Quảng Ninh: Mô hình "Cộng đồng an toàn" tại xã Liên Hòa

Tạp Chí Nhân Đạo
Mô hình “Cộng đồng an toàn” được Hội chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh thực hiện tại xã Liên Hòa (TX Quảng Yên) đáp ứng được mục tiêu xây dựng cộng đồng có khả năng phòng ngừa ứng phó thảm họa, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hội CTĐ tỉnh Thái Bình: Mô hình Cộng đồng an toàn tại xã Liên Hòa

Cán bộ Hội CTĐ tỉnh tuyên truyền hướng dẫn người dân phòng ngừa dịch Covid-19 cho người dân xã Liên Hòa (TX Quảng Yên).

Để tăng cường khả năng chống chịu thảm họa cho cộng đồng tại Quảng Ninh, Hội CTĐ tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành liên quan thảo luận, phân tích thông tin, thống nhất lựa chọn 1 địa phương luôn có nguy cơ cao ảnh hưởng của thiên tai, triều cường khi có mưa bão xảy ra.

Trên cơ sở đó, thống nhất lựa chọn xã Liên Hòa để xây dựng mô hình “Cộng đồng an toàn”. Lý do chọn Liên Hòa là vì xã còn nhiều khó khăn, điều kiện vệ sinh môi trường, nước sạch và nhận thức về phòng ngừa, thiên tai thảm họa còn hạn chế, thiếu nguồn nước sạch. Xã nằm ở vùng trũng thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ của thiên tai triều cường, lũ lụt.

Năm 2018, mô hình “Cộng đồng an toàn” chính thức được triển khai, Hội CTĐ tỉnh chỉ đạo Hội CTĐ TX Quảng Yên phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức cuộc họp với đại diện UBND xã, ban, ngành, đoàn thể, trưởng thôn, xóm, hiệu trưởng các trường học, cán bộ từng khu dân cư để truyền đạt nội dung, mục đích để xây dựng cộng đồng an toàn.

Ông Vũ Hồng Hải, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: Chúng tôi xây dựng mô hình “Cộng đồng an toàn” trong việc hỗ trợ cơ sở vật chất và nâng cao nhận thức cho người dân về phòng ngừa thảm họa thiên tai, nước sạch và vệ sinh môi trường tại xã Liên Hòa là hết sức cần thiết. Hội đã tổ chức tập huấn phòng chống thiên tai thảm họa và quản lý rủi ro dựa vào cộng đồng.

Sau quá trình tập huấn, Hội đã lựa chọn 25 người làm nòng cốt để thành lập 1 đội tình nguyện viên CTĐ trực tiếp hỗ trợ, ứng phó khi địa bàn xảy ra thiên tai, cứu nạn cứu hộ, sơ cấp cứu nạn nhân, sơ tán người dân đến nơi an toàn...

Hàng năm, Hội CTĐ tỉnh tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho đội tình nguyện viên CTĐ xã về sơ, cấp cứu ban đầu, kiến thức về hiến máu tình nguyện, tư vấn sức khỏe cộng đồng, ứng phó thiên tai, thảm họa.

Qua 2 năm triển khai, Hội CTĐ tỉnh đã tổ chức 4 lớp với 300 lượt tình nguyện viên CTĐ tham gia. Trong năm 2020, Hội CTĐ tỉnh đã phối hợp tổ chức truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân, tổ chức phát 200 khẩu trang miễn phí. Từ nay đến hết năm 2020, Hội sẽ tổ chức 4 lớp tập huấn cho 100 giáo viên, học sinh tiểu học về bơi và an toàn trường học trên địa bàn xã.

Hội CTĐ tỉnh Thái Bình: Mô hình Cộng đồng an toàn tại xã Liên Hòa 1

Người dân xã Liên Hòa nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại Phòng giao dịch Ngân hàng Agribank Chi nhánh Quảng Yên, tháng 8/2020.

Cùng với đó, Hội CTĐ tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu 65 địa chỉ những đối tượng dễ bị tổn thương cần trợ giúp nhân đạo để vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ. Đến nay, Hội CTĐ tỉnh đã vận động kết nối trao tặng 25 xe đạp cho học sinh nghèo trị giá 37 triệu; tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; hỗ trợ kinh phí xây 5 nhà nhân đạo đạt chuẩn, trị giá 200 triệu đồng...

Đặc biệt, năm 2020, Hội CTĐ tỉnh đã triển khai hỗ trợ từ nguồn kinh phí của Dự án “Ứng phó dịch bệnh Covid-19” do Hiệp hội CTĐ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế viện trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Hội đã lựa chọn 57 hộ dân tại xã Liên Hòa để hỗ trợ, mỗi hộ nhận số tiền thấp nhất từ 1-3 triệu đồng.

Qua 2 năm triển khai mô hình, điều kiện sống của người dân xã Liên Hòa đã thay đổi tốt hơn. Môi trường sạch hơn, 75% người dân không còn vứt rác bừa bãi như trước; tỷ lệ người mắc các bệnh phụ khoa, tiêu chảy, hô hấp giảm 30%, tỷ lệ hộ nghèo từ 65 hộ giảm xuống còn 22 hộ; tỷ lệ cộng đồng đã hiểu biết về thiên tai, thảm họa và biện pháp phòng tránh, ứng phó tăng 20%; 100% người dân cho rằng xây dựng mô hình “Cộng đồng an toàn” là rất cần thiết.

Theo Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Vũ Hồng Hải, có được kết quả này là nhờ sự tham gia hỗ trợ của cộng đồng dân cư và các ban, ngành đoàn thể trong thôn, xã, thể hiện sự quan tâm vào cuộc của cộng đồng. Mô hình “Cộng đồng an toàn” như là một chất xúc tác, thúc đẩy sự vào cuộc của các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân tạo điều kiện để người dân vươn lên có cuộc sống tốt hơn so với trước khi thực hiện xây dựng mô hình.

Hiệu quả lớn nhất từ công tác xây dựng mô hình “Cộng đồng an toàn” có tính bền vững, cần hướng tới  cơ chế điều hành của chính quyền địa phương, trong đó mỗi người dân là chủ thể trong cộng đồng đó.

Dương Trường