Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự quan tâm hỗ trợ các dự án của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Nhiều chương trình dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhằm giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Điển hình đó là mô hình dự án "Nâng cao cải thiện đời sống cho phụ nữ nghèo" ở Buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút.
Buôn Nui là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số Êđê Kpặ, có 278 hộ với 1.578 khẩu; buôn nằm ở phía Đông giáp với sông Sêrêpôk, phía Tây giáp Buôn Trum, phía Bắc giáp Buôn Buôr và phía Nam giáp thôn 2. Đồng bào sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi, trồng cây nông nghiệp như cà phê, tiêu, điều.
Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai dự án "Nâng cao cải thiện đời sống cho phụ nữ nghèo" từ năm 2019 ở Buôn với số tiền 75 triệu đồng, giải quyết cho 50 chị em nghèo vay với lãi suất 0,8%/tháng. Đúng như cái tên gọi của dự án, sau thời gian hoạt động dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay dự án đã hỗ trợ thêm nguồn vốn, nâng tổng số hiện có lên 105 triệu đồng, giải quyết cho 70 chị em vay. Để dự án cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích mang lại hiệu quả thiết thực, Buôn đã tiến hành khảo sát các đối tượng thuộc diện đặc biệt khó khăn của Buôn, thành lập 8 nhóm và bầu ra 1 người làm tổ trưởng để giám sát và theo dõi dự án. Đồng thời phân tích kỹ để các thành viên hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc tiết kiệm. Thông qua các nhóm tiết kiệm, công tác triển khai nguồn vốn, rà soát đối tượng vay vốn luôn được dự án thực hiện công khai, minh bạch. Tổ phụ nữ nghèo Buôn Nui sinh hoạt định kỳ vào ngày 30 hàng tháng, thông qua các buổi sinh hoạt dự án, các thành viên trong tổ nhóm vay được giao lưu, học hỏi cách làm hay từ tổ nhóm này với tổ nhóm khác. Theo quy định trong buổi sinh hoạt định kỳ chị em phải đóng tiền lãi suất, số tiền lãi thu được đã trích một phần nhỏ để hỗ trợ 02 bếp ăn vì bệnh nhân nghèo tại Bệnh viên Đa khoa huyện Cư Jút, số tiền còn lại tổ dự án dùng để chi thăm hỏi các hội viên ốm đau.
Bên cạnh đó, dự án còn xây dựng hũ gạo tại buôn, tổ chức họp vào ngày 30 hàng tháng, chị em đều mang gạo bỏ vào hũ gạo trung bình mỗi tháng thu được 60kg gạo. Số gạo này được ủng hộ vào 2 bếp ăn vì bệnh nhân nghèo tại bệnh viện đa khoa huyện và hỗ trợ các hộ đặc biệt khó khăn trong buôn.
Thông qua dự án, đa số các nhóm đều hoạt động tốt ghi chép sổ sách đầy đủ, từ đó cho vay, trả lãi và gốc theo đúng quy định. Điều đáng mừng, với việc tham gia vào các nhóm tiết kiệm, dự án đã góp phần không nhỏ vào việc giúp các thành viên hình thành thói quen tiết kiệm chi tiêu trong gia đình, hỗ trợ nhau trong sản xuất.
Với ý nghĩa hết sức thiết thực,mô hình này đã được nhân rộng nhiều nơi trong tỉnh, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bà con dân tộc Tây Nguyên nói chung và những người phụ nữ nói riêng.