Quyền Chủ tịch nước dự lễ kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Đặng Thu Hằng
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các đại biểu đã dâng hương, dự lễ kỷ niệm 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc Lễ hội Đền Hai Bà Trưng Xuân Quý Mão 2023.

Sáng 27/1 (mùng 6 tháng Giêng), Lễ kỷ niệm 1983 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 - 43 sau Công nguyên), 1980 năm Hai Bà Trưng mất (năm 43 - 2023 sau Công nguyên) và khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2023 đã trang trọng diễn ra tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Tham dự có Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc đã tham dự.

327491952-1336118020-1674802857.jpeg
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các đại biểu dâng hương tại Đền Hai Bà Trưng. (Ảnh: Thống Nhất)

Sau 2 năm không tổ chức do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm 2023, lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội) tiếp tục được tổ chức theo nghi thức truyền thống địa phương gồm phần Lễ và phần Hội, diễn ra vào các ngày 27, 28, 29/1/2023 (tức các ngày mùng 6, mùng 7, mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão).

Lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng là hoạt động văn hóa tâm linh nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của hai vị anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị, cùng các tướng lĩnh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán, giành lại nền độc lập dân tộc vào những năm 40 - 43 sau Công nguyên.

Theo Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng không những để lại cho chúng ta một sự nghiệp vĩ đại, mà cũng để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá. Đó là sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc phải gắn liền với việc phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, đặc biệt là phát huy sức mạnh, trí tuệ, tinh thần quật khởi của phụ nữ...

327708536-5103713445-1674802945.jpeg
Lễ hội Đền Hai Bà Trưng Xuân Quý Mão 2023. (Ảnh: Thống Nhất)

Theo Ban tổ chức, Lễ kỷ niệm 1983 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng sẽ bao gồm Lễ dâng hương, mít tinh kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa và tế lễ theo nghi thức truyền thống cổ truyền.

Vào ngày chính hội mùng 6 tháng Giêng, người dân Mê Linh tổ chức rước kiệu Hai Bà, kiệu Thành hoàng làng Hạ Lôi và kiệu Thánh Cốt Tung (danh tướng của Hùng Duệ Vương được thờ tại làng Hạ Lôi).

Ông Trần Mạnh Thắng - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Mê Linh cho biết, lễ rước kiệu ở Lễ hội Đền Hai Bà Trưng huyện Mê Linh có nét đặc trưng riêng. Theo đó, sáng mồng 4 tháng Giêng âm lịch, sau khi làm lễ "Tế trình", đoàn rước hai cỗ kiệu của Hai Bà Trưng đi từ Đền về đình Hạ Lôi.

Đi hộ giá Hai Bà có các đội nghi trượng gồm cờ lệnh, đội cờ ngũ hành, đội cờ tứ linh, đội cờ thần tàn lọng, đội gươm trường bát bửu, đội nữ binh hộ giá, hai voi trắng, ngựa hồng, ngựa bạch… cùng các đội múa xênh tiền, đội múa lân vừa đi vừa múa trong tiếng nhạc lễ cung đình của dàn nhạc bát âm, hòa quện trong tiếng trống, tiếng chiêng, rộn rã, linh thiêng.

Từ trong sân Đền, kiệu Bà Trưng Trắc đi trước, nhưng khi ra khỏi cổng đền, kiệu Bà Trưng Trắc dừng lại bên phải đường để kiệu bà Trưng Nhị đi trước. Việc này mang ý nghĩa “Nội gia tỷ muội, ngoại quốc quân thần” (ở trong nhà là chị em, đối với việc nước là vua tôi).

Việc đổi vị trí kiệu gọi là "giao kiệu". Cùng thời điểm này, từ đình làng Hạ Lôi, đoàn rước kiệu Thành Hoàng làng và kiệu Thánh Cốt Tung đi đến ngã tư cổng Đền để nghênh đón kiệu Hai Bà về đình làng.

T.H.