Quên bản thân mình để phụng sự...

Đặng Thu Hằng
Vinh dự là nữ sĩ quan Công an nhân dân đầu tiên tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan, Trung tá Lương Thị Trà Vinh - sĩ quan Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) đã có rất nhiều trải nghiệm quý giá tại nơi đây. Gặp Trung tá Trà Vinh trong những ngày cô đang được nghỉ phép tại quê nhà, câu đầu tiên cô nói là: Dường như tâm hồn tôi vẫn còn đang ở Nam Sudan, chưa kịp “theo” người về Việt Nam.
Trung tá Lương Thị Trà Vinh cùng đồng đội trao quà của Hội Phụ nữ Bộ Công an tặng phụ nữ khuyết tật và phụ nữ thiệt thòi tại Trại lánh nạn (IDP Camp 3) ở Juba.
Trung tá Lương Thị Trà Vinh cùng đồng đội trao quà của Hội Phụ nữ Bộ Công an tặng phụ nữ khuyết tật và phụ nữ thiệt thòi tại Trại lánh nạn (IDP Camp 3) ở Juba.

Để thực hiện chủ trương đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại về an ninh, quốc phòng trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình theo Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã chủ động xây dựng và triển khai Đề án Công an nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo.

Quên bản thân mình để phụng sự... ảnh 1

Trung tá Vinh cùng các em nhỏ Nam Sudan trong một chuyến đi công tác.

Sự hiện diện của nữ sĩ quan công an nhân dân trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cũng là thể hiện sự bảo đảm cam kết của Chính phủ Việt Nam trong công tác bình đẳng giới và trao quyền cho nữ giới. Đây cũng chính là cơ hội để Trung tá Lương Thị Trà Vinh có mặt tại Nam Sudan, góp phần thúc đẩy Chương trình Phụ nữ, Hòa bình và An ninh được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua tại Nghị quyết số 1325 năm 2000.

Cơ hội quý để hiện thực hóa ước mơ

Việc cử nữ chiến sĩ Công an nhân dân nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được Bộ Công an kỳ vọng sẽ đem đến cho nữ sĩ quan một trải nghiệm quý báu, được giao lưu, học hỏi, thu nạp kiến thức về công tác Cảnh sát từ bạn bè quốc tế; được đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm công tác Cảnh sát của Việt Nam trong hoạt động xây dựng, nâng cao năng lực cho Cảnh sát Nam Sudan.

Với cá nhân các nữ sĩ quan Công an, đây là cơ hội để họ thể hiện khả năng, sức mạnh mềm của phụ nữ, cũng như phát huy vai trò của nữ giới trong việc lồng ghép công tác bình đẳng giới với các mặt của công tác Cảnh sát; nhất là trong lĩnh vực bảo vệ phụ nữ, trẻ em và những người yếu thế tại những nơi đang có xung đột hoặc bất ổn chính trị.

Trung tá Lương Thị Trà Vinh tự hào cho biết: Sau sáu năm nỗ lực luyện tập không ngừng nghỉ, thật may mắn khi gia đình và người chồng đã thông cảm để chị hiện thức hóa ước mơ của mình ngay từ những ngày chị còn trên ghế giảng đường Học viện An ninh nhân dân.

"Khi tôi vắng nhà, tham gia một nhiệm vụ cao cả, các con tôi cũng thấy tự hào về người mẹ của mình. Chính điều này là động lực để các cháu nỗ lực vươn lên trong học tập, có trách nhiệm hơn với bản thân", Trung tá Trà Vinh kể.

Nam Sudan vẫn là một địa bàn khó khăn, phức tạp về tình hình chính trị-xã hội, nguy hiểm chưa lường hết. Bên cạnh đó, là rủi ro về bệnh tật; khí hậu khắc nghiệt. Trung tá Trà Vinh cho biết: Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, các thành viên trong đoàn đã được các sĩ quan gìn giữ hòa bình của Bộ Quốc phòng chia sẻ nhiều thông tin, tình hình qua tám năm triển khai nhiệm vụ tại các phái bộ nên khi sang nhận nhiệm vụ, chị không còn quá nhiều bỡ ngỡ.

Tuy nhiên, lĩnh vực hoạt động và tính chất công việc của Cảnh sát gìn giữ hòa bình có nhiều điều rất khác biệt, đặc thù nên khi thực hiện nhiệm vụ, Trung tá Vinh cùng đồng đội cũng gặp phải những khó khăn nhất định trong những ngày đầu tiên đặt chân tới mảnh đất này.

Để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, mỗi sĩ quan Cảnh sát cá nhân đều phải vượt qua kỳ thi tiêu chuẩn SAAT/AMS với những điều kiện rất khắt khe. Tuy nhiên, trong môi trường làm việc thực tế, họ đã phải đối mặt với những thách thức trong công việc như lái xe trong điều kiện giao thông đông đúc, cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế hoặc địa hình phức tạp, lụt lội, nhiều rủi ro về an toàn giao thông, tiềm ẩn mất an ninh trật tự…

Hay như thực hiện các chuyến tuần tra dài ngày, ăn lều, ngủ trại cũng là một nhiệm vụ đòi hỏi phụ nữ phải vượt qua nhiều bất tiện, khắc phục những khó khăn về giới, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.

"Phái bộ UNMISS sử dụng tiếng Anh. Do đó để hiểu và truyền đạt thông tin trong môi trường làm việc Liên hợp quốc cũng có những trở ngại nhất định, nhất là thời gian đầu khi chưa quen với ngữ âm tiếng Anh của nhiều nước khác nhau", Trung tá Trà Vinh cho biết.

Quên bản thân mình để phụng sự... ảnh 2

Nhận chứng chỉ sát hạch viên tiêu chuẩn sĩ quan cá nhân (SAAT/AMS instructor) do Phòng Cảnh sát Liên hợp quốc tổ chức.

