Ông lão ngoài tám mươi tuổi thổi hồn vào những tờ giấy vụn thành những tác phẩm tuyệt đẹp

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Chỉ với hộp hồ, xấp giấy lịch cũ cùng bộ óc sáng tạo tao nhã, ông Diệp Năng Thông (SN 1936), trú tại phường Tây Sơn, thành phố Pleiku (Gia Lai) đã cho ra đời cả trăm bức tranh sống động về quê hương, đất nước và những người thân yêu đang sống quanh mình...

Tâm hồn sáng tạo thổi vào những bức tranh độc đáo

Những người sống lâu ở phố núi Pleiku có lẽ không ai xa lạ với quán cà phê nhỏ ở ngã ba đường Lê Lợi - Nguyễn Du. Quán đã có tuổi đời gần nửa thế kỷ, cũng nhờ nguồn thu từ nơi này mà vợ chồng ông Thông đã nuôi dạy 8 người con nên người, thành đạt.

Bằng tâm hồn nghệ thuật của mình ông đã thổi vào tạo nên những bức tranh tuyệt đẹp
Bằng tâm hồn nghệ thuật của mình ông đã thổi vào tạo nên những bức tranh tuyệt đẹp.

 Tiếp chúng tôi vào một buổi sáng se se lạnh, ông lão dù đã ngoài tám mươi tuổi, cái xuân dù qua gần thế kỷ, nhưng vẫn chỉ diện bộ quần tây, áo sơ mi tay cộc, vừa khỏe mạnh, vừa lịch lãm. Mái tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào, gương mặt phúc hậu và đặc biệt là giọng nói chân tình, hài hước, trí nhớ minh mẫn là những gì chúng tôi cảm nhận được khi trò chuyện cùng nhân vật.

Được hỏi về cơ duyên đến với môn nghệ thuật xé giấy ghép tranh này, ông Thông kể rằng, ông vốn là thợ may nhưng trong người lại có chút năng khiếu vẽ vời. Hơn 40 năm trước, ông vô tình được đọc một bài báo nói về việc ghép giấy màu thành tranh ở Nhật Bản. Lúc đó, máu nghệ sỹ nổi lên, ông mê mẩn, luôn đau đáu trong đầu rằng, người Nhật làm được thì chắc chắn thế nào người Việt cũng làm được, chỉ cần chịu khó tìm tòi. Thuở ấy, ông cũng đôi ba lần tạm gác việc may vá để làm thử, nhưng rồi tự thấy rằng không thể đeo đuổi niềm đam mê này. Bởi còn đó nỗi lo cơm áo gạo tiền, khi đàn con lóc nhóc lúc nào cũng cần đến cái ăn và đến trường.

Cách đây 20 năm, khi các con đã trưởng thành, ổn định, lúc này, ông bắt đầu bắt tay vào thực hiện niềm đam mê mà mình đã ấp ủ nhiều năm trời. Ngày ngày lên chiếc gác lỡ, một mình xé xé dán dán, tự tìm kinh nghiệm cho bản thân. Ròng rã 11 năm trời, sau nhiều lần thất bại, vào năm 2008, ông Thông mới cho ra đời bức tranh đầu tay để tặng người con trai trưởng của mình.

Nói đến đây, tôi cảm nhận được nét xúc động thể hiện rõ trên khuôn mặt của ông. Ông kể, suốt mấy mươi năm qua, từ hồi còn trai trẻ cộng với niềm đam mê hội họa, ông đã cho ra đời rất nhiều bức sơn dầu, tranh truyền thần… nhưng đây là tác phẩm để lại cho ông nhiều kỷ niệm nhất. Đó là kỷ niệm của đúng 28 ngày miệt mài với một đống giấy lịch cũ, tỉ mẩn tìm đủ 2008 góc màu phù hợp để xé dán cho thành hình.

Kỷ niệm của những chiều ngồi ngắm bức tranh còn đang dang dở bên ấm trà cùng với người bạn vong niên, họa sỹ “Vẽ Sống”- người đã tự tay ghi tựa đề “Bảo vệ” cho bức tranh này đồng thời tự phong luôn cho ông Thông lên hàng nghệ nhân. Tôi thắc mắc về ý nghĩa của những con số, ông cho biết, ngày 28/2/2008 chính là ngày sinh nhật lần thứ 72 của mình và ông đã cố tình chọn những con số này để ẩn trong bức tranh làm quà tặng cho người con đúng vào cái ngày này.

Tác phẩm cô gái Huế gánh hoa bên dòng sông Hương đã tạo nên bức tranh hoàn hảo
Tác phẩm Cô gái Huế gánh hoa bên dòng sông Hương đã tạo nên bức tranh hoàn hảo.

Tìm đến nhà người con trai trưởng của ông để mục sở thị thì thấy, toàn cảnh là một màn sơn thủy hữu tình, xa xa là thảo nguyên xanh biếc, nhân vật chính trong tranh là 2 con hổ, 1 con ngựa non và 1 chú cún con dễ thương. Thoạt nhìn, tôi không thể hiểu những nhân vật này có ăn nhập gì với nhau trong bức tranh, nhưng khi được chủ nhà giới thiệu thì vỡ lẽ rằng, đây là những con giáp ứng với tuổi các thành viên trong gia đình người con trai trưởng và được ông Thông bố cục một cách khéo léo thành một gia đình hạnh phúc. Dưới góc phải bức tranh còn lưu lại bút ký của người bạn đã mất của ông Thông, họa sỹ Sống.

