Quảng Trị: Tổng trị giá hoạt động nhân đạo năm 2022 đạt hơn 53 tỷ đồng

Nguyễn Hồng Hạnh
Năm 2022, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ các cấp trên cơ sở bám sát chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với nhu cầu của đối tượng hưởng lợi, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Trị đã trợ giúp cho 153.746 lượt đối tượng với tổng trị giá hơn 53 tỷ đồng.
lyna1-4-1671091906.JPG
Tặng quà Tết cho hộ gia đình khó khăn

Năm 2022, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ các cấp trên cơ sở bám sát chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với nhu cầu của đối tượng hưởng lợi, Hội Chữ thập đỏ toàn tỉnh đã trợ giúp cho 153.746 lượt đối tượng với tổng trị giá hơn 53 tỷ đồng.
Nhằm chăm lo, trợ giúp các đối tượng khó khăn, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng, các cấp hội Chữ thập đỏ đã triển khai nhiều phong trào, cuộc vận động mang lại hiệu quả và tính nhân văn sâu sắc. Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" Xuân Nhâm Dần - 2022 được triển khai sâu rộng, thiết thực, đã vận động và tặng quà cho 31.128 đối tượng là hộ nghèo, người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng trị giá 16 tỷ đồng, đạt 146% kế hoạch Trung ương Hội giao (21.240 suất). Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội, trong năm đã trợ giúp 480 địa chỉ nhân đạo với số tiền 4.025 triệu đồng, tăng 141 địa chỉ so với năm 2021; 200 địa chỉ được cập nhật lên hệ thống iNhandao. Bước qua năm thứ 5 thực hiện “Tháng Nhân đạo”, các cấp Hội đã tích cực triển khai với nhiều hình thức: Tổ chức hiến máu tình nguyện đã tiếp nhận 654 đơn vị máu; tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí; trao quà; tặng nhà Chữ thập đỏ; tổ chức “Bữa cơm tình thương” tại các bệnh viện, chợ nhân đạo. Chỉ trong “Tháng Nhân đạo, các cấp Hội trong tỉnh đã vận động được 4,8 tỷ đồng hỗ trợ kịp thời 9.406 đối tượng.

lyna3-1-1671091977.JPG
Đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các đại biểu tặng xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Bên cạnh đó, các chương trình, dự án do Trung ương Hội phát động đã được triển khai đúng mục đích, đối tượng và đem lại hiệu quả cho người hưởng lợi như: Dự án “Phòng ngừa thương tích và giảm thiểu những tác động bất lợi về kinh tế xã hội đối với nạn nhân bom mìn”; Chương trình nhắn tin “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; Chương trình “Tháng ba biên giới”; Chương trình "Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”, “Áo ấm trao em”, “Cùng em đến trường”; Tặng áo phao; Hỗ trợ xây 100 nhà; Cấp học bổng cho học sinh nghèo học giỏi; … đã trợ giúp 15.983 lượt đối tượng với tổng trị giá gần 11 tỷ đồng.
Công tác tham gia phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa là một trong những lĩnh vực ưu tiên của Hội Chữ thập đỏ nhằm góp phần xây dựng cộng đồng an toàn hơn. Để chủ động phòng ngừa, ứng phó khi có thiên tai xảy ra, Hội Chữ thập đỏ từ tỉnh đến cơ sở đã lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó thảm họa năm 2022 với các phương án cụ thể, sát với tình hình thiên tai ở địa phương, sẵn sàng hành động khi có thiên tai, sự cố nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh. Cứu trợ đột xuất cho gần 800 hộ gia đình bị thiệt hại nặng do thiên tai trị giá 400 triệu đồng. Thông qua Trung ương Hội, tỉnh Hội đã thực hiện các dự án cứu trợ khẩn cấp sau mưa lũ do các tổ chức tài trợ: Chương trình dự án cứu trợ khẩn cấp cho người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid- 19 đã trợ giúp cho 634 gia đình được hưởng lợi với tổng hàng cấp đổi thành tiền hơn 1 tỷ đồng; Dự án “Cứu trợ khẩn cấp cho người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam” đã cấp phát lương thực cho 1.108 hộ gia đình. Đồng thời phối hợp với Tổ chức Plan Việt Nam triển khai Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với lũ lụt” đã tổ chức 11 lớp tập huấn sơ cấp cứu với 220 thành viên đội xung kích các xã/phường cùng các hoạt động được triển khai vào giai đoạn 2 như: Đánh giá cảnh báo sớm, hướng dẫn cấp phát tiền mặt, trang cấp thiết bị cho đội xung kích… với tổng trị giá trên 1,1 tỷ đồng.

lyna4-1671091977.JPG
Mô hình "Bữa ăn tình thương cho bệnh nhân nghèo" đã hỗ trợ 76.343 suất cơm, cháo cho bệnh nhân khó khăn

Mô hình "Bữa ăn tình thương cho bệnh nhân nghèo" được duy trì và phát huy tích cực tại các bệnh viện Đa khoa tỉnh, khu vực Triệu Hải và các Trung tâm Y tế cấp huyện trong tỉnh ngày càng phát triển và thu hút được sự quan tâm các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các câu lạc bộ thiện nguyện. Trong năm, đã hỗ trợ 76.343 suất cơm, cháo cho bệnh nhân khó khăn với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Các cấp Hội phối hợp và tổ chức các đợt khám, cấp thuốc miễn phí cho 3.194 lượt người với tổng trị giá hơn 1.229 triệu đồng.

lyna5-1671091977.JPG
Phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia

Phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng đi vào chiều sâu, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu máu trong điều trị cấp cứu cho người bệnh. Trong năm, các cấp Hội đã phối hợp Trung tâm Huyết học - Truyền máu Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức 32 đợt tiếp nhận máu trên toàn tỉnh và tiếp nhận được 9.000 đơn vị máu; đã phát triển thêm 1 câu lạc bộ hiến máu tình nguyện với 49 thành viên, nâng tổng số lên 9 câu lạc bộ với 509 thành viên.
Mạng lưới tổ chức Hội ở các cấp tiếp tục được củng cố và kiện toàn sau đại hội. Với phương châm, hội viên đảm bảo 3 có (có sinh hoạt, có thẻ hội viên và có đóng hội phí), các đơn vị đã rà soát thống kê tổ chức hội, hội viên, tình nguyện viên. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 165 Hội cơ sở; 1.115 chi hội với 11.900 hội viên; 5.612 tình nguyện viên và 29.155 thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ.
Các cấp Hội đã đẩy mạnh quan hệ đối tác, vận động các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tài trợ cho các chương trình, cuộc vận động của Hội và trợ giúp nhân đạo cho các đối tượng bị thiệt hại do thiên tai, những khó khăn đột xuất khác với số tiền vận động nguồn lực hơn 53 tỷ đồng.
Năm 2023, toàn Hội tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện 2 chương trình lớn gồm: “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”, “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo khuyết tật” và tập trung vào 07 nhiệm vụ, giải pháp lớn về: Công tác xã hội nhân đạo; Hoạt động tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa; Hoạt động chăm sóc sức khoẻ nhân dân; Tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người và hiến xác; Công tác truyền thông, xây dựng nguồn lực; Công tác xây dựng tổ chức Hội; Công tác tham mưu, chỉ đạo và phối hợp trong hoạt động nhân đạo.

Ly Na