Tại Việt Nam thiệt hại do thiên tai từ đầu năm đến nay ước tính lên tới 2.400 tỷ đồng

Phạm Hà Mi
Từ đầu năm 2022 đến nay thiên tai diễn biến phức tạp và dị thường, điển hình như đợt mưa lũ lớn trái quy luật ngay giữa mùa khô (từ ngày 30/3-2/4) kèm theo dông lốc; động đất gia tăng về cường độ và tần suất tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum; đợt mưa lớn đang kéo dài ngày tại miền Bắc và được chuyên gia dự đoán sẽ tiếp diễn trạng thái mưa dông đến hết tháng 5…

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, mưa lớn xảy ra ở miền Bắc trong 3 ngày qua gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương ở Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Nội.

ntk-986639782643am-1653411773.jpeg
Một ngôi nhà ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) sau trận lũ lụt lịch sử cuối năm 2020

Tính đến chiều 24/5, đợt thiên tai này khiến 2 người chết ở Tuyên Quang do sạt lở đất, một người chết ở Hòa Bình do lũ cuốn. Đồng thời, 4 người khác bị thương do sạt lở và mưa lớn gây đổ nhà ở Tuyên Quang.
Về tài sản, 253 ngôi nhà hư hỏng, hơn 9.300 ha lúa và hoa màu, 64 ha thủy sản thiệt hại. Ngoài ra, 27 con gia súc và 835 con gia cầm bị chết.
Mưa lớn cũng khiến nhiều tuyến đường ngập cục bộ, sạt lở trên 24.600 m3 đất đá ở các tuyến quốc lộ 2, 279, 4C, 4D, tỉnh lộ 170, 171, 177, 204, 212 và nhiều tuyến đường giao thông nông thôn. Hiện, tuyến quốc lộ 4D đi qua Lào Cai và một số đường giao thông liên xã còn đi lại khó khăn.
Theo dự báo, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2022 tại Việt Nam sẽ còn cao hơn năm 2022 khi mà thiệt hại từ đầu năm đến nay ước tính đã lên tới 2.400 tỷ đồng, gần bằng 1/2 thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2021.
Trước những diễn biến khó lường của thiên tai, công tác phòng, chống hơn lúc nào hết cần được nâng cao một cách chuyên nghiệp, bài bản, tập trung nhiều nguồn lực.

67grsrdfhe68qqx5mua-1-1653411875.jpeg
Việt Nam là một trong những nước chịu tác động lớn của thiên tai

Trong bối cảnh đó, Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 được xem là căn cứ để nâng cao chất lượng các hoạt động phòng, chống thiên tai hàng năm. Đây là bước tiến giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành cũng như giám sát các tỉnh thành đem lại hiệu quả tốt hơn. Thông qua chỉ số phòng, chống thiên tai các địa phương có thể xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu trong việc thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, giúp cho các tỉnh, thành phố có điều chỉnh cần thiết về nội dung, giải pháp trong triển khai công tác phòng, chống thiên tai hàng năm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá mỗi loại hình thiên tai xảy ra ở các vùng, miền, địa phương lại khác nhau. Địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai thì ứng phó tốt hơn nhưng khắc phục thiên tai lại gặp khó khăn. Công tác phòng, chống phải giống nhau, còn lại ứng phó và khắc phục lại khác nhau...
“Chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị tư vấn phải đánh giá sâu hơn về công tác phòng, chống thiên tai ở từng địa phương. Nếu sắp xếp theo từng vùng, miền và các loại hình thiên tai thì phân tích để đánh giá sẽ chính xác và tốt hơn,” Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Theo kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh được Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai công bố vào tháng 5/2022 vừa qua, 10 tỉnh thành thực hiện tốt gồm: Thừa Thiên-Huế, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Nghệ an, Hải Phòng, Đăk Lắk , An Giang, Cà Mau và Quảng Nam. Ban chỉ đạo cũng thẳng thắn chỉ ra các cả các địa phương còn yếu kém gồm: Bắc Kạn, Bình định, Bình Thuận, Cần Thơ, Cao Bằng, Đắk Nông, Lai Châu, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Trà Vinh.

PV