Phụ nữ Việt Nam - Lào - Campuchia hợp tác vì phát triển xanh, bền vững

Nguyễn Diệp Linh
Sáng 28/9, Diễn đàn “Phụ nữ Việt Nam – Lào - Campuchia - Hội nhập, hợp tác vì phát triển xanh và bền vững trong một thế giới có COVID-19” đã diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 3 điểm cầu Hà Nội, Vientiane (Lào) và Phnom Penh (Campuchia).

Chú thích ảnh Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga. Ảnh tư liệu: Phương Hoa/TTXVN

Diễn đàn là sáng kiến của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và sự phối hợp của Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào; Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và Phát triển; Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, với mong muốn cùng chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến nhằm phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong phát triển xanh và bền vững, cũng như tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.

Tham dự diễn đàn từ điểm cầu Hà Nội có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga và Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Elisa Fernandez. Từ điểm cầu Phnom Penh (Campuchia) có sự tham dự của Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Chủ tịch Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và Phát triển Men Sam An và từ điểm cầu Vientiane có sự tham dự của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào Inlavan Keobounphan.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nêu rõ, Diễn đàn là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022.

Nhấn mạnh bảo đảm bền vững về môi trường là một trong 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và tiếp nối là Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có các mục tiêu liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khẳng định, phụ nữ là đối tượng chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19, nhưng đồng thời là nhân tố tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đóng góp vào phát triển xanh, bao trùm và bền vững. Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, hiện nay, vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế xanh, vẫn chưa được ghi nhận và phát huy đầy đủ do những định kiến về giới.

Trong những năm qua, các tổ chức Hội phụ nữ ở 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã có nhiều hoạt động thiết thực vì mục tiêu phát triển bền vững. Với việc phối hợp tổ chức Diễn đàn, phụ nữ ba nước tiếp tục khẳng định vai trò tích cực của phụ nữ và các tổ chức phụ nữ trong tiến trình hướng tới phát triển xanh và bền vững ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Nhân dịp này, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga mong muốn và kêu gọi phụ nữ ba nước cùng hợp tác, đoàn kết nhằm bảo vệ môi trường, vì cuộc sống hài hòa với thiên nhiên và cho một tương lai bền vững hơn.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và Phát triển Men Sam An nhấn mạnh, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai, ô nhiễm môi trường… đã và đang tác động mạnh đến lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch, là những tác động lâu dài đến đời sống xã hội, kinh tế, trong đó nhóm phụ nữ và trẻ em nằm trong số những nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất. Những tác động tiêu cực này cần có giải pháp tổng thể, lâu dài và bền vững, đòi hỏi sự tham gia của tất cả chúng ta đang sinh sống trên trái đất.

“Phát triển xanh, bền vững được coi là giải pháp giúp phát triển kinh tế, xã hội, giảm thiểu rủi ro cho xã hội loài người, làm cho đời sống xã hội ổn định trở lại, con người có thể sống hài hòa trong thế giới tươi đẹp”, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và Phát triển Men Sam An khẳng định.

Hoan nghênh và đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào Inlavan Keobounphan cho biết, Chính phủ nước này đã nâng cao tính chủ động tham gia ứng phó với dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, đồng thời coi đây là những mối đe dọa đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội quốc gia nói chung, đối với sự phát triển của phụ nữ và trẻ em nói riêng.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào tin tưởng, với điều kiện hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng rộng khắp, phụ nữ ba nước sẽ tiếp tục vun đắp tình hữu nghị vì lợi ích của nhân dân ba nước, đồng thời góp phần vào sự nghiệp hòa bình, tăng cường thắt chặt tình hữu nghị và hợp tác với các nước trong việc tiếp tục thực hiện phương châm kết nối và hội nhập quốc tế.

Đánh giá cao các cam kết mạnh mẽ của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Elisa Fernandez nhấn mạnh, các chính sách và chương trình về rủi ro khí hậu, môi trường và thiên tai phải đặt phụ nữ và trẻ em gái vào trung tâm của quá trình ra quyết định. Theo bà Elisa Fernandez, các nước cần tiếp tục xem xét các cơ hội và thách thức, đồng thời trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái để họ có tiếng nói, ảnh hưởng bình đẳng trong quá trình ra quyết định liên quan đến biến đổi khí hậu và tính bền vững, qua đó thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển bền vững.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về các sáng kiến, kinh nghiệm tốt, gợi mở cho sự hợp tác mới nhằm tăng cường bình đẳng giới, phát huy vai trò của phụ nữ và các tổ chức phụ nữ trong phát triển xanh và bền vững, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19.