Tại Phái bộ, phụ nữ được khuyến khích tham gia vào tất cả các vị trí công việc. Đây là cơ hội rộng mở cho toàn thể phụ nữ được thể hiện năng lực bản thân. Đồng thời cũng là thách thức, đòi hỏi mỗi cá nhân sĩ quan nữ cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, rèn luyện bản lĩnh để có thể vượt qua.

"Tôi cảm ơn những tấm gương phụ nữ tại Phái bộ UNMISS, tiêu biểu cho năng lực, sự chuyên nghiệp và cống hiến cho sự nghiệp gìn giữ hòa bình như bà Tư lệnh Cảnh sát tại Phái bộ UNMISS Christine Fossen (người Nauy), và người tiền nhiệm là bà Unaisi Bolatolu (Cảnh sát Fiji), phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm Tư lệnh Cảnh sát UNMISS, Phái bộ gìn giữ hòa bình lớn nhất của Liên hợp quốc.

Họ là những người truyền cảm hứng, những nhân tố tích cực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ thông qua nhiều hình thức hoạt động tại các phái bộ", Trung tá Lương Thị Trà Vinh nhắc tới họ với niềm tự hào và cảm phục.

Hình ảnh đẹp của nữ sĩ quan Công an Việt Nam tại Nam Sudan

Tự hào là nữ sĩ quan Công an nhân dân Việt Nam, Trung tá Lương Thị Trà Vinh đã tích cực tham gia vào nhiều hoạt động của Mạng lưới Phụ nữ cảnh sát Phái bộ UNMISS. Ở đây, chị được giao lưu, học hỏi, đóng góp ý tưởng của mình vào hoạt động dân vận của phụ nữ phái bộ với phụ nữ Nam Sudan, qua đó góp phần truyền cảm hứng cho phụ nữ Nam Sudan vượt lên khó khăn, khẳng định bản thân trong cuộc sống.

Có thể nói, mỗi sĩ quan Công an tham gia gìn giữ hòa bình đều là một “sứ giả” góp phần truyền bá hình ảnh tốt đẹp về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Điều này tạo thuận lợi rất lớn cho Trung tá Trà Vinh trong quá trình làm việc, thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ, cũng như tiếp xúc và làm việc với chính quyền, người dân địa phương.

Sau những giờ phút bộn bề công việc, Trung tá Lương Thị Trà Vinh có một vườn rau sau container nơi ở. Mảnh vườn bé xíu ấy vừa giúp cải thiện bữa ăn hàng ngày với hương vị quê hương, vừa khiến chị vơi bớt nỗi nhớ nhà.

"Mảnh vườn bé xinh đã thu hút nhiều nhiều bạn bè các nước đến thăm, xuýt xoa thán phục. Thậm chí một số bạn còn đến xin cây giống về trồng" chị bật mí.

Tết nguyên đán đầu tiên ở Nam Sudan vừa qua, khi đó, Trung tá Vinh đang thi lấy chứng chỉ sát hạch viên tiêu chuẩn sĩ quan cá nhân (SAAT/AMS instructor) do Phòng Cảnh sát Liên hợp quốc tổ chức tại Uganda.

Quên bản thân mình để phụng sự... ảnh 3

Món xôi gấc trang trí cờ đỏ sao vàng khiến bạn bè quốc tế thích thú và yêu thích.

Thời khắc giao thừa, dù lệch múi giờ, chị vẫn tranh thủ gọi điện về chúc Tết gia đình. Cho tới tận mùng 8 tháng Giêng (âm lịch), chị mới cùng đồng đội tổ chức Tết muộn, mời lãnh đạo Phái bộ, đồng đội và bạn bè quốc tế cùng tham gia. Trung tá Vinh cùng hai đồng đội nam đã dành tâm huyết làm những món ăn truyền thống của Việt Nam để giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

Do nguyên liệu được chủ động chuẩn bị từ trước, ba người đã làm nem rán, xôi gấc và trang trí thành lá cờ Tổ quốc, gói bánh chưng, khiến cho tất cả mọi người có mặt đều trầm trồ và ấn tượng với "mâm cỗ Tết" Việt Nam.

Tại Hội nghị quốc tế “Nữ sĩ quan tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ), cơ hội và thách thức” do Học viện An ninh nhân dân phối hợp các đơn vị chức năng của Bộ Công an và một số tổ chức quốc tế, tổ chức, Trung tá Lương Thị Trà Vinh đã đem theo, giới thiệu với hội nghị bức chân dung do em bé bản địa, con một đồng nghiệp tại Nam Sudan đã vẽ tặng.

Quên bản thân mình để phụng sự... ảnh 4

Trung tá Vinh "khoe" món quà quý giá do em bé Nam Sudan vẽ tặng.

Chị nói: "Dù nước da tôi đã được em bé nhuộm thành màu nắng gió, nhưng tôi rất vui, tự hào và cảm động. Khi đón nhận món quà quý từ tay bạn họa sĩ tí hon, lòng tôi dâng lên cảm xúc khó tả và bất chợt cảm nhận sâu sắc về hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn."

Chia tay chúng tôi, người phụ nữ với dáng vóc nhỏ bé, với nụ cười hiền, quả quyết nói: "Nếu có được một quãng thời gian để sống cho mình và phát triển bản thân, bạn sẽ làm gì? Với tôi, thời gian ở Phái bộ UNMISS, là cơ hội để tôi tiếp tục rèn luyện, tập huấn, thi lấy chứng chỉ sát hạch viên tiêu chuẩn sĩ quan cá nhân (SAAT/AMS instructor) do Phòng Cảnh sát Liên hợp quốc tổ chức tại Uganda."