Các đồng phạm gồm: Nguyễn Văn Dương (31 tuổi), Phan Tuấn Kiệt (35 tuổi), Mai Văn Bằng (38 tuổi), Phạm Văn Dương (28 tuổi), Mai Văn Nam (34 tuổi), Phạm Văn Ninh (23 tuổi), Nguyễn Quang Trực (34 tuổi), Nguyễn Viết Cường (47 tuổi), Nguyễn Văn Lực (30 tuổi), cùng ngụ tại tỉnh Quảng Bình); Lê Hoàng Phúc (47 tuổi), K’Xin (34 tuổi), Trần Thọ (51 tuổi), cùng ngụ huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng); Nguyễn Văn Tuấn (42 tuổi), ngụ huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông); Nguyễn Văn Thành (51 tuổi; ngụ huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương); Nguyễn Văn Tú (45 tuổi; ngụ xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng); Hoàng Văn Chác (30 tuổi; ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước).
Riêng bị cáo Võ Văn Việt (35 tuổi, ngụ xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm), nhân viên thuộc Công ty Lâm nghiệp Lộc Bắc (tỉnh Lâm Đồng), bị tuyên phạt về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo cáo trạng, đây là vụ án phá rừng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại các tiểu khu 390A, 396, 397 và 419 thuộc khu vực hồ Thủy điện Đồng Nai 5 (xã Lộc Bắc, H.Bảo Lâm) được lực lượng Bộ Công an và tỉnh Lâm Đồng triệt phá vào đầu tháng 7/2016 gây xôn xao dư luận.
Khu vực rừng bị lâm tặc tàn phá chủ yếu thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc (H.Bảo Lâm) quản lý, giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và VQG Cát Tiên.
Sau nhiều tháng nắm tình hình, rạng sáng 8/7/2016, tổ công tác thuộc Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an) và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã mật phục bất ngờ ập vào lán trại của các đối tượng khai thác gỗ lậu tại khu vực lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 5.
Tại đây, tổ công tác đã bắt quả tang gần 20 đối tượng đang vận chuyển và tàng trữ gỗ lậu với số lượng lớn. Tổng cộng 105 cây gỗ cổ thụ các loại như (xương gà, dổi, xuân thôn và sile) bị nhóm lâm tặc của Hà “đen” triệt hạ, với tổng khối lượng gỗ lên đến gần 300m3. Sáu đối tượng bị tạm giữ tại chỗ, nhiều đối tượng liên quan đến đường dây phá rừng quy mô lớn này bỏ trốn, trong đó có đối tượng cầm đầu "Hà đen”.
Sau đó, Bộ Công an đã bàn giao vụ án này cho Công an tỉnh Lâm Đồng. Ngày 12/7/2016, Công an tỉnh Lâm Đồng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 11 bị can để điều tra. Thời điểm này, Công an tỉnh Lâm Đồng bắt tạm giam 10 bị can, riêng Lê Hồng Hà đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Công an tỉnh Lâm Đồng phát lệnh truy nã Lê Hồng Hà trên toàn quốc; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm khám nghiệm hiện trường các khu vực rừng bị phá. Qua nhiều ngày khám nghiệm, cơ quan chức năng phát hiện có tổng cộng 105 cây gỗ cổ thụ các loại như (xương gà, dổi, xuân thôn...) bị các nhóm lâm tặc của "Hà đen" triệt hạ, với tổng khối lượng gỗ lên đến gần 300 m3.
Cơ quan chức năng xác định, trong vụ phá rừng này, Lê Hồng Hà đã có hành vi trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, trả tiền công và cung cấp phương tiện, máy móc cho 5 nhóm đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép rồi bán lại cho Nguyễn Văn Tuấn với khối lượng trên 1.200m3 để thu lợi bất chính.
Bị cáo Võ Văn Việt, là nhân viên thuộc Công ty lâm nghiệp Lộc Bắc được giao nhiệm quản lý bảo vệ rừng tại Tiểu khu 390A, nhưng đã để xảy ra tình trạng phá rừng trong thời gian dài mà không phát hiện gây hậu quả nghiêm trọng.
HĐXX nhận định hành vi của bị cáo Lê Hồng Hà và đồng bọn đã vi phạm nghiêm trọng các quy định bảo vệ rừng, làm mất an ninh trật tự tại địa phương. Vì vậy HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Hồng Hà 6 năm tù giam và buộc phải bồi thường thiệt hại số tiền 1 tỷ 79 triệu đồng; bị cáo Võ Văn Việt bị tuyên phạt 18 tháng tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt mức án từ 18 tháng tù đến 4 năm 6 tháng, buộc bồi thường thiệt hại số tiền từ 80 triệu đồng đến 925 triệu đồng.
Ngoài ra, 2 bị cáo Nguyễn Viết Cường, Nguyễn Quang Trực được thả tự do tại phiên tòa vì thời hạn phạt tù bằng với thời hạn bị bắt tạm giam trước đó.