Suất ăn bán trú của học sinh bị ‘ăn bớt’?

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) – Trường tiểu học Lê Văn Tám (TP Thái Nguyên) tiếp tục “nóng” lên, khi phụ huynh phản ánh nhà trường có dấu hiệu ăn bớt khẩu phần ăn bán trú của học sinh.

Sau khi báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đăng tải loạt bài phản ánh về những sai phạm của bà Nguyễn Phương Thanh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Tám (phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên), Đoàn thanh tra của TP Thái Nguyên đã vào cuộc thanh tra, qua đó kết luận và chỉ ra hàng loạt những sai phạm của bà Nguyễn Phương Thanh, như: Thực hiện việc quản lý, thu chi tài chính không đúng quy định; tự ý vận động cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh ủng hộ nộp tiền để sử dụng vào các mục đích khác nhau mà không báo cáo cấp trên theo quy định…

Sau khi có kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 694/QĐ-UBND về việc thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với bà Nguyễn Phương Thanh.

hs1
Một học sinh (được cho là tại trường Tiểu học Lê Văn Tám) ngồi ăn trước "khẩu phần ăn bán trú đạm bạc" của nhà trường. (Ảnh phụ huynh cung cấp).

Trao đổi với phóng viên, nhiều phụ huynh cũng như giáo viên nhà trường chưa thực sự đồng tình với hình thức kỷ luật nêu trên đối với bà Thanh, bởi họ cho rằng với những sai phạm mà bà Thanh gây ra là nghiêm trọng, có hệ thống và kéo dài từ năm này qua năm khác. Vì thế, đa phần phụ huynh, giáo viên nhà trường đều mất niềm tin vào vị hiệu trưởng này.

Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến mong rằng sau khi bị kỷ luật, bà Thanh sẽ thay đổi, khắc phục những khuyết điểm, sai lầm của mình trước đây để quản lý, điều hành hoạt động của nhà trường tốt hơn, dần lấy lại niềm tin đã mất.

Thế nhưng, khi những tranh luận về quyết định kỷ luật trên vẫn chưa hết "nóng" thì trường Tiểu học Lê Văn Tám tiếp tục bị phụ huynh "tố" có dấu hiệu ăn bớt khẩu phần ăn bán trú của học sinh, mà người chịu trách nhiệm chính vẫn thuộc về bà hiệu trưởng Nguyễn Phương Thanh.

Phản ánh tới Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống, bà Nguyễn Thị Long (trú tại phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên), là phụ huynh học sinh trường Tiểu học Lê Văn Tám, cho biết: "Khi nhìn hình ảnh chụp lại cảnh học sinh ngao ngán, thậm chí rơi nước mắt khi ngồi ăn suất ăn bán trú tại nhà trường với chỉ 1-2 miếng thịt nhỏ và ít muối lạc vừng khô khốc, không hề có canh hay rau gì khiến phụ huynh rất bức xúc và thương các cháu.

Khi nhà trường thu của phụ huynh 15.000 đồng/1 suất ăn, so với thực tế khẩu phần ăn như trên, nhiều phụ huynh cho rằng suất ăn này không đảm bảo chất dinh dưỡng, và không tương xứng với số tiền mà họ đóng góp, theo giá cả thị trường".

hs2
Hình ảnh học sinh (được cho là tại trường Tiểu học Lê Văn Tám, TP Thái Nguyên) ngao ngán trước suất ăn bán trú có giá 15.000 đồng chỉ có 2 miếng thịt và ít muối lạc vừng, không hề có rau và canh. (Ảnh phụ huynh cung cấp).

"Quá bức xúc trước sự việc trên, đồng thời để bảo đảm quyền lợi chính đáng của học sinh. Ngày 15/3/2018, tôi đã làm đơn đề nghị gửi hiệu trưởng nhà trường, để yêu cầu nhà trường công khai chi tiết về việc thu, chi suất ăn bán trú của học sinh năm học 2017-2018 và một số nội dung khác. Tuy nhiên đến nay, phía nhà trường vẫn im lặng trước đơn đề nghị của tôi”, bà Long cho biết thêm.

