Những tình nguyện viên áo đỏ

Đặng Thu Hằng
Bất kể ngày, đêm, những tình nguyện viên tại các điểm, trạm sơ cấp cứu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đều không ngại khó khăn, có mặt tại hiện trường để SCC và hỗ trợ nạn nhân gặp tai nạn giao thông hay rủi ro trên đường đến cơ sở y tế kịp thời. Việc làm thầm lặng, ý nghĩa ấy đã giữ lại tính mạng cho biết bao người.

Trước đây, tình hình giao thông trên quốc lộ 17 đoạn qua địa phận phường Đa Mai (TP Bắc Giang) khá phức tạp. Tại đây xảy ra không ít vụ va chạm, tai nạn giao thông nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, điểm sơ cấp cứu phường Đa Mai đã được thành lập năm 2010 với 6 thành viên, độ tuổi từ 30 đến 50. Dưới sự hướng dẫn của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) địa phương, tất cả các thành viên đều được tập huấn kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu ban đầu. Từ đó đến nay, điểm sơ cấp cứunày đã giúp đỡ hơn 200 người gặp nạn.

20230807082500-15-1691393325.jpg
Các thành viên của điểm  sơ cấp cứu phường Đa Mai (TP Bắc Giang) họp rút kinh nghiệm về công tác SCC trong tháng 7/2023.

Gắn bó với đội tình nguyện từ những ngày mới thành lập, chị Vũ Thị Thủy (SN 1982) ở tổ dân phố Hòa Sơn là thành viên tích cực, năng nổ. Nhiều trường hợp đã được chị và các thành viên của đội giúp đỡ. Đến giờ chị vẫn còn nhớ vụ tai nạn xảy ra năm 2012. Buổi chiều nhá nhem, một bà cụ gánh hàng qua đường va chạm với một chiếc ô tô.

Vụ va chạm khiến bà ngã lăn ra đường, chảy nhiều máu khiến những người xung quanh rất hoảng sợ. Thời điểm ấy, chị Thủy đang mang bầu. Ngay khi nhận được tin báo, chị cùng các tình nguyện viên đã kịp thời có mặt, cầm máu, băng bó vết thương rồi nhanh chóng đưa nạn nhân tới bệnh viện. Những người còn lại phối hợp cùng người dân bảo vệ hiện trường, tài sản và chờ lực lượng chức năng tới giải quyết.

Chị Thủy nói: “Công việc không lương, không phụ cấp nên một số người nói chúng tôi lo chuyện bao đồng. Tuy nhiên, chúng tôi biết việc mình làm là ý nghĩa, giúp nhiều người thoát khỏi cơn nguy cấp. Vì vậy mọi người động viên nhau sẽ tiếp tục công việc này tới khi nào sức khỏe còn cho phép”.

Thành lập đầu năm 2020, điểm sơ cấp cứu thị trấn Bắc Lý (Hiệp Hòa) đã phát huy phát huy vai trò trong việc giảm thiểu thương tích cho các nạn nhân bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Hiện nay, đội có 5 thành viên. 3 năm qua, bằng sự tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, đội đã SCC cho khoảng 20 người gặp tai nạn trước khi chuyển tới cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, điểm SCC thị trấn Bắc Lý còn tích cực hướng dẫn người dân các phương pháp sơ cấp cứu ban đầu; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa của hiến máu tình nguyện. Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Hiệp Hòa cho biết: “Hoạt động của điểm SCC thị trấn Bắc Lý đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng; góp phần đưa huyện Hiệp Hòa trở thành một trong các địa phương đứng đầu tỉnh về kết quả vận động hiến máu với lượng máu hiến cao”.

Toàn tỉnh có 159 trạm, điểm sơ cấp cứu với sự tham gia của gần 800 tình nguyện viên, tất cả đều bảo đảm tiêu chuẩn và được Sở Y tế cấp phép hoạt động.

Theo đánh giá của T.Ư Hội CTĐ Việt Nam, Bắc Giang là một trong những đơn vị có nhiều điểm chốt sơ cấp cứu đạt chuẩn và hoạt động hiệu quả nhất cả nước. Trung bình mỗi năm, đội ngũ tình nguyện viên đã SCC cho nạn nhân trong gần 200 vụ tai nạn. Sự ra đời của mô hình góp phần giảm thương vong, giúp người bị nạn được cấp cứu ngay trong “thời điểm vàng”, đồng thời giảm tải công việc cho đội ngũ y, bác sĩ tuyến trên.

Hằng năm, Hội CTĐ tỉnh tổ chức nhiều đợt tập huấn kỹ thuật sơ cấp cứu. Tất cả các tình nguyện viên đều bảo đảm nắm chắc những kiến thức cơ bản về tai nạn thương tích; nguyên tắc, các bước và kỹ thuật trong sơ cấp cứu ban đầu đối với các nạn nhân gặp nạn ở tình huống khẩn cấp như: Di chuyển khẩn cấp nạn nhân, xử lý dị vật đường thở, bất tỉnh, cách băng bó vết thương, cố định xương gãy, xử lý bỏng…

Các tình nguyện viên tại tất cả các điểm chốt sơ cấp cứu trên địa bàn đều làm việc không lương, không phụ cấp với tinh thần tình nguyện. Để các đội sơ cấp cứu có điều kiện hoạt động, Hội CTĐ tỉnh phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh hỗ trợ trang thiết bị, túi cấp cứu, thuốc và bổ sung dụng cụ sơ cấp cứu cần thiết cho 100% trạm, điểm trong toàn tỉnh.

Sơ cấp cứu là hoạt động quan trọng giúp hạn chế rủi ro, thương vong, được các cấp hội chú trọng triển khai nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Theo đồng chí Lê Thị Duyên, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, để công tác này tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới, Hội CTĐ tỉnh sẽ tiếp tục vận động các nguồn lực để có thêm nguồn kinh phí đầu tư, bổ sung, cập nhật trang thiết bị, dụng cụ huấn luyện và nâng cao năng lực cho các tình nguyện viên. Đồng thời động viên, khen thưởng những cá nhân, đơn vị điển hình trong công tác này .