Hiểu được cái nghĩa, cái tình của ông gửi vào tranh, tự dưng tôi cảm nhận được bức tranh sao đẹp lạ lùng, đẹp ở tình yêu thương vô bờ bến đối với con cháu, với quê hương, thiên nhiên, tình bằng hữu… Dạo một vòng sang nhà các con, các cháu của ông Thông đang sinh sống ở phố Núi Pleiku, ở đâu tôi cũng được thưởng lãm những bức tranh được treo trịnh trọng ở phòng khách. Các con cháu của ông Thông đều rất đỗi hoan hỉ và tự hào về những bức tranh do cha mình, ông mình tự tay làm tặng.

Từ thời điểm bức tranh "Bảo vệ" ra đời, đến nay ông Thông đã hoàn thành cả trăm bức tranh dạng này để tặng cho con cháu, bạn bè và những người ông yêu quý. Chủ đề chủ yếu trong tranh của ông là những hình ảnh thân thuộc của làng quê, gia đình, cảnh đẹp của quê hương, đất nước... Thật diệu kỳ làm sao, những mảnh giấy vụn vốn vô tri, song khi qua tay ông Thông, chúng bỗng trở nên có hồn.

Những mãnh giấy vụn nhưng ông đã thổi hồn vào để trở thành những bức tranh hoàn hảo
Dưới bàn tay khéo léo của ông Thông, những mãnh giấy vụn đã trở thành những bức tranh hoàn hảo.

 'Tiên ông' giữa đời thường              

Tại nơi làm việc của ông, hình ảnh căn gác lỡ khá bề bộn với đống giấy lịch cũ, 1 chiếc đòn, 1 thùng giấy làm cái bàn, 1 hộp hồ, tấm nệm và những bức tranh còn dang dở... Ông Thông nói rằng, thời gian để hoàn thành một bức tranh là khoảng nửa tháng. Theo đó, mỗi ngày ông chỉ bỏ ra 2 giờ làm việc này và làm bất kể thời điểm nào trong ngày. Ông coi đây như là niềm vui của tuổi già, cứ lúc nào có hứng thì bắt tay vào làm, khi nào mệt thì ngủ ngay chỗ làm việc luôn.

Theo ông Thông, làm việc này rất cần sự kiên nhẫn, phải tỉ mỉ và có chút óc nghệ sỹ. Nhiều hôm, dán xong thấy không phù hợp, ông lại hì hục gỡ ra làm lại, làm cho đến lúc nào thấy ưng ý thì thôi.

Qua tìm hiểu được biết, để óc sáng tạo không bao giờ ngừng nghỉ thì thời khóa biểu về sinh hoạt hàng ngày của ông Thông hết sức lành mạnh. Cụ thể, đều đặn như vắt chanh, sáng nào ông cũng dậy sớm đi bộ tập thể dục, ăn đồ ăn sáng do vợ nấu, uống cà phê tán gẫu cùng bạn bè, đi thăm thú người thân quen... Chỉ khi nào rảnh rỗi thì ông mới lên chiếc gác lỡ quen thuộc để làm việc.

Khi chúng tôi hỏi ông có uống rượu không thì ông khẳng định rằng... 'nam vô tửu như kỳ vô phong', song phải uống vừa sức, điều độ. "Để cho óc sáng tạo không bao giờ mòn thì cần phải có một thân thể khỏe mạnh, đầu óc vui vẻ, thanh thản, sinh hoạt lành mạnh. Tôi không làm việc này để kinh doanh nên chẳng bao giờ đặt nặng về thời gian, tạo áp lực cho mình, chỉ khi nào thấy ưng ý thì mới cho ra đời tác phẩm", ông Thông chia sẻ. 

Ong Thông tạo ra những tác phẩm bằng lòng đam mê
Những tác phẩm được tạo ra bằng lòng đam mê.

Hữu xạ tự nhiên hương, dù không có ý định kinh doanh nhưng rồi cũng có người đến đặt mua tranh của ông Thông. Vị khách hàng đầu tiên là bác sỹ Mai Trung Giáo kể rằng, mình được bác Thông tặng cho một bức tranh có chủ đề "Cô gái Huế". Ông Giáo rất trân quý nên đã treo nó ở vị trí trang trọng nhất trong căn nhà của mình.

Theo ông Giáo, tranh vẽ, tranh sơn dầu, tranh gạo, tranh cát... cũng có giá trị nhưng hễ ai có tiền thì đều có thể mua được, nên không có gì là lạ. Nhưng với tranh ghép giấy, phải khẳng định đây là... 'hàng độc', rất có thể chỉ bác Thông là duy nhất trên đất nước Việt Nam này làm được bởi trên công cụ tìm kiếm Google không thấy kết quả nào liên quan đến việc này. Ngoài ra, tranh của bác Thông còn toát lên tinh thần yêu quê hương, đất nước cũng như trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với gia đình, xã hội.

Hình ảnh chàng trai cô gái cưỡi ngựa dạo bước trên vùng cao nguyên
Hình ảnh chàng trai cô gái cưỡi ngựa dạo bước trên vùng cao nguyên.

Và, đây cũng chính là những đức tính, cốt cách, khí chất cao quý của bác Thông mà ông Giáo cho rằng đã được chứng kiến mấy chục năm nay. "Sau khi chia sẻ bức tranh trên lên trang cá nhân, những người bạn ở bên Pháp của gia đình tôi tỏ ra thích thú, họ cũng cho rằng tranh rất lạ, ở bển cũng không có nên rất muốn được sở hữu. Chính vì vậy, tôi đã đặt hàng bác Thông 10 bức tranh để tặng cho bạn bè bên Pháp", ông Giáo nói.                                                                                                                                     

Tùy Phong