Quảng Trị: Sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm do mưa lũ

Nguyễn Diệp Linh
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị yêu cầu triển khai ngay công tác sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu...

Sáng 15/10, lũ trên các sông ở tỉnh Quảng Trị lên nhanh do có mưa to đến rất to, gây ngập lụt và chia cắt giao thông ở nhiều tuyến đường.

Cụ thể, tại huyện miền núi Đakrông mưa lũ làm chia cắt nhiều tuyến đường gồm: Đường Hồ Chí Minh bị chia cắt 2 điểm ở Km 265, Km 273 với mực nước ngập khoảng 0,5-1m; Đường 588A bị chia cắt tại ngầm tràn Ba Lòng ngập sâu trên 3m; Quốc lộ 15D bị chia cắt tại cầu tràn A Ngo – A Bung. Các ngầm tràn: Tà Rụt - A Ngo, A Rồng Trên, A Đeng, xã A Ngo; Ly Tôn, xã Tà Long; La Tó - Húc Nghì, xã Húc Nghì; Chân Rò, xã Đakrông; Đá Đỏ, xã Ba Nang, bị ngập từ 0,5 - 2,5m khiến giao thông bị chia cắt.

Tại huyện miền núi Hướng Hóa nhiều ngầm tràn bị ngập lụt khoảng 1m làm chia cắt giao thông như: Bản 2, Bản 3, Bản Giai, Úp Ly 2, Bản 1 Cũ ở xã Thuận; Xa Doan, xã A Dơi; Thôn Thanh 1, Bản 10, xã Thanh; Thôn A Xóc-Lìa, xã Lìa; Ván-Ry, xã Húc; Cha Lỳ, xã Hướng Lập, Thôn Loa, xã Ba Tầng.

Tại huyện Hải Lăng các tuyến đường thôn, xóm ở các xã: Hải Phong, Hải Sơn đã ngập lụt. Các tuyến đường tỉnh như: 584, 586 587 bị ngập một số điểm gây tắc giao thông. Hiện nay tại các điểm ngập sâu bị chia cắt, lực lượng chức năng đã tổ chức canh gác, đảm bảo an toàn.

Trong sáng 15/10, tỉnh đã sơ tán di dời 161 hộ với 567 người ở vùng ngập lụt, nguy cơ sạt lở đất ở các huyện: Hải Lăng, Đakrông, Hướng Hóa đến nơi an toàn. Tỉnh đã lên phương án tổ chức sơ tán dân gồm: Dự kiến cần sơ tán tránh lũ, ngập lụt trên toàn tỉnh là 14.341 hộ với 53.005 nhân khẩu; sơ tán di dời dân vùng xảy ra lũ ống, lũ quét là 2.243 hộ với 8.921 nhân khẩu, tập trung chủ yếu ở hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông và các xã phía Tây của các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hải Lăng; sơ tán di dời dân vùng xảy ra sạt lở đất là 1.718 hộ với 6.831 nhân khẩu tại 27 xã thuộc 4 huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh.

qt-lu-1-8100-1665820943.jpgNgười dân xã Ba Lòng, huyện miền núi Đakrông đi tránh lũ. Ảnh: báo Nhân dân
 

Hiện nay, lũ trên sông Ô Lâu đang lên ở mức báo động 2 đến trên báo động 3. Các sông khác mực nước đang dao động ở mức báo động 1 đến trên báo động 2. Dự báo trong 24 giờ tới, lũ trên các sông Ô Lâu, Thạch Hãn tiếp tục lên sau đó đạt đỉnh ở mức từ báo động 3 đến trên báo động 3. Các sông khác tiếp tục lên mức từ báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2.

nuoc-lu-quang-tri-171020-1665820986.jpgLũ trên các sông ở tỉnh Quảng Trị lên nhanh do có mưa to đến rất to, gây ngập lụt và chia cắt giao thông ở nhiều tuyến đường. Ảnh tư liệu: TTXVN
 

Nguyên nhân là do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu nên trong những giờ qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến đạt từ 100 – 250mm, có nơi cao hơn như: A Vao (Đakrông) 278mm, Hải Phong (Hải Lăng) 286mm, A Bung (Đakrông) 370mm. Dự báo ngày 15 – 16/10 trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa lớn với lượng mưa phổ biển từ 100 – 250mm.

Trước tình hình này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã ra Công điện khẩn về việc tập trung ứng phó với mưa lũ.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; tuyên truyền hướng dẫn người dân ứng phó mưa lũ; quản lý chặt chẽ các ghe, thuyền ở khu vực bãi ngang ven biển đầm phá và trên các sông; triển khai ngay công tác sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, phòng chống ngập úng vùng thấp trũng và khu vực đô thị; có phương án bố trí các điểm sơ tán dân đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh.

Bố trí lực lương kiểm soát, hỗ trợ hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người.

Tổ chức gia cố đảm bảo an toàn cho các khu nuôi thủy sản, các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản ven biển; có phương án bảo vệ vật nuôi trong các trang trại chăn nuôi an toàn và bảo vệ diện tích hoa màu chưa thu hoạch xong.

Chủ động nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân ở những nơi có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở, sẵn sàng cứu trợ các hộ dân có nguy cơ bị thiếu đói, xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển, cắm biển báo cảnh báo sạt lở, ngập sâu.

Tăng cường kiểm tra giám sát, chỉ đạo các chủ đập thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, thưc hiện nghiêm túc trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và cho vùng hạ du. Bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất, chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị hư hỏng do mưa lũ.

Hạnh (T/h)