Đoàn đã đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Hoài Thương (phường Nam Bình)- người hiến tạng, đem lại sự sống cho 6 người mắc bệnh hiểm nghèo về tim, gan, thận... Thắp hương tưởng nhớ chị Thương, đồng thời động viên tinh thần gia đình chị Thương sớm vượt qua nỗi đau, ổn định, vươn lên trong cuộc sống và luôn quan tâm, ủng hộ các hoạt động của Hội CTĐ. Đoàn cũng đến thăm gia đình và thắp hương tưởng nhớ cụ Nguyễn Đức Mùi (phường Nam Thành)-người đã hiến giác mạc ngày 19/6/2022. Cụ Mùi nguyên là cán bộ Hội CTĐ Ninh Bình. Cụ đã trực tiếp viết đơn, đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời từ năm 2008.
Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Ninh Bình cho biết: "Việc vận động hiến mô, tạng là việc làm vô cùng khó khăn. Rất nhiều người đều hiểu và biết rõ, hiến mô, tạng là hành động cứu người, song không dễ dàng gì thực hiện được bởi có nhiều rào cản, quan niệm từ gia đình, dòng họ và suy nghĩ tâm linh phải "chết nguyên vẹn." Đặc biệt, việc hiến mô, tạng chỉ thực hiện được với những người chết não nhưng thông tin về những người có nguy cơ chết não đến với Hội CTĐ lại vô cùng hạn chế."
Tính đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình đã có 15.209 người đăng ký và hiến mô, tạng(503 người đã hiến giác mạc và 3 người đã hiến mô, tạng). Cụ thể ba người hiến mô tạng là thiếu tá Lê Hải Ninh (hiến mô, tạng năm 2018), anh Dương Hồng Quý (hiến mô, tạng năm 2018) và chị Nguyễn Thị Hoài Thương (hiến mô, tạng năm 2022). Trường hợp hiến giác mạc đầu tiên tại tỉnh Ninh Bình (tháng 4/2007) là cụ Nguyễn Thị Hoa (xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn). Cụ Hoa cũng là người hiến tặng giác mạc đầu tiên của Việt Nam.
Qua hơn 16 năm phát động, phong trào hiến tặng mô tạng đã lan tỏa tại nhiều địa phương của tỉnh Ninh Bình; góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, lan toả ngọn lửa nhân ái, thay đổi nhận thức của toàn xã hội về hoạt động hiến mô, tạng nhân đạo./.