Chương trình “Ngân hàng bò - chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới” được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai với mục tiêu giúp những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Tại huyện Tây Hòa, Chương trình “Ngân hàng bò” được triển khai thực hiện từ năm 2014 đến nay được xem là một trong những hoạt động hỗ trợ sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực, gắn với chính sách giảm nghèo bền vững; là một huyện thuần nông, người dân sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp, với điều kiện thuận lợi để thực hiện Chương trình, giúp hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập ổn định cuộc sống.
Thời gian qua, song song với việc vận động các nguồn lực trợ giúp những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế như: thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, xây nhà “Chữ thập đỏ”, thực hiện phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” đã giúp hơn 160.000 lượt người, với hơn 20 tỷ đồng. Việc vận động thực hiện Chương trình “Ngân hàng bò” cũng luôn được quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả.
Ngay từ khi triển khai thực hiện Chương trình đã được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác vận động, tuyên truyền; sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện, góp phần tạo nên sự thành công bước đầu trong triển khai thực hiện Chương trình.
Đầu năm 2015, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Yên tổ chức trao 5 con bò giống cho 5 hộ hưởng lợi ở 5 xã trên địa bàn, tổng giá trị 84 triệu đồng (Hội hỗ trợ 15 triệu đồng/con, vốn đối ứng của hộ hưởng lợi 9 triệu đồng).
Hằng năm, huyện đều vận động nguồn lực để mua và trao bò giống cho hộ nghèo. Đến tháng 8/2020, huyện đã thực hiện Chương trình với 25 con trong đó, rất nhiều hộ có từ 3-5 con bò được sinh sản từ Chương trình và đã có thêm 17 hộ hưởng lợi mới ở thế hệ thứ 2, trong 5 hộ hưởng lợi ban đầu đã có 3 hộ thoát nghèo bền vững, có hộ đã phát triển số lượng bò của gia đình mình lên đến 4- 5 con xóa được nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Việc triển khai thực hiện Chương trình “Ngân hàng bò” tại địa phương được thực hiện công khai, minh bạch, theo đúng quy trình, tiêu chí đối tượng hưởng lợi và người dân rất vui mừng đánh giá cao. Chương trình “Ngân hàng bò” không chỉ mang lại hiệu quả, thiết thực cho các hộ nghèo mà còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đến nay, chương trình “Ngân hàng bò” tiếp tục được nhân rộng phát triển trên toàn địa bàn huyện. Mỗi 01 con bò giống trao đi, là trao thêm những niềm vui, hy vọng mới cho người nghèo ở các địa bàn còn khó khăn.