Theo ông Trần Văn Chiến, hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Nà Khoang (xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La), cho biết đây là học sinh lớp 8A và 8B của trường.
Theo ông Chiến, sáng 7/12, hai nữ sinh này vẫn học bình thường, sau bữa cơm trưa đến thời gian tự quản chiều, em D. (lớp 8A) và em Đ. (lớp 8B) tự lên khu đồi ở đằng sau trường chơi, vặt lá ăn.
"Khoảng 15h, hai em được phát hiện ăn nhầm lá ngón và vẫn tỉnh táo, nhà trường đưa hai nữ sinh đến cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa huyện Sốp Cộp. Sau đó, tình trạng của em D. (lớp 8A) nặng lên, sắc mặt tái nhợt dần. Đến khoảng 20h, dù đã được các y, bác sĩ nỗ lực cấp cứu, em đã không qua khỏi" - ông Chiến cho hay.
Chiều 8/12, hiệu trưởng và 4 giáo viên của nhà trường đã đến thăm hỏi, động viên gia đình nữ sinh này.
Đối với trường hợp học sinh Đ., giáo viên chủ nhiệm cho biết sau khi ăn lá ngón, em không có biểu hiện ngộ độc. "Khi được phát hiện ăn nhầm lá ngón, nữ sinh này không muốn đi viện nhưng chúng tôi vẫn thuyết phục em nên đi khám, cấp cứu. Hiện sức khỏe của Đ. bình thường, sắp được xuất viện", giáo viên chủ nhiệm chia sẻ.
Lá ngón là loại cây có độc tính cao, thường mọc tự nhiên ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngộ độc lá ngón xuất hiện nhanh, nặng và dễ tử vong. Trong lá ngón có chứa chất alkaloid, đây là một chất kịch độc có thể gây ra cái chết ngay lập tức.
Các triệu chứng khi ăn phải lá ngón:
Đau bụng, buồn nôn, khó chịu, mệt mỏi, bí đái, da lạnh, vã mồ hôi, yếu mệt cơ tay chân khó vận động, nặng có thể gây liệt cơ hoàn toàn.
Giãn đồng tử dẫn đến nhạy cảm với ánh sáng, chói mắt, sụp mi và liệt cơ hàm dưới dẫn đến rơi hàm dưới không khép được vào miệng.
Thở yếu, thở chậm dẫn đến suy hô hấp; nhịp tim chậm, huyết áp tụt có thể dẫn đến ngừng tim; tăng phản xạ gân xương, co giật.