Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm cho biết, là địa phương thường xuyên phải hứng chịu những thiệt hại do thiên tai gây ra, nên công tác PCTT và TKCN luôn được các cấp, các ngành, các địa phương tỉnh Quảng Bình đặc biệt quan tâm.
Ban Chỉ huy huy PCTT và TKCN kiêm Phòng thủ dân sự cấp tỉnh và các địa phương luôn được kiện toàn, có quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể. Các lực lượng, phương tiện, phương án PCTT và TKCN vận hành kịp thời, hiệu quả trong thời điểm diễn ra thiên tai bão lụt, giảm thiểu thiệt hại xảy ra.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm cũng đề nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN quan tâm hỗ trợ cho địa phương xây dựng các công trình nhà tránh lũ cộng đồng ở các thôn, bản; hỗ trợ về phương tiện, thiết bị trong cứu hộ, cứu nạn và phòng cháy, chữa cháy rừng để các lực lượng của tỉnh thực hiện tốt công tác PCTT và ứng cứu hiệu quả khi có tình huống xảy ra.
Theo báo cáo, từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan ảnh hưởng đến Quảng Bình với 4 đợt gió mùa đông bắc và không khí lạnh tăng cường gây rét đậm, rét hại, 2 đợt nắng nóng và 1 đợt mưa lũ trái mùa, xấp xỉ báo động II tại sông Kiến Giang. Ước tính tổng giá trị thiệt hại là trên 170 tỷ đồng (thiệt hại chủ yếu về gia súc, gia cầm, lúa và hoa màu).
Để chủ động ứng phó với sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, UBND tỉnh Quảng Bình đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm phòng thủ dân sự tỉnh và của các địa phương, cấp, ngành theo địa bàn quản lý. Xây dựng và triển khai kế hoạch PCTT giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch PCTT năm 2022. UBND tỉnh cũng ban hành Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro và trong bối cảnh dịch Covid-19 phù hợp với tình hình mới.
Phương châm "4 tại chỗ" được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt từ chỉ huy, lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hậu cần, đảm bảo tính chủ động, kịp thời và hiệu quả. Công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai đạt nhiều kết quả tích cực.
Sau thiên tai, các cấp, ngành và địa phương đã tập trung khắc phục hậu quả, bố trí ngân sách tỉnh hơn 25,7 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn. Hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do thiên tai. Hoàn thành các khu tái định cư, nhà ở cho người dân phải di dời khẩn cấp do sạt lở đất.
Tại buổi làm việc, các đại biểu trong đoàn kiểm tra và tỉnh Quảng Bình đã có nhiều ý kiến phát biểu, nêu lên những thuận lợi, khó khăn trong công tác PCTT và TKCN trong điều kiện diễn biến phức tạp của thời tiết và biến đổi khí hậu hiện nay. Đặc biệt là các nội dung có liên quan đến công tác PCTT và TKCN của tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua, cũng như các phương án, kế hoạch của tỉnh đã xây dựng để ứng phó hiệu quả nhất khi có tình huống xảy ra.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, trung tướng Doãn Thái Đức - Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, tích cực của tỉnh Quảng Bình trong công tác ứng phó sự cố thiên tai và TKCN.
Trung tướng nhấn mạnh, Quảng Bình là địa phương thường xuyên phải chịu thiệt hại lớn do thiên tai, vì thế, phải luôn chú trọng, chủ động trong công tác PCTT và TKCN, từ việc cập nhật, xây dựng các kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó có tính khả thi cao và triển khai lực lượng, phương tiện kịp thời, hiệu quả; thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", nhằm giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tốt tài sản của nhà nước, tài sản và tính mạng của nhân dân.
Về những đề xuất của tỉnh Quảng Bình và các đại biểu tại cuộc làm việc, trung tướng Doãn Thái Đức cho biết, đoàn kiểm tra sẽ tiếp thu đầy đủ để đề xuất với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, Bộ Tài chính và đơn vị liên quan xem xét, có sự quan tâm.