Các nhân viên y tế điển hình về hiến máu tình nguyện đều có điểm chung là số lần hiến máu nhiều, trong đó, nhiều lần hiến máu trực tiếp để cấp cứu bệnh nhân và đều không biết bệnh nhân là ai. Tôi thật sự ngưỡng mộ họ, vì việc chữa bệnh, cứu người bằng công tác chuyên môn đã đủ tạo áp lực cho nhân viên y tế, vậy mà họ còn luôn tình nguyện hiến máu để cứu chữa bệnh nhân trong những thời khắc sinh tử.
1. Từ Lạng Sơn về dự lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu của năm 2013, anh Vương Văn Thắng - giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Sơn La - người đã 43 lần hiến máu, chia sẻ: Có lần, đưa sinh viên đi thực tập ở Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, đang trực tối thì nhận thông báo từ Khoa Huyết học có một bệnh nhân bị tai nạn giao thông cần truyền máu gấp. Anh Thắng lập tức có mặt để hiến máu kịp truyền cho bệnh nhân.
Anh Vương Văn Thắng - giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Sơn La - chia sẻ những kỷ niệm về hiến máu cấp cứu người bệnh
Hôm sau, bác sĩ báo tin nhờ có máu kịp thời, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Anh Thắng kể, khi đó, anh thấy lòng nhẹ nhõm vô cùng. Đó chỉ là một trong nhiều lần anh góp phần cùng đồng nghiệp đưa người bệnh qua cơn nguy kịch.
Vào đợt dịch Covid-19, đang cách ly căng thẳng, thì Thắng nhận được tin báo có sản phụ phải truyền cấp cứu 3 đơn vị máu. Đang dịch, có 3 đơn vị máu là cực khó, nên anh vội kéo theo vợ cùng đi hiến để được 2 đơn vị máu. Sau đó, bác sĩ nhắn tin cho anh ngắn gọn “mẹ tròn con vuông”. Chỉ thế thôi mà niềm vui cứ lan mãi trong anh…
Anh Thắng hiện là Chủ nhiệm CLB hiến máu tình nguyện của trường và là một trong những người thường xuyên sẵn sàng hiến máu để cấp cứu người bệnh.
Bác sỹ Trần Như Dũng - BV Phục hồi Chức năng Sơn La
2. Sơn La là tỉnh vùng cao, những năm trước, việc hiến máu chưa phổ biến. Nhưng bác sỹ Trần Như Dũng (BV Phục hồi Chức năng Sơn La), đã “đi trước thời đại” với 25 lần hiến máu và còn vận động được 200 người cùng hiến máu.
Có lần, một sản phụ ở BV Đa khoa tỉnh Sơn La phải mổ và cần truyền máu cấp cứu mà BV không có máu. BV và người nhà bệnh nhân kêu gọi giúp đỡ. Được tin báo, bác sĩ Dũng lập tức có mặt. Nhờ những giọt máu ân tình của người thầy thuốc, 2 mẹ con sản phụ qua cơn nguy kịch.
Lần khác, ở BV Đa khoa huyện Mộc Châu có bệnh nhân bị tai nạn giao thông, nhưng BV cũng không có máu để truyền cấp cứu. Trước lời kêu gọi của BV, bác sĩ Dũng lại lập tức hiến máu để cùng BV giành giật bệnh nhân khỏi bàn tay tử thần.
Đợt dịch Covid-19, bác sĩ Dũng tình nguyện đi TP. Hồ Chí Minh để chống dịch, nhưng đúng lúc đó, dịch bùng phát ở huyện Phú Yên, tỉnh Sơn La. Dũng lại xung phong vào vùng dịch. Chuẩn bị đi thì BV Đa khoa tỉnh Sơn La có sản phụ phải truyền máu cấp cứu trong khi BV không có máu. Trước tính mạng người bệnh bị đe dọa, bác sĩ Dũng đã vượt qua các vòng phong tỏa, cách ly để đến BV hiến máu, rồi mới lên đường vào tâm dịch.
Công tác ở BV Phục hồi chức năng, nhưng bác sĩ Dũng đang là thành viên của CLB hiến máu BV Đa khoa tỉnh Sơn La - những người luôn sẵn sàng hiến máu để cứu chữa bệnh nhân bất cứ lúc nào.
