Tăng cường giải quyết vướng mắc trong quản lý, bảo vệ môi trường biển và hải đảo

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Chiều 3/8, tại Hà Nội, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2022. Thứ trưởng Lê Minh Ngân dự và chỉ đạo Hội nghị.
img-0183rs-1659548271.jpg
Quang cảnh Hội nghị

Theo báo cáo của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục đã tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường có các công văn góp ý dự thảo chiều rộng, ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Thừa Thiên - Huế; danh mục các khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Cà Mau. Tổng cục cũng đã triển khai hướng dẫn và phối hợp với các địa phương trong công tác giao khu vực biển; công tác quy hoạch biển; quản lý tài nguyên hải đảo; cấp giấy phép nhận chìm ở biển, kiểm soát môi trường biển, đảo…

Các nội dung hướng dẫn, phối hợp phần nào đã giải quyết những mâu thuẫn, xung đột hoặc nguy cơ mâu thuẫn, xung đột về lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh - quốc phòng ở địa phương.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Phạm Thu Hằng, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đặt ra theo Chương trình công tác của Bộ, của Tổng cục năm 2022, trong những tháng cuối năm, Tổng cục sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo; phát huy những kết quả, thành tựu đạt được; tích cực cùng các cấp, các ngành chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các nhiệm vụ được giao nhằm tạo sự chuyển biến trong thực tiễn; nhằm giải quyết tốt, hài hòa vấn đề quản lý và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, hải đảo để phát triển bền vững và tăng trưởng nhanh kinh tế - xã hội; tập trung thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và lập Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận về những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong giai đoạn tới, từ thực tiễn công tác quản lý, đã đề xuất các giải pháp để tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành; công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, địa phương, cơ sở; ...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đơn vị tại Hội nghị. Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, mặc dù, thời gian qua, Tổng cục đạt được một số kết quả khả quan, tuy nhiên, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Tổng cục còn rất nặng nề. Do đó, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cần tập trung đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo tiến độ, chất lượng, khẩn trương hoàn thiện: các văn bản quy phạm pháp luật trong Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 thuộc phạm vi quản lý nhà nước; hồ sơ hai nhiệm vụ lập quy hoạch trình Bộ Tài nguyên và Môi trường để trình Chính phủ...

Đồng thời, tổ chức các đoàn công tác, thanh tra, kiểm tra, làm việc trực tiếp để xử lý các kiến nghị của địa phương. Tăng cường trao đổi thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, thúc đẩy nhanh tiến độ công tác cấp phép nhận chìm và giao khu vực biển, cấp phép cho việc nghiên cứu khoa học trên vùng biển Việt Nam, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, công tác khảo sát, cấp phép đo đạc, khảo sát điện gió.

Ngoài ra cần tập trung rà soát, thực hiện chủ trương luân chuyển, bố trí, tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình thay đổi tổ chức, bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị chức năng trong và ngoài Bộ, đoàn kết, sáng tạo hơn nữa, quyết tâm, đồng lòng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022 đảm bảo chất lượng và tiến độ đặt ra.

PL