy thôi. Ông ấy vô tư xuống uống chè đá vỉa hè, ăn bún chả đường phố, mà có chuyện gì xảy ra đâu. Trong khi đó, trên thế giới liệu có mấy chỗ như ở đây” (lời của thổ địa Nam).

Không bắt chước Táo quân VTV ghi dấu bằng nhiều bài nhạc chế: Bài ca giáo dục: “Từ sáng sớm đến đêm miệt mài, nhiều bé vẫn loay hoay học bài…”. Bài ca phong bì: “Áo trắng em đến trường, thường làm bệnh nhân giật mình…”.v.v. Huệ Ninh đưa vào Táo cười những đoạn thoại vần vè, vừa vui, vừa trúng vấn đề của xã hội: “Ôi nước thì nhỏ nhưng có thủ đô to/Trong thủ đô to lại có những con phố nhỏ/Bên con phố nhỏ lại có biệt thự to/Sống trong biệt thự to lại có những cô bồ nhỏ”… Đây vốn là sáng tác khuyết danh được lan truyền trên mạng xã hội hiện nay, nhiều khán giả có lẽ đã biết hoặc đã thuộc.

Cũng như kết thúc của mọi màn hài kịch Táo quân rầm rập ra quân vào đêm 30 tết trên các đài truyền hình, trong Táo cười, Ngọc Hoàng cũng chưa tìm ra biện pháp cụ thể để xóa bỏ tiêu cực được nêu, chỉ xuê xoa “chỉ đạo”: “Các khanh ạ, ở đâu chả có vấn đề nọ, vấn đề kia. Bàn tay có ngón dài, ngón ngắn. Ngay trong gia đình cũng còn nhiều khúc mắc huống chi là dải đất bao la này…”. Rồi như nhiều chương trình tết, Táo cười cũng hẹn gặp lại khán giả trong điệu nhạc quen thuộc đến nhàm chán: “Xuân ơi xuân xuân đã về. Có nỗi vui nào vui hơn ngày xuân đến…”.