Chị Nguyễn Thị Lan - điều dưỡng của BV Đa khoa TW Quảng Nam
3. Gương mặt sáng, luôn vương nụ cười hồn hậu, chị Nguyễn Thị Lan (Điều dưỡng của BV Đa khoa TW Quảng Nam) trẻ hơn tuổi 52 rất nhiều. Trong 34 lần hiến máu, rất nhiều lần chị đã hiến máu phục vụ cấp cứu ở BV của mình. Việc giữa đêm khuya, ngày mưa rét hay nắng nóng, đồng nghiệp gọi đi hiến máu cho bệnh nhân đã trở thành chuyện bình thường của chị.
Có một kỷ niệm mà chị Lan khó quên. Đó là lần Quảng Nam đang trong đợt mưa bão lớn, chị đang trực ở Khoa Cấp cứu thì bác sĩ ở Khoa Sản gọi điện: Một sản phụ cần truyền nhiều máu, chị có thể hiến máu được không?
Giữa mưa gió bão bùng, chị lập tức mặc áo mưa rồi gọi một người bạn thân chạy ngay đến hiến máu để đủ truyền cho sản phụ. “Khi bác sĩ báo tin sản phụ đã an lành, tôi vui hệt như đó là người thân của mình vậy, và thấy những giọt máu của mình thật có ý nghĩa” - chị Lan chia sẻ.
Chị Lan tâm sự: Là nhân viên y tế nhưng khi ốm đau, mình cũng là bệnh nhân, nên giúp bệnh nhân lúc này, khi mình ốm đau lại có người khác giúp mình. Vì thế, cứ bệnh nhân cần là tôi hiến.
Chị Lan hiện là Chủ nhiệm CLB hiến máu Núi Thành. Chị bảo chị rất vui vì giờ BV đã có nhiều người hiến máu hơn, bệnh nhân cũng đỡ bị lo hơn.
Anh Bùi Minh Thành - cán bộ Viện Huyết học - Truyền máu TW
4. Là nhân viên của Viện Huyết học - Truyền máu TW - nơi rất nhiều bệnh nhân thường xuyên cần máu, anh Bùi Minh Thành đã hiến tới 50 lần.
Lý do hiến máu của anh rất giản dị: Tôi quan niệm bệnh nhân như khách hàng, còn chúng tôi là người phục vụ, vì thế phải hết sức tận tình, chu đáo chăm sóc họ, từ thái độ, cử chỉ đến hành động, để giảm áp lực cho bệnh nhân khi đi viện.
Gắn bó với Viện Huyết học - Truyền máu TW gần 20 năm, anh Thành hiểu, với nhiều bệnh nhân, máu là sự sống, nhất là bệnh nhân mắc bệnh về máu đang ngày càng trẻ hóa, nên anh thấy mình có trách nhiệm giúp đỡ họ.
Thành bắt đầu hiến máu từ cách đây 16 năm. Anh nhận thức rõ giá trị của việc hiến máu thông qua việc quan sát người hàng xóm bị "máu trắng" và phải liên tục truyền máu để duy trì sự sống. Từ đó, Thành hiểu những giọt máu hiến quý giá với người bệnh biết chừng nào, nên từ khi công tác Viện Huyết học - Truyền máu TW, cũng là lúc anh thường xuyên duy trì việc hiến máu.
Thành không quên được lần hiến máu đầu tiên: Do ven của anh quá nhỏ, nên nhân viên y tế rất khó khăn để chọc ven lấy máu. Mất 4 lần mới lấy được 1 bịch máu. Lần thứ 2 cũng phải 3 lần mới lấy được máu. Thế nhưng, anh không bỏ cuộc, để giờ thì đều đặn 3 tháng/lần anh đi hiến máu.
Thành tìm thấy niềm vui trong việc hiến máu, khi chia sẻ rằng: Hiến máu cho người khác, tôi cũng đem lại sức khỏe cho chính bản thân mình, vì mỗi khi hiến máu, các tế bào sẽ sinh sôi nảy nở, làm tăng sức đề kháng. Có lẽ vì thế mà tôi chưa bao giờ ốm đến mức phải nằm viện.
“Hơn nữa, tôi quan niệm hiến máu là mình gửi máu vào ngân hàng máu, biết đâu, có lúc ốm đau cần truyền máu, thì mình lại lấy ra, vì những người hiến máu sẽ được ưu tiên truyền máu nếu gặp lúc nguồn máu khó khăn” - Thành tâm sự.
Anh Trịnh Việt Dũng điều dưỡng Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) - giao lưu lại buổi lễ tôn vinh 100 gương mặt tiêu biểu
5. Đã tròn 10 năm, anh Trịnh Việt Dũng - điều dưỡng Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) - đồng hành cùng hoạt động hiến máu tình nguyện.