Liên quan đến việc thu tiền ăn bán trú tại nhà trường, trao đổi với phóng viên báo điện tử Nhân đạo và Đời sống, một phụ huynh (đề nghị giấu tên) bức xúc: “Việc nhà trường áp dụng mức thu đồng đều 15.000 đồng/suất ăn/học sinh đối với tất cả các khối (từ khối 1 đến khối 5 - PV) là không phù hợp. Bởi lẽ, sức ăn của các cháu lớp 1 sẽ ít hơn so với các anh chị lớp 4 và lớp 5, vì vậy phải điều chỉnh lại mức thu cho phù hợp với từng khối”.

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên nhà trường cũng không đồng tình với mức thu và chi trả tiền phục vụ bán trú của trường này, cô giáo N.T.L cho biết: "Nhà trường thu cố định 100.000 đồng/1 tháng tiền phục vụ bán trú (tiền trông buổi trưa của giáo viên - PV), nhưng khi chi trả cho giáo viên nhà trường lại không trả theo mức thu cố định trên, mà lại trả theo thực tế bữa ăn của học sinh là không đúng. Việc chi trả như thế sẽ có một khoản tiền chênh lệch ra, bởi vì học sinh ăn bán trú không cố định ăn bao nhiêu bữa 1 tháng, mà dao động thấp nhất 11 bữa và cao nhất là 18 bữa ăn/tháng.

Cụ thể, mức chi trả của nhà trường được tính như sau: Đối với giáo viên trông lớp có sĩ số từ 31 đến 34 học sinh thì được trả 80.000 đồng/buổi; lớp có sĩ số từ 35 đến 39 học sinh thì được trả 85.000 đồng/buổi.

Vậy, nếu tính thực tế khi áp dụng với lớp có 34 học sinh nhà trường sẽ thu được 3.400.000 đồng/tháng, tính trả cho giáo viên mức theo tháng mà học sinh ăn nhiều nhất là: 18 bữa ăn x 80.000 đồng = 1.440.000 đồng; số tiền chênh được tính là: 3.400.000–1.440.000 = 1.960.000 đồng.

Còn nếu tính theo tháng học sinh ăn bán trú thấp nhất là: 11 bữa ăn x 80.000 đồng = 880.000 đồng; số tiền chênh là: 3.400.000 – 880.000 = 2.520.000 đồng/tháng. Vậy số tiền chênh lệch lớn này sẽ “chảy” vào túi ai?".

IMG_20180402_004220
Đơn đề nghị của phụ huynh gửi hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám đã nhiều ngày trôi qua nhưng đến nay vẫn chưa được hồi âm, có dấu hiệu bị “lãng quên”?

Cũng theo giáo viên này: “Nhà trường thu tiền phục vụ bán trú như thế là quá cao so với các trường khác trên địa bàn thành phố. Qua tìm hiểu, tại trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Thái Nguyên), chúng tôi được biết trường này chỉ thu 36.000 đồng/tháng tiền phục vụ bán trú”.

Từ những phản ánh, bức xúc của phụ huynh trường Tiểu học Lê Văn Tám nêu trên, báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đề nghị UBND TP Thái Nguyên, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố và các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc xác minh làm rõ nghi vấn, có hay không việc ăn bớt khẩu phần ăn bán trú của học sinh trường này.

Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Trong khi đó tại trường Tiểu học Thống Nhất (TP Thái Nguyên) cũng thu với số tiền ăn tương tự như trường Tiểu học Lê Văn Tám, nhưng bữa ăn bán trú của học sinh trường này diễn ra trong không khí vui vẻ, suất ăn được bày ra khay sạch sẽ, chất lượng bữa ăn cũng tốt hơn với thịt xay, giò, canh rau và kèm theo miếng hoa quả.

le-van-tam
Suất ăn của các em học sinh Trường Tiểu học Thống Nhất (TP Thái Nguyên).

Nhìn hình ảnh (được cho là của học sinh trường Tiểu học Thống nhất) này phụ huynh, học sinh trường Tiểu học Lê Văn Tám không khỏi “chạnh lòng”?

B.T