Tại Đại hội, 26 nội dung tham luận của Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp đối tác được trình bày, thảo luận trong “Diễn đàn Hệ sinh thái nhân đạo” đã tập trung đánh giá các lĩnh vực hoạt động trọng tâm của Hội trong nhiệm kỳ qua và định hướng hoạt động trong thời gian tới. Trong đó vai trò của Đảng bộ, chính quyền đối với công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ được phản ánh rõ nét qua bài tham luận của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác nhân đạo ở thành phố nghĩa tình” do đồng chí Nguyễn Hồ Hải – Phó Bí thư Thành ủy trình bày tại Đại hội.
Trong thời gian qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung lãnh đạo quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác nhân đạo, về vị trí vai trò của Hội Chữ thập đỏ, xác định công tác nhân đạo là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác dân vận của Đảng. Thường xuyên lãnh đạo, củng cố, phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức Hội các cấp đổi mới nội dung, phương thức huy động nguồn lực xã hội thực hiện các hoạt động nhân đạo.
Thành ủy đã chỉ đạo UBND Thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động Hội thông qua một số chủ trương như: thực hiện chế độ tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với Hội Chữ thập đỏ Thành phố; xã hội hóa về xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động nhân đạo; cấp kinh phí ngoài khoán cho Hội, kinh phí hoạt động của Câu lạc bộ máu hiếm… Đặc biệt, trước yêu cầu thực tiễn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kết luận số 162-KL/TU ngày 15 tháng 9 năm 2021 về việc giải quyết các kiến nghị về tổ chức bộ máy, chế độ chính sách của hệ thống Hội Chữ thập đỏ Thành phố. Trên cơ sở đó, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 1660/QĐ-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2022 về việc xác định danh sách hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, biên chế Hội Chữ thập đỏ thành phố Thủ Đức, Hội Chữ thập đỏ các quận, huyện thuộc biên chế sự nghiệp của các đơn vị do UBND Thành phố giao.
Với sự lãnh đạo tập trung của Ban Thường vụ Thành ủy và các cấp ủy đối với công tác nhân đạo nói chung và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ nói riêng, trong thời gian qua, công tác nhân đạo trên địa bàn thành phố mà nòng cốt là vai trò của Hội Chữ thập đỏ các cấp đã có nhiều hoạt động tích cực như: tổ chức các chương trình truyền hình “Nhân đạo xã hội”, “Nơi yêu thương ở lại”… tổ chức các hoạt động “Đi bộ đồng hành vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Chương trình Nghĩa tình mùa xuân”… với sự lan tỏa mạnh mẽ của công tác truyền thông đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao tinh thần và ý thức cộng đồng, phát huy lòng nhân ái của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, tôn giáo, nhà hảo tâm… cùng Hội chăm lo một cách thiết thực, hiệu quả đến các địa chỉ nhân đạo.
Kết quả hoạt động của toàn hệ thống Hội Chữ thập đỏ Thành phố đã hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Hội Chữ thập đỏ Thành phố lần VI đã đề ra; tổng giá trị hoạt động nhân đạo đạt trên 2.569 tỷ đồng (cao nhất trong toàn quốc), đã trợ giúp trên 7,5 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, những nội dung, phương thức hoạt động của Hội đã có nhiều đổi mới, với nhiều mô hình trợ giúp thiết thực, bền vững tại cộng đồng.
Những kết quả đạt được đầy ý nghĩa trong tinh thần trách nhiệm xã hội của Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo ổn định cuộc sống của nhân dân, hòa chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; nhân rộng nhiều mô hình hoạt động nhân đạo tiêu biểu và huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác nhân đạo không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh và còn chia sẻ trách nhiệm vì cả nước, cùng cả nước thực hiện công tác nhân đạo.
Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, xây dựng chiến lược hoạt động với tầm nhìn mới, Thành ủy đã chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Hội Chữ thập đỏ các cấp tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả, linh hoạt những quan điểm, định hướng của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chủ trương, giải pháp của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ trên địa bàn thành phố. Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm công tác nhân đạo là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, là nhiệm vụ của mỗi cấp ủy Đảng, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp và công tác nhân đạo tại địa phương, đơn vị; chú trọng tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào, hoạt động nhân đạo, thiện nguyện, khơi dậy và phát huy tinh thần, giá trị truyền thống “nghĩa tình” của Đảng bộ và con người Thành phố.
Hai là, tăng cường hiệu quả quản lý và triển khai thực hiện các hoạt động nhân đạo tại địa phương. Phát động các phong trào thi đua, các hoạt động xã hội, thiện nguyện, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, địa phương nhằm chăm lo thiết thực đời sống của nhân dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần thực hiện đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Ba là, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp xác định nhiệm vụ công tác nhân đạo trong chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, tạo điều kiện để Hội Chữ thập đỏ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền những chủ trương, biện pháp về công tác nhân đạo, chính sách xã hội, nghiên cứu cơ chế, chính sách riêng của Thành phố để tạo điều kiện cho tổ chức và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp ngày càng hoàn thiện tổ chức, hiệu quả về hoạt động, sâu sắc về giáo dục.
Bốn là, Hội Chữ thập đỏ các cấp tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng dựa vào cộng đồng, gắn bó với nhân dân, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, kiều bào, đi vào thực chất, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền định hướng và tổ chức các hoạt động nhân đạo đúng mục đích, đối tượng, theo hướng phát triển bền vững, với sự nêu gương của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.