Hoạt động trong Câu lạc bộ Hiến máu Hoa phượng, sau một lần CLB tổ chức đá bóng và sinh nhật Hành trình Đỏ, Dũng đã làm quen với tình nguyện viên Trần Thạch Thảo. Và rồi, câu chuyện tình đẹp ấy đã đơm hoa kết trái. Tổ ấm của họ giờ đã có thêm những thành viên nhí. Họ tiếp tục dẫn theo các con đồng hành trong những buổi hiến máu tình nguyện, cả những lần tới Hà Nội để tham gia ngày hội quân của Hành trình Đỏ.
Đến nay, Dũng đã hiến máu được 35 lần, còn vợ anh tham gia 8 lần, và với hai bạn: “Hiến máu không chỉ giúp đỡ người khác mà cũng là những kỷ niệm gia đình khó quên”.
TS. Trần Ngọc Quế - Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia Viện Huyết học - Truyền máu TW
6. Người mà tôi muốn nhắc nhiều đến trong bài viết này là TS. Trần Ngọc Quế - Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia Viện Huyết học - Truyền máu TW.
Anh Quế không chỉ là một trong 100 gương mặt tiêu biểu năm 2023 với 60 lần hiến máu, mà còn là một trong những người đầu tiên “khởi sự” việc vận động hiến máu vào năm 1993, với đề tài nghiên cứu khoa học về việc vận động sinh viên hiến máu.
Từ nhiều năm trước TS. Trần Ngọc Quế đã là một trong những thành viên hiến máu năng nổ nhất. Trở thành Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia, anh luôn sát sao trong công tác tổ chức, tiếp nhận máu, để đảm bảo nguồn máu điều trị cho người bệnh, đồng thời, tích cực vận động người thân, bạn bè và cán bộ, nhân viên hiến máu.
Do có nhóm máu đặc biệt - nhóm máu hòa hợp phenotype (người có nhóm máu phù hợp nhiều kháng nguyên nhóm máu), nên hiện TS. Quế không tham gia hiến máu thường xuyên, mà “để dành” bất kỳ khi nào bệnh nhân nhóm máu hiếm cần, anh sẽ hiến máu.
Có hơn 30 năm gắn bó, đồng hành cùng hoạt động hiến máu tình nguyện, TS. Trần Ngọc Quế có quyền tự hào về thành quả của hoạt động hiến máu nhân đạo hôm nay. Hệ thống xét nghiệm máu của Việt Nam giờ đã tương đương thế giới. Đặc biệt, với tâm huyết và sự nỗ lực không mệt mỏi của anh và đồng nghiệp, lượng người hiến máu ngày càng tăng cao, Việt Nam đã đủ cung cấp máu an toàn cho công tác cấp cứu, điều trị.
“Tới đây, ngành máu sẽ tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ truyền máu, xây dựng tiêu chuẩn GMP trong sản xuất huyết tương, bảo đảm việc tiếp nhận, lưu trữ, vận chuyển máu an toàn” - TS. Quế chia sẻ.
Các nhân viên y tế trong danh sách 100 người hiến máu tiêu biểu năm 2023:
1. Anh Trịnh Việt Dũng, 30 tuổi, điều dưỡng Khoa gây mê Hồi sức, BV Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng, đã hiến máu 35 lần.
2. Anh Vương Văn Thắng, 40 tuổi, giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn, hiến máu 45 lần và vận động hơn 1.000 lượt người tham gia hiến máu.
3. Chị Nguyễn Thị Lan, 52 tuổi, nhân viên y tế BV Đa khoa TW Quảng Nam, đã hiến máu 31 lần, Gia đình hiến máu 55 lần và vận động 20 người khác cùng hiến máu.
4. Bác sỹ Trần Như Dũng, 35 tuổi, BV Phục hồi Chức năng Sơn La, đã hiến máu 25 lần và vận động được 200 người tham gia hiến máu.
5. Bác sĩ Nguyễn Xuân Thành 42 tuổi, Khoa Truyền máu, BV Trung ương Quân đội 108 đã hiến máu 30 lần.
6. TS. Trần Ngọc Quế, 50 tuổi - Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia Viện Huyết học - Truyền máu TW - đã hiến máu 60 lần.
7. Anh Bùi Minh Thành 38 tuổi, cán bộ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, hiến máu 49 lần, luôn tích cực vận động người thân, bạn bè cùng tham gia hiến máu.
8. Anh Nguyễn Văn Chính, 37 tuổi, nhân viên y tế BV Phổi Trung ương, hiến máu 44 lần, trong đó có 25 lần hiến máu toàn phần, 18 lần hiến tiểu cầu.
Thanh